Bài 2: Tự bảo vệ mình trước cám dỗ và hiểm nguy
Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Tư, 22/06/2022, 07:58 [GMT+7]
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các phóng viên, nhà báo cũng phải đối diện với nhiều thách thức, thậm chí là bị đe dọa tới tính mạng. Vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn, các phóng viên vẫn không nản lòng. Họ sẵn sàng nỗ lực, dũng cảm, khách quan, kiên định ngòi bút để nhận diện, phản ánh những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, suy thoái với quyết tâm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Tìm lối ra cho vấn đề bằng cái tâm của người cầm bút
Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các báo: Thanh Niên, Lao động, An ninh thế giới, Công an nhân dân... nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo điện tử Dân Việt) đã có một "bộ sưu tập" đáng kể các loạt bài phóng sự điều tra, phanh phui ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: Giai đoạn đầu khi đi làm báo, anh chưa có bản lĩnh để làm điều tra. Khi đó, tòa soạn nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại, vì vậy, anh cảm thấy tác phẩm của mình cần phải có tác động xã hội nhiều hơn. Khó khăn đầu tiên khi thực hiện điều tra, đó là thuyết phục được các tòa soạn. Rồi bằng cách làm minh bạch, ham học hỏi, thận trọng, không tư túi của ai, anh đã khiến các tòa soạn hiểu được mục tiêu chính đó là làm vì công lý. Sau khi có được niềm tin từ các tòa soạn, cái khó lại thuộc về các sự việc. Muốn hiểu, muốn tìm lối ra cho sự việc thì phải am hiểu nó. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các đồng nghiệp đã lần theo từng hồ sơ, nói chuyện với từng nhân vật. Đối với những người không muốn bộc lộ với nhà báo, các anh tìm cơ hội, cũng như hóa trang để tìm ra được "góc khuất" trong câu chuyện của họ.
Các tác giả đoạt giải B Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2021 |
"Ở nhiều vụ việc, khi đơn thư khiếu nại đã đến tất cả các cấp, từ làng xã, cơ sở ra đến Trung ương và đã được cơ quan chức năng xử lý vụ việc, cái khó nhất chính là phân tích hồ sơ, phân tích vụ việc, phân tích tâm trạng của từng nhân vật, bí mật có được những tài liệu độc quyền và trên nữa là cần có linh cảm nghề nghiệp để biết ai đúng, ai sai. Điều này có nghĩa là ngoài luận lập lý, lập luận, còn sử dụng đến các linh giác của mình. Hay có những câu chuyện mà nhân vật đi kêu cứu đến 15-20 năm nhưng họ cũng không biết bản chất câu chuyện mình bị oan do nguyên nhân gì. Bằng sự tìm hiểu của mình, chúng tôi biết được đây là một sự lợi dụng chính sách để trả thù cá nhân. Chúng tôi vẫn thường ôm lấy nhau, thường vui mừng đến tột độ khi sau một thời gian dài điều tra một vụ việc thì tìm ra được 'chìa khóa' của vấn đề" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể.
Với loạt bài độc quyền "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam" (giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3), nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các đồng nghiệp ở báo Dân Việt đã khiến tất cả các đối tượng vi phạm đi tù với mức án 64 năm. Hay loạt bài "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng" (giải Nhất Giải báo chí điều tra về bảo vệ động vật hoang dã năm 2021; giải A Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI, năm 2021) của anh đã đem đến hơn 20 năm tù cho các đối tượng. Điều này khiến nhiều đối tượng hậm hực, thậm chí thù oán đối với anh.
"Khó khăn tiếp theo của tôi chính là việc tự bảo vệ mình. Khi tham gia điều tra, chúng tôi phải hết sức thận trọng, phải từ bỏ nhiều đam mê, không dám đi buổi tối, không dám đến công viên một mình. Đi đến tỉnh nào, cán bộ địa phương cũng rất ngại tiếp xúc cùng chúng tôi. Anh em bạn bè chơi lâu năm với nhau cũng ngại tiếp xúc, ngại mời về nhà chơi, bởi nếu cơ quan cấp trên nhìn thấy mà sau này chúng tôi đi làm điều tra, tố cáo sai phạm, tiêu cực ở đó, bạn tôi sẽ bị nghi ngờ là “tay trong”. Có những người rất quý mình, muốn gặp nhau, chúng tôi phải đặt một phòng riêng trong nhà hàng, bật điều hòa, khóa chặt cửa rồi mới nói chuyện. Vì những chuyện như vậy, tôi mất rất nhiều người bạn nhưng chúng tôi chấp nhận. Chấp nhận bởi chúng tôi đều có chung suy nghĩ: những tác phẩm của mình có ích cho cộng đồng, nó tấn công vào tội phạm, tấn công vào những tiêu cực, tấn công vào những bất cập cho cuộc sống, để mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuổi trẻ không dài, nếu cống hiến được thì hãy cống hiến, để sau này không phải hối tiếc.
Nếu chúng tôi có năng lực để giải quyết các 'mớ bùng nhùng' trong các vụ việc mà xã hội đang đau đầu, các nhân vật đang rên xiết, câu chuyện về chính sách đang đầy lỗ hổng, chúng tôi sẽ xông vào đó, bằng cái tâm, sự khiêm tốn và cầu thị của mình để kiến nghị lối ra cho vấn đề" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bộc bạch.
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người làm điều tra phải trang bị một lượng kiến thức lớn so với các lĩnh vực khác, bởi làm báo điều tra bao giờ cũng phải sâu hơn, kỹ hơn, đấu trí, đấu lý hơn, cảm xúc mạnh hơn, biết yêu tha thiết để căm thù mãnh liệt. Muốn tìm ra chân lý bằng được, bảo vệ cái đúng bằng được, tấn công tội phạm bằng được, rõ ràng người viết phải có cảm xúc rất mạnh, phải điều tra rất sâu, tìm hiểu rất kỹ. Có những phóng sự được gọi là 'đại bác' trong làng báo. Điều này có nghĩa là thay vì dùng 'súng lục' bạn phải dùng một khẩu 'đại bác' để tạo ra hiệu ứng, tác động mạnh đến tâm trí, cảm xúc của người đọc, có sức lay động bằng những tư liệu sốc khiến các cơ quan chức năng vào cuộc. Muốn làm được như vậy, bạn phải rất nghiêm túc, chuẩn chỉ trong lời ăn tiếng nói, am hiểu luật pháp…
Tận tâm đấu tranh vì lẽ phải, công bằng
Thực hiện công việc điều tra tội phạm, các lực lượng vũ trang sẽ có các công văn, giấy tờ, được cấp súng, cũng như có các đồng đội, lực lượng cơ quan chức năng hỗ trợ, thế nhưng đối với những nhà báo điều tra, tất cả chỉ có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan và có nhiều khi chỉ "đơn thân độc mã". Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 quy định rõ là báo chí được pháp luật bảo hộ, cũng như nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Thế nhưng thực tế lại không đúng như vậy.
Chúng tôi phải ấn giấu thân mình khi tìm hiểu các biểu hiện, hành động tham nhũng, tiêu cực,…Tất nhiên chúng tôi cũng không đi quá giới hạn, bởi chúng tôi có đạo đức nghề nghiệp của mình. Chúng tôi không mua hàng cấm, không mua ma túy, vũ khí, cũng không kích thích đối tượng làm việc xấu. Điều tra mại dâm không có nghĩa là chúng tôi trở thành khách chơi. Chúng tôi phải hóa trang để đối tượng tạm hiểu rằng chúng tôi không phải là kẻ thù, không phải là người tấn công vào các lợi ích, an nguy chính trị, sự tự do của chúng trước các nhà tù, trước luật pháp, trước vành móng ngựa. Đó là cách chúng tôi tự bảo vệ mình khi đi làm điều tra. Còn khi đăng báo, nhiều khi chúng tôi không sử dụng tên thật. Khi lật mặt nạ của các đối tượng với các cơ quan điều tra, cơ quan chức năng, chúng tôi cũng phải lánh mình đi chỗ khác. Nhiều lần chúng tôi xuất hiện để cố gắng ghi hình thì chúng có thể ném đá, đuổi đánh, nguyền rủa, thậm chí đe dọa trả thù rất dã man. Chúng tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách an toàn, nghĩ cách không để phải đối mặt với các đối tượng khi chúng bị cơ quan chức năng 'sờ' đến. Đó là những cách chúng tôi cố gắng để giữ an toàn cho bản thân chứ không dám nói trước điều gì cả" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ về cách tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm khi thực hiện điều tra.
Cùng chung ý kiến với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhiều ý kiến cho rằng khi điều tra, phanh phui các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh kinh nghiệm, còn cần bản lĩnh của mỗi nhà báo trong việc đấu tranh với từng hành vi cản trở trong khuôn khổ pháp luật cũng như giữ vững đạo đức nghề nghiệp.
Theo nhà báo Hoàng Lâm, Tổng thư ký tòa soạn báo Lao động, để tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy hoặc cám dỗ xung quanh, bản thân các nhà báo, nhất là nhà báo điều tra phải am tường các quy định của cơ quan, của pháp luật để thực hiện tác nghiệp theo đúng các quy tắc và quy định của pháp luật hiện hành. Mỗi nhà báo cần coi trọng sứ mệnh nghề nghiệp cao quý, trui rèn tố chất và nội lực, bản sắc riêng của mình, cố gắng xây dựng hình ảnh của một nhà báo chân chính, có tâm và có tầm, biết vận dụng ảnh hưởng từ vị thế của mình để phục vụ đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân về quyền được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, tận tâm đấu tranh vì lẽ phải, sự công bằng bằng của chính nhà báo.
Khi phát hiện có cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở, xâm hại quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cần có biện pháp can thiệp kịp thời, theo dõi và xử lý vụ việc theo đúng quy định của Luật Báo chí. Nếu vụ việc phức tạp, có biểu hiện bị cản trở, bao che, cần báo cáo, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo địa phương để kịp thời can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Thực tế cho thấy nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đối tượng thường có 2 cách thức, một là dụ dỗ, lôi kéo nhà báo bằng những lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc hai là cản trở, hành hung báo chí để bảo vệ cho lợi ích của mình, bưng bít thông tin tránh việc báo chí đưa ra ánh sáng những sai phạm của đối tượng, không để báo chí viết, phản ánh, đăng phát.
Với trường hợp một, nhà báo phải là người có tâm, có tầm, có đạo đức nghề nghiệp để vượt qua những cám dỗ đó. Còn đối với trường hợp hai, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, an toàn cho bản thân khi tác nghiệp, cơ quan báo chí và nhà báo phải có những kế hoạch, kỹ năng nhất định. Với cơ quan báo chí, khi giao phóng viên tham gia thu thập thông tin vụ việc cụ thể, tùy theo tính chất vụ việc, loại đối tượng điều tra, điều kiện, môi trường tác nghiệp, vấn đề tìm hiểu… để xây dựng kế hoạch cụ thể điều tra, viết bài và lên phương án bảo vệ, hỗ trợ. Còn bản thân nhà báo phải trang bị các kỹ năng cần thiết để ứng phó khi phát sinh tình huống nguy hiểm, biết cách ứng xử linh hoạt, nhanh nhạy, mềm dẻo, khéo léo, lựa tình huống để bảo vệ bản thân và vật chứng, chứng cứ thu thập được; có sự phối hợp tốt với tòa soạn, trong nhiều trường hợp là các lực lượng chức năng, cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó nhà báo cần phải trang bị cho mình các kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật cần thiết trong quá trình hành nghề - Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Phúc Hằng
(TTXVN)
(TTXVN)