Xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" có tác dụng răn đe để không dám tham nhũng - kết quả và bài học kinh nghiệm

Thứ Năm, 07/01/2021, 07:31 [GMT+7]
    Có thể nói với kết quả đạt được trong công tác PCTN từ năm 2013, nhất là sau Đại hội XII đến nay, một trong những “điểm sáng” được đánh giá là chất lượng công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng. Trong toàn bộ quá trình này, các cơ quan tố tụng, trong đó có Cơ quan điều tra của lực lượng Công an nhân dân đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN là“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; làm bài bản, tuân thủ pháp luật nhưng phải nhớ pháp luật là do chúng ta xây dựng, chúng ta ban hành, không vì vướng mắc mà chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đây được coi là “kim chỉ nam” cho hoạt động điều tra và là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần điều tra, xử lý triệt để các vụ án tham nhũng trong thời gian qua. 
 
    1. Về cơ bản, các vụ án, vụ việc lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đều do các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý, điều tra (120/132 vụ, chiếm tỷ lệ 91%). Chất lượng công tác điều tra án tham nhũng có nhiều kết quả tích cực. Phương châm“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và hiệu quả đã được minh chứng trong Báo cáo về số liệu các đối tượng bị xử lý. 
 
Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay
Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay
    2. Một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, mà trước đó cho là có “vùng cấm, nhạy cảm”; nhiều vụ phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”; việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng (điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm tham ô tài sản).
 
    3. Yếu tố tư lợi trong các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được chứng minh làm rõ; công tác thu hồi tài sản được quan tâm ngay từ giai đoạn điều tra, tỷ lệ thu hồi chung đạt trên 60%, nhiều vụ thu hồi được 100% tài sản phạm tội (vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, vụ án Hứa Thị Phấn xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín... ). Nhiều tài sản bị tẩu tán, chuyển nhượng, che giấu, thậm chí cả tài sản đã bị chuyển ra nước ngoài cũng đã được phát hiện, truy nguyên ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu (như vụ Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng đã kịp thời phong tỏa để thu hồi hơn 10 triệu USD bị tẩu tán ra nước ngoài). 
 
    4. Nếu trước đây, công tác điều tra, xử lý các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chưa điều tra, xử lý được hành vi “rửa tiền”; tổ chức Châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần cảnh báo thì trong một số vụ án tham nhũng gần đây, Cơ quan điều tra đã phát hiện, điều tra và khởi tố được về tội danh “Rửa tiền”. Tài sản tham nhũng được chuyển hóa như thế nào, được chuyển cho ai, bằng cách nào đã được Cơ quan điều tra xác định, phong tỏa và thu hồi triệt để.  Đã có 04 vụ án khởi tố về tội “Rửa tiền” (điển hình như vụ án Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và đồng phạm; vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm - Rửa tiền có yếu tố nước ngoài), kết quả đó góp phần bảo vệ thành quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo vệ uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam.
 
    5. Từ việc điều tra, xử lý quyết liệt các vụ án kinh tế và tham nhũng ở cấp Trung ương, công tác điều tra xử lý án tham nhũng, kinh tế tại các địa phương ngày càng được nâng cao, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như Báo cáo tổng kết đã nêu. Trong đó, đã giao thụ lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo cho Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý và điều tra đạt kết quả tốt (vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc, do Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý điều tra, các ngành Trung ương chỉ đạo). 
 
    6. Đặc biệt, năm 2020, công tác điều tra án tham nhũng còn có những kết quả hết sức nổi bật. Đó là đã chủ động nhận diện, chọn điểm đột phá, đánh đúng tội phạm, “truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, góp phần lan tỏa làm chuyển biến tình hình trong một số lĩnh vực nhạy cảm, như: Phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xã hội hóa dịch vụ y tế..., phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của đất nước (điển hình là phát hiện, điều tra, khởi tố hành vi thông đồng với các đơn vị thẩm định nâng giá gấp 3, gấp 5 lần thiết bị y tế để hưởng lợi tại Trung tâm CDC Hà Nội và tại Bệnh viện Bạch Mai). Nhất là, qua các vụ án này, đã kịp thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc đấu thầu trang thiết bị y tế; công khai, minh bạch giá thuốc và giá thiết bị y tế, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
 
    Qua kết quả điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
 
    Một là, đặc điểm của tội phạm kinh tế, tham nhũng là tội phạm ẩn, khi bị phát hiện thì gần như hành vi phạm tội đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra; Đối tượng vi phạm thường là có chức vụ, có trình độ, có lợi ích phụ thuộc nhau. Vì vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan của Đảng và của tỉnh, thành ủy trong việc xử lý kỷ luật của Đảng mở đường, tạo điều kiện cho xem xét kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể và xử lý hình sự. Có thể nói, quyết tâm chính trị về phòng, chống tham nhũng với phương châm ngắn gọn, nhất quán “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” là chỗ dựa vững chắc cho các Cơ quan tư pháp, nhất là khách quan, công tâm, độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ một lý do nào khi thực thi và tuân thủ pháp luật. 
 
    Hai là, trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phải luôn đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là “làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân”. Điều đó cũng lý giải vì sao, đa số các vụ đại án trong giai đoạn này đều đã tách ra thành nhiều giai đoạn, nhiều vụ án khác nhau để điều tra, giải quyết triệt để và không bị vướng mắc về pháp luật. Đối với các vụ án trọng điểm như liên quan Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, việc thành lập Ban Chỉ đạo trực tiếp do đồng chí Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng ban (gọi là Ban Chỉ đạo 110) đã cho chúng ta bài học rất quý báu, nhất là vấn đề xử lý đối tượng vi phạm là cán bộ cấp cao, mà thực chất đây là một Ban chuyên án đặc biệt (như chúng ta đã điều tra, xử lý vụ Năm Cam trước đây). 
    
    Ba là, kinh nghiệm quá trình điều tra cho thấy, hành vi phạm tội có sự đan xen, gắn kết giữa hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và hành vi tham nhũng; đối tượng phạm tội thường là người có chức vụ, quyền hạn giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, trong đa dạng các thành phần kinh tế, các tổ chức kinh tế cũng có nhiều người là cán bộ công chức, người lao động hưởng lương, phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của đối tượng phạm tội là người đứng đầu đơn vị, tổ chức, công ty, bị ràng buộc bằng cơ chế hành chính, mệnh lệnh, thiếu nhận thức về hành vi, việc làm của mình. Vì vậy, quá trình điều tra phải tập trung làm rõ bản chất của vụ án, vụ việc, nhất là bản chất tư lợi, chiếm đoạt; phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để xử lý một cách phù hợp, nghiêm minh nhưng “nhân văn, thấu tình, đạt lý”, ngay cả nhiều người chủ mưu, cầm đầu, có chức vụ, có trình độ bị xử lý nghiêm khắc đã thể hiện ”tâm phục, khẩu phục” trong xét xử công khai tại các phiên tòa.
 
    Bốn là, nêu cao bản lĩnh, ý chí và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm của người lãnh đạo, cán bộ thụ lý và tham gia điều tra, xử lý án tham nhũng và muốn đạt hiệu quả thì trước hết lãnh đạo và cán bộ điều tra án tham nhũng cùng với các cơ quan tư pháp phải thực sự trong sáng, vô tư, khách quan, không bị dao động, không thể mua chuộc được (như đi bên bờ sông mà không bị ướt giầy), phải chuyên cần như “tiều phu kiếm củi” và nhất là phải nhạy bén, sắc bén, có năng lực chuyên môn, phụng công, thủ pháp; đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các hạn chế, thiếu sót trong công tác tố tụng, đảm bảo triệt để, không oan, không lọt.
 
    Năm là, việc xác định rõ cơ chế xử lý những khó khăn, vướng mắc theo từng cấp độ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Hoạt động tích cực, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và góp phần phát hiện, đưa tin kịp thời của các cơ quan truyền thông, báo chí là vấn đề rất quan trọng, thuận lợi cho công tác điều tra và hoạt động tố tụng đã đem lại hiệu quả cao, cả về mặt chất lượng cũng như tiến độ.
 
    Trong giai đoạn tới, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc và xuyên suốt quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tuân thủ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác phòng ngừa. Với những kết quả đạt được, với mục tiêu và các biện pháp, giải pháp đề ra, chúng tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ còn “mạnh” hơn, “quyết liệt” hơn, “hiệu quả” hơn và luôn là phong trào mạnh mẽ, xu thế tiến bộ của xã hội chúng ta. 
                                                            Thượng tướng Lê Quý Vương
                                                                          (Thứ trưởng Bộ Công an)
.