Thứ Ba, 26/11/2024, 9:42 [GMT + 7]
.
.

Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở Lai Châu

Thứ Ba, 11/10/2016, 16:21 [GMT+7]
    Lai Châu có 265 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và quốc phòng, an ninh; có 20 dân tộc trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh biên giới luôn được bảo đảm. Để đạt được kết quả trên phải kể đến vai trò, sự đóng góp tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc.
 
    Có thể nói, già làng, trưởng bản và người có uy tín có vai trò, vị thế rất lớn đối với các dân tộc thiểu số ở địa bàn dân cư. Họ là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội; là người có khả năng vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
 
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tiếp Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, người có uy tín có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lai Châu (tháng 9-2016)
Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tiếp Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, người có uy tín có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
tỉnh Lai Châu (tháng 9-2016)
    Già làng, trưởng bản và người có uy tín còn là những người luôn nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Đây là những việc làm rất thực tế có hiệu quả của đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín của tỉnh Lai Châu trong những năm qua. Họ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
 
    Những năm qua, các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng đã được các già làng, trưởng bản, người có uy tín phối hợp giúp đỡ hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biên giới quốc gia, mang bình yên đến cho các bản, làng. Trong năm qua, đã có hơn 1.500 lượt già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín tỉnh Lai Châu đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các thôn, bản; tham gia phòng, chống truyền đạo trái pháp luật; cung cấp nhiều tin báo có giá trị, giúp các cơ quan chức năng trong tỉnh kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm, góp phần đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
 
    Tuy nhiên, bên cạnh đó già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường bị chi phối bởi tình cảm dòng tộc, cục bộ khi xử lý, giải quyết công việc; có trình độ nhận thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước còn hạn chế. Đây cũng là điểm yếu mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để kích động gây mất đoàn kết, mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
    Để phát huy vai trò tích cực, nhằm động viên các già làng, trưởng bản, phát huy khả năng, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã thường xuyên tổ chức gặp mặt, giao lưu theo xã, cụm làng, bản. Qua đó các già làng, trưởng bản và người có uy tín có dịp trao đổi, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ở từng làng, bản. Trên cơ sở đó giúp cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể hiểu và nắm sâu hơn về tình hình ở cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp.
 
    Hàng năm, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác để nâng cao trình độ, nhận thức cho đội ngũ già làng, trưởng bản và người có uy tín; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình người tốt, việc tốt, gương sản xuất giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đời sống văn hóa ở vùng dân tộc và miền núi. 
Cù Tất Dũng 
;
.