Bài cuối: Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Tư, 22/06/2022, 08:15 [GMT+7]
    Thực tiễn cho thấy nhiều vụ việc tham nhũng tiêu cực được đưa ra ánh sáng là do báo chí phát hiện, đưa tin, sau đó các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Điều này cho thấy vai trò của báo chí quan trọng trong việc phát hiện, phanh phui các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều nhà báo đã và đang phải đối diện với những rủi ro trong hoạt động hành nghề đúng pháp luật. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo luôn là vấn đề cần được quan tâm.
 
    Tạo "lá chắn" bảo vệ cho các nhà báo điều tra
 
    Hiện nay, thể loại Điều tra được nhiều cơ quan báo chí coi là "nắm đấm thép", góp phần nâng cao uy lực, uy tín cho tòa soạn, một thể tài không thể thiếu trong mỗi tờ báo. Vì vậy, mỗi tòa soạn báo cũng đã đưa ra những quy định riêng để các phóng viên khi được giao nhiệm vụ có thể tự bảo vệ mình, được cơ quan bảo vệ và pháp luật bảo vệ.
 
    Điển hình như tại báo Thanh Niên, thể loại Điều tra luôn được chú trọng, đầu tư. Các đề tài điều tra của báo thể hiện trên hầu hết lĩnh vực, trong đó đặc biệt là trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Hầu như hằng tuần, hàng tháng Thanh Niên đều có những bài, loạt bài điều tra chuyển tải tới bạn đọc qua các kênh nhật báo Thanh Niên, thanhnien.vn.
 
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV
    Ông Nguyễn Ngọc Toàn,  Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Thanh Niên khẳng định: Hầu hết các tuyến bài điều tra, ngay sau khi đăng tải, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đều cử cán bộ đến tòa soạn báo Thanh Niên đề nghị phối hợp, cung tài liệu, chứng cứ phóng viên thu thập để làm cơ sở điều tra xử lý đối tượng sai phạm, phạm tội…; đồng thời có công văn chỉ đạo đơn vị quản lý trực tiếp khẩn trương vào cuộc điều tra xử lý nghiêm cá nhân, tập thể, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả, đem lại niềm tin yêu cho người dân. 
 
    Quy trình thực hiện bài điều tra được báo tổ chức, thực hiện rất chặt chẽ, từ báo cáo đề tài, xây dựng đề cương, phân tích tình huống đến thẩm định chứng cứ…, nhằm đảm bảo chứng cứ thu thập được một cách khách quan nhất, lột tả được bản chất của vấn đề. Đặc biệt, khi quyết định thực hiện một đề tài điều tra, quan điểm nhất quán của Ban biên tập báo Thanh Niên là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phóng viên. Với những đề tài sau khi phân tích, đánh giá cho thấy tính an toàn chưa được đảm bảo, báo sẽ có những phương pháp xử lý phù hợp để cơ quan chức năng nắm bắt và xác minh, xử lý.
 
    Bên cạnh hỗ trợ để phóng viên trang bị các thiết bị cần thiết (máy chụp hình, camera…) phục vụ tác nghiệp, Báo cũng thường xuyên tổ chức tập huấn các qui định pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp điều tra cho các phóng viên thông qua hoạt động nghiệp vụ của Liên chi hội Nhà báo báo Thanh Niên. Khi phóng viên triển khai đề tài điều tra, tiến độ luôn được cập nhật và báo cáo cấp có thẩm quyền, trong trường hợp cần thiết Báo chủ động liên lạc với cơ quan chức năng, công an, Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ đảm bảo an toàn cho phóng viên, ký kết với luật sư bảo vệ phóng viên nếu phát sinh vấn đề pháp lý… - Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn cho biết.
 
    Cũng là một trong những tờ báo tích cực trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Báo Lao động đã ban hành Quy chế tác nghiệp đối với thể loại bài điều tra và yêu cầu phóng viên, biên tập viên thực hiện nhằm đẩy mạnh mảng nội dung Điều tra và duy trì chất lượng các bài viết. Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng thư ký tòa soạn báo Lao động thông tin: Để bảo vệ các phóng viên khi tham gia phanh phui các vụ việc, Ban biên tập báo đã đưa ra các quy định cụ thể như: không gài bẫy, gợi ý cho đối tượng bị điều tra thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Không tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất; không thúc đẩy sự kiện diễn ra hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường. Phóng viên không được thực hiện hành vi có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự hoặc tình trạng pháp lý của bản thân và của tờ báo. Tòa soạn, cụ thể là người phụ trách chỉ đạo đề tài phải đảm bảo giám sát được hoạt động của phóng viên, thông tin thông suốt trong mọi trường hợp. 
 
    Trong một số trường hợp, nên cử hai phóng viên trở lên thực hiện tuyến bài điều tra. Người phụ trách phải nắm chắc tiến độ, nội dung, diễn biến tác nghiệp của phóng viên trong quá trình thực hiện bài điều tra. Đối với các bài điều tra chống tiêu cực, nếu phóng viên vi phạm chế độ báo cáo tiến độ thường xuyên, hoặc có biểu hiện che giấu nội dung tác nghiệp sẽ đình chỉ việc thực hiện đề tài. Người phụ trách đề tài có phương án can thiệp lập tức và hiệu quả khi phóng viên gặp nguy hiểm; luôn đề phòng tình huống phóng viên bị gài bẫy ngược. Nếu phóng viên nhập vai, điều bắt buộc, tòa soạn phải biết rõ ngọn nguồn, phải có kế hoạch được lãnh đạo tòa soạn phê duyệt, có người hỗ trợ, trước khi hành vi ấy diễn ra.
 
    Việc sử dụng cộng tác viên, thông tín viên phải dược sự đồng ý của lãnh đạp tòa soạn. Khi có văn bản phản hồi từ đối tượng bài điều tra, việc xử lý cũng phải đi theo quy trình xuôi như khi viết bài điều tra. Cơ quan chuyển hồ sơ, công văn, ý kiến phản hồi của đối tượng đến Ban, đơn vị thực hiện tin, bài điều tra đó. Lãnh đạo toàn soạn đề nghị phóng viên thực hiện đề tài cùng thảo luận, phân tích, phản biện lại phản ứng của đối tượng bài điều tra; bàn giải pháp xử lý, trình lãnh đạo Ban biên tập, xin ý kiến về giải pháp xử lý. Đối những vấn đề lớn, mang tính nghiêm trọng, thành lập tổ công tác, với sự tham gia của phóng viên viết bài, lãnh đạo toàn soạn, ban Thư ký tòa soạn, Ban cố vấn và lãnh đạo Ban biên tập để họp, bàn bạc thống nhất cách giải quyết.
 
    Từ cách làm của báo Lao động, nhà báo Hoàng Lâm cho rằng: Cơ quan báo chí cũng cần xây dựng quy định tạo nguồn, thẩm định và bảo vệ nguồn tin. Đối với văn bản, tài liệu có đóng dấu "mật", "tối mật", "tuyệt mật", khi sử dụng, khai thác và bảo quản phải bảo đảm đúng quy định, trong đó đặc biệt lưu ý đến nguồn tin từ các cộng tác viên theo quy chế cộng tác viên của cơ quan báo chí nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn bắt buộc về sự chính xác, khách quan và có các chứng cứ đi kèm như văn bản, hình ảnh, băng ghi âm và báo cáo với Ban Biên tập về việc sử dụng nguồn tin từ cộng tác viên đó. Về việc bảo vệ nguồn tin, cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.
 
    Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà báo
 
    Theo Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trong những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ việc các đối tượng côn đồ, mạnh động có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung, tấn công lại đối với các nhà báo, phóng viên khi họ tác nghiệp, đưa tin phản ánh các vụ việc trong đời sống xã hội, khiến cho hoạt động nghề nghiệp của họ bị ảnh hưởng, thậm chí tính mạng sức khỏe cũng bị đe dọa. Xu hướng các vụ việc hiện nay ngày càng nghiêm trọng, bởi vậy ngoài việc mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ.
 
    Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Dưới góc độ xã hội, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của hân dân. Bởi vậy, cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin, phản ánh các thông tin, sự kiện xã hội chính xác nhất đến công chúng, góp phần ổn định chính trị, phát triển mọi mặt đời sống xã hội.
 
    Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí đã quy định về quyền của nhà báo là được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí,… theo quy định tại Điều 25 Luật báo chí. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để phóng viên, nhà báo tác nghiệp, đưa tin, phản ánh kịp thời.
 
    Ngoài ra, Luật Báo chí nghiêm cấm các hành vi de dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Do đó, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…
 
    Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
 
    Còn trong trường hợp các có căn cứ xác định có hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của công dân, mà đây là quyền cơ bản của con người đã được Hiến pháp ghi nhận đối với mỗi công dân, thì có thể bị xem xét bị xử lý về Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân theo Điều 167 Bộ luật hình sự hiện hành. Như vậy, tùy theo mức độ của hành vi cản trở, đe dọa, hành hung người làm báo, cơ quan thực thi pháp luật áp dụng chế tài xử lý theo Luật Báo chí, Bộ Luật Dân sự hay Bộ Luật hình sự.
 
    Một trong những chức năng của báo chí là đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Với những thông tin phản ánh của cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước có thể phát hiện, xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong xã hội. Báo chí là một nghề nghiệp đặc biệt, nhà báo khi tác nghiệp phải thường xuyên phải đối diện với những nguy hiểm từ những đối tượng có lợi ích bị đe dọa do các bài báo phản ánh của nhà báo, nhất là trong các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Do đó cần phải có quy định nhằm bảo đảm cho nhà báo tác nghiệp được thuận lợi, an toàn. Việc bổ sung các quy định bảo vệ đối với phóng viên điều tra cần nghiên cứu kỹ, bởi thực tế những quy định trong Luật Báo chí cũng như các điều luật khác liên quan đến báo chí hiện hành cũng khá đầy đủ để bảo vệ nhà báo. Vấn đề ở đây là thực hiện việc đó như thế nào. Từ trước đến nay cũng rất ít trường hợp bị xử lý dẫn đến việc nhà báo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Điều 15 Luật Báo chí. Cần phải tăng cường xử lý các vụ việc hành hung nhà báo để thể hiện tính răn đe của pháp luật và thực thi các quy định pháp luật bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp hiệu quả hơn - Luật sư Đặng Văn Cường nói.
 
    Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cũng chỉ rõ: Phải nhìn nhận không thể đòi hỏi một quy định riêng cho nhà báo điều tra. Song, với những quy định hiện hành, nếu cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt khi nhà báo cần được bảo vệ, sự an toàn của nhà báo nói chung và nhà báo điều tra chắc chắn nâng cao hơn. Thực tế, nhiều trường hợp nhà báo bị cản trở, đe dọa, xúc phạm, tấn công, hành hung… nhưng cơ quan chức năng xác minh, điều tra kéo dài hoặc chủ yếu xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Thêm vào đó, nhà báo điều tra khi bị tấn công bất ngờ tại hiện trường thì không có công cụ hỗ trợ để tự vệ, bảo đảm an toàn cho bản thân.
 
    Ông Nguyễn Ngọc Toàn kiến nghị: với nhà báo điều tra hoặc nhà báo khi tác nghiệp tại những điểm "nóng" có sự phân công của cơ quan, đơn vị, có đầy đủ giấy tờ cần thiết như thẻ nhà báo, công lệnh, giấy giới thiệu thì cần xem hoạt động đó là "hoạt động thực thi công vụ", đồng thời có thể xem xét cho phép trang bị một số công cụ phù hợp nhằm bảo vệ bản thân trong các tình huống bất ngờ khi cơ quan chức năng chưa kịp can thiệp.
                                                                   Phúc Hằng 
                                                                    (TTXVN)
.