Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt kết quả khá toàn diện
Thứ Hai, 18/01/2021, 06:45 [GMT+7]
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, phục vụ tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
1. Một số kết quả đạt công tác PCTN(1):
Một là: Việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN; công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác PCTN đến năm 2020…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 48 nghe các báo cáo thẩm tra của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 |
Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN như thông qua các hội thảo, hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đảng, Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hoặc trong các buổi báo cáo chuyên đề của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã tổ chức 56.017 lớp, chương trình tập huấn (trong đó có nhiều lớp, chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tuyến) cho 4.764.071 lượt cán bộ, người dân; xuất bản 784.661 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN. Qua đó, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm được chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về PCTN, phát huy tính tích cực trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Chính phủ về công tác PCTN; chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền; đồng thời, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, nắm chắc tình hình, thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động tổng kết, sơ kết quan trọng về công tác PCTN như: Tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ngày 01/02/2013) đến nay; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sơ kết 01 năm Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…
Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục được kiện toàn tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh.
Hai là: Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
- Các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động về tài chính - ngân sách, tổ chức cán bộ, quy hoạch, xây dựng, chính sách xã hội, đất đai, thanh tra… bảo đảm kịp thời, chính xác, rõ ràng, đầy đủ; hình thức công khai theo đúng quy định. Kịp thời chủ động công bố thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí những vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch; đã kiểm tra tại 6.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch; phát hiện 91 đơn vị vi phạm (tăng 43,9 % so với năm 2019).
- Việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 5.201 văn bản; hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.415 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Tiến hành 3.941 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 394 vụ việc và 521 người vi phạm (tăng 38,5% số vụ và 80,1% số người so với năm 2019). Đã xử lý kỷ luật 65 người, xử lý hình sự 64 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường trên 44,2 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường trên 24 tỷ đồng.
- Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã cơ bản thực hiện nghiêm các chuẩn mực xử sự theo quy định của pháp luật, quy tắc nghề nghiệp và chấp hành các quy định của Luật PCTN về kiểm soát xung đột lợi ích.
Trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 4.646 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 58,9% so với năm 2019); phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 192 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Có 08 trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích. Có 03 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định, trị giá 31,8 triệu đồng. Qua hoạt động thanh tra phát hiện 01 cơ quan nhận quà tặng không đúng quy định, đã thu hồi số tiền vi phạm là 210 triệu đồng và đang tiến hành xử lý vi phạm(2).
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Việc chuyển đổi vị trí công tác bảo đảm khách quan, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 17.905 cán bộ, công chức, viên chức (tăng 50,8% so với năm 2019).
- Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2019) nhằm đánh giá khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công ở các địa phương trong cả nước. Kết quả SIPAS 2019 cho thấy năm 2019 có 84,45% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Số người hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 tăng gần 1,5% so với năm 2018.
Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Theo Luật PCTN năm 2018, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019 nhưng do Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập không kịp ban hành trong năm 2019 theo kế hoạch nên việc kê khai theo Luật PCTN năm 2018 chưa được thực hiện(3). Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ba là: Kết quả thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN
Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các cấp, các ngành đều chú trọng thực hiện nghiêm các quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN; đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng; kịp thời tạm đình chỉ công tác nhiều cán bộ để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý(4).
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo đúng quy định của pháp luật trong các hoạt động quản lý nhà nước và công tác PCTN thuộc phạm vi quản lý.
Những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đều được xem xét để xử lý theo quy định. Trong năm có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật(5) (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.
Bốn là: Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền chính sách, pháp luật PCTN cho người lao động, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Trong kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là 61.849, trong đó, thành lập mới: 16 hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, 01 Ngân hàng thương mại và có 19 công ty đại chúng mới được đăng ký.
Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch kiểm tra tổ chức, hoạt động của hội, quỹ và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra theo kế hoạch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 49 Đoàn thanh tra, kiểm tra tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng… Qua thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25,56 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4,67 tỷ đồng.
Trong kỳ báo cáo đã có 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Năm là: Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng nên đã có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khắc phục khó khăn, duy trì các hoạt động theo kế hoạch bằng hình thức phù hợp, bảo đảm nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các cam kết quốc tế khác trong công tác PCTN.
Trong năm 2020, Việt Nam đã kiện toàn Nhóm đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, cử các chuyên gia của Chính phủ tham gia đánh giá việc thực thi Công ước đối với Cộng hòa Áo; tham gia nhiều hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ Công ước và các diễn đàn đa phương khác. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị các Cơ quan chống tham nhũng của các quốc gia Đông Nam Á năm 2020 bằng hình thức trực tuyến. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hoàn thành việc báo cáo, cung cấp thông tin trong các cơ chế đánh giá quốc tế về PCTN và phòng, chống rửa tiền đối với Việt Nam; tiếp tục thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp theo các thỏa thuận đã ký kết, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có liên quan để truy bắt tội phạm tham nhũng, kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài hoặc tội phạm nước ngoài đang lẩn trốn tại Việt Nam.
Sáu là: Kết quả công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 119.528 tỷ đồng, 9.045 ha đất; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 74.946 tỷ đồng, 7.644 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 116.239 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.631 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng.
Riêng Thanh tra Chính phủ tiến hành 42 cuộc thanh tra, ban hành kết luận 20 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 4.368 tỷ đồng, 1.403 ha đất; trong đó, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.174 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 194 tỷ đồng, 410 ha đất; chuyển Cơ quan điều tra 17 vụ việc.
Toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.402 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 7.074 tỷ đồng, 219 ha đất; xử lý hành chính 1.475 tổ chức, 5.212 cá nhân; có 21 vụ, 62 đối tượng do cơ quan thanh tra chuyển, đã được cơ quan chức năng khởi tố điều tra.
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 83,5%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển Cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ; 02 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Đảng, Cơ quan cảnh sát, an ninh điều tra các cấp và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018 về niên độ ngân sách nhà nước năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2019 cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, trong đó: (1) Kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2019: 65.919 tỷ đồng, đạt 71,8% tổng số kiến nghị, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 30.559 tỷ đồng, đạt 70,9%; (2) Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 26/160 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; (3) Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.
Bảy là: Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng
Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 253 vụ, 760 bị can; tạm đình chỉ điều tra 30 vụ, 52 bị can; đình chỉ điều tra 03 vụ, 03 bị can; xử lý khác 14 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 231 vụ, 407 bị can.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân đã khởi tố điều tra 04 vụ/04 bị can. Số tiền thiệt hại do tham nhũng là trên 27,7 tỷ đồng; thu hồi trong giai đoạn điều tra 2,16 tỷ đồng; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 03 vụ/03 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp() đang thụ lý kiểm sát điều tra 845 vụ/1596 bị can. Đã giải quyết 390 vụ/827 bị can. Đã thụ lý giải quyết là 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, tỷ lệ giải quyết đạt 75,4%, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tòa án nhân dân các cấp() đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có 08 bị cáo bị tuyên phạt tù chung thân hoặc tử hình; xét xử phúc thẩm 158 vụ, 326 bị cáo.
Kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng:
- Đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung: Số thi hành xong là 3.605 việc, đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành. Số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,42% số có khả năng thi hành.
- Đối với những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo: Các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tổ chức thi hành 58 vụ việc. Có 15 vụ việc đã tổ chức thi hành xong, 43 vụ đang tổ chức thi hành. Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74.539 tỷ đồng, số đã thi hành xong là 19.261 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 55.278 tỷ đồng.
2. Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; rà soát, bổ sung chương trình công tác của Chính phủ để triển khai đầy đủ nhiệm vụ về sửa đổi, bổ sung các luật và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng” theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Thứ hai là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ nguồn kinh phí của Nhà nước… Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập…
Thứ ba là, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTN; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư là, tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, kết quả công tác PCTN theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN. Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; động viên người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về tham nhũng.
Thứ năm là, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện, nhất các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục PCTN để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật PCTN.
Thứ sáu là, tổng kết Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng; trên cơ sở kết quả tổng kết, đề xuất việc ban hành Chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.
(1) Theo Báo cáo công tác PTCN năm 2020 (số 525/BC-CP, ngày 14/10/2020 của Chính phủ
(2) Tại Sở công thương, tỉnh Tây Ninh
(3) Chính phủ đã thông qua nội dung Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị ký ban hành trong năm 2020. (4) Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến…
(5) Bộ Tài chính: 04 người; Bộ Xây dựng: 04 người; BHXH: 01 người; Sơn La: 02 người; Cao Bằng: 02 người; Thái Nguyên: 05 người; Hải Phòng: 01 người; Hòa Bình: 03 người; Thái Bình: 01 người; Gia Lai: 01 người; Bình Thuận: 23 người; Khánh Hòa: 06 người; Đồng Nai: 01 người; Tây Ninh: 03 người; Tiền Giang: 03 người; Đồng Tháp: 01 người; An Giang: 06 người; Kiên Giang: 02 người.
|
Ths. Bùi Thị Thu Hà
(Ban Nội chính Trung ương)