Bài 1: Cầu nối giữa Đảng và nhân dân

Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Ba, 21/06/2022, 20:21 [GMT+7]
    Những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận.
 
    Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công bước đầu trong công cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí.
 
Phiên họp 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phiên họp 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    Báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không chỉ phát hiện, đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn góp phần khôi phục niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới để đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, giúp dư luận thấy rõ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
    Chùm bài "Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" đưa ra đánh giá chung về việc báo chí tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; chia sẻ những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của những nhà báo trong việc phát hiện, phanh phui các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; từ đó đề xuất các giải pháp để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị quan trọng này. 
 
    Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu năm 2013 và nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được triển khai trên một cấp độ mới, ráo riết hơn, quyết liệt hơn và đã đạt được những kết quả tích cực.
 
    Báo chí là lực lượng luôn trên tuyến đầu, là vũ khí sắc bén, vào cuộc mạnh mẽ và cho thấy hiệu quả to lớn, là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng, toàn dân. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phát hiện đã được xem xét, điều tra, xét xử nghiêm minh.
 
    Vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước
 
    Thực tiễn những năm qua, nhất là thời kì đổi mới cho thấy báo chí đã luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc phát hiện, giám sát, đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời. Thông qua việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng với các vụ việc được đưa ra xét xử, báo chí tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là kết quả có ý nghĩa vô lớn đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước.
 
    Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn quan tâm đến việc thông tin tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng với chất lượng thông tin, tuyên truyền ngày càng được nâng cao. Hình thức tuyên truyền có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng tính hấp dẫn và khả năng tương tác cao với độc giả.
 
    Cùng với thông tin về phòng, chống tham nhũng trong nước, với lợi thế có mạng lưới phóng viên thường trú rộng khắp TTXVN còn tập trung thông tin về kinh nghiệm, bài học của các nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng... Trên các sản phẩm của TTXVN luôn duy trì, bảo đảm các nội dung thông tin về kết quả thanh, kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác thu hồi tài sản. Thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng được các đơn vị của TTXVN thực hiện bằng nhiều loại hình (tin văn bản,ảnh, truyền hình, đồ họa) qua các chuyên mục: "Đại hội Đảng khóa XIII", "Nội chính", "Văn bản, chính sách mới", "Xây dựng Đảng- Đoàn thể", "Pháp luật", "An ninh trật tự", "Theo dòng sự kiện". Chuyên mục "Người tốt, việc tốt", bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
                                                                  Phúc Hằng 
                                                                    (TTXVN)
.