Thứ Ba, 26/11/2024, 23:17 [GMT + 7]
.
.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013

Chủ Nhật, 14/02/2016, 08:04 [GMT+7]
    1. Nội dung cơ bản của quyền tiếp cận thông tin
 
    Quyền tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân được tiếp cận các thông tin được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền. Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948(1), tại Điều 19 của Tuyên ngôn này quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”; và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966(2) (tên viết tắt tiếng anh là ICCPR), tại khoản 2 Điều 19 của Công ước này quy định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi thông tin, ý kiến, bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩn dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Hai văn kiện pháp lý này là nền tảng cho việc ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền cơ bản nhất trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó; và rất nhiều Công ước quốc tế sau này tiếp tục ghi nhận(3).
 
    Về khái niệm quyền tiếp cận thông tin, mặc dù Điều 19 ICCPR không đề cập đến thuật ngữ “quyền tiếp cận thông tin”, nhưng tại Bình luận chung số 34 của Ủy ban nhân quyền (HRC)(4), đã đặc biệt lưu ý đến quyền tiếp cận các thông tin được nắm giữ bởi cơ quan nhà nước. HRC giải thích rằng, quyền này được bao hàm trong khoản 2 Điều 19 ICCPR, theo đó, mọi người có quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan công quyền nắm giữ. Các thông tin ấy bao gồm các dạng hồ sơ do một cơ quan công quyền nắm giữ, bất kể hình thức lưu trữ, nguồn tin và ngày xác lập. Các cơ quan công quyền là các cơ quan được nêu trong đoạn 7 của Bình luận chung này bao gồm “Tất cả mọi nhánh quyền lực nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) và các cơ quan công quyền và tổ chức của Chính phủ, dù ở cấp độ nào quốc gia, khu vực hay địa phương”. Những cơ quan ấy có thể cũng bao gồm các pháp nhân đang thực hiện chức năng công. Cũng theo quy định tại Điều 25 của Công ước, quyền tiếp cận thông tin bao gồm một quyền mà với quyền ấy truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công và quyền của công chúng nói chung được tiếp nhận sản phẩm truyền thông. Mỗi cá nhân có quyền xác định qua một hình thức dễ hiểu để xem rằng những dữ liệu cá nhân nào được lưu trữ dưới dạng các tập dữ liệu tự động và vì mục đích gì. Mỗi cá nhân cũng phải có thể xác định cơ quan công quyền hay cá nhân hay tổ chức nào kiểm soát hoặc có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình... nếu không đúng hoặc dữ liệu đó không được thu thập hay xử lý không theo quy định của pháp luật thì mọi cá nhân đều phải có quyền yêu cầu điều chỉnh dữ liệu của mình... (Đoạn 18).
 
    ICCPR không nêu giới hạn riêng đối với quyền tiếp cận thông tin, mà chỉ nêu những giới hạn chung đối với quyền tự do biểu đạt (quyền này bao trùm gồm cả tiếp cận thông tin). Khoản 3 Điều 19 ICCPR khẳng định việc thực hiện quyền tự do biểu đạt “đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”. Cụ thể, quyền này phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: (1) Tôn trọng các quyền hoặc danh dự của người khác; (2) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Về những điều kiện khi áp đặt hạn chế với quyền này, trong Bình luận chung số 34, HRC nhấn mạnh: Tuy nhiên, khi quốc gia thành viên đặt ra những hạn chế với việc thực hành quyền tự do biểu đạt, các biện pháp hạn chế này không được làm ảnh hưởng đến bản chất của quyền... (Đoạn 21).
 
    Nghiên cứu pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo đảm và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân trong các lĩnh vực cho thấy, pháp luật chưa xác định rõ quyền tiếp cận thông tin và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; chưa thể hiện rõ tinh thần của Hiến pháp về trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, cũng như các nguyên tắc, điều kiện hạn chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
 
    Ở Việt Nam, quyền được thông tin của công dân theo Hiến pháp năm 1992 và quyền tiếp cận thông tin của công dân theo Hiến pháp năm 2013 tuy đã được ghi nhận nhưng về khái niệm và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích một cách chính thức và đầy đủ. Đa số các văn bản pháp luật chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch một số thông tin trong một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Tham chiếu Điều 19 của ICCPR thì nội hàm của quyền tiếp cận thông tin bao gồm tối thiểu ba bộ phận: Tự do tìm kiếm, tự do tiếp nhận và tự do truyền đạt thông tin dưới mọi hình thức. Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã ghi nhận quyền tiếp cận thông tin ở những mức độ khác nhau trong các lĩnh vực cụ thể như: (1) Quyền tự do tìm kiếm, trao đổi thông tin: Cá nhân, tổ chức có thể tìm kiếm thông tin thông qua môi trường mạng internet(5), bên cạnh việc tìm kiếm thông tin bằng các phương tiện nghe, nhìn và trong sách, báo truyền thống. (2) Quyền tiếp cận thông tin thông qua việc các cơ quan nhà nước công bố, công khai thông tin do mình nắm giữ(6) hoặc bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin(7) (trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước).
 
    2. Những quy định về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của Việt nam hiện nay
 
    Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, củng cố nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Quyền tiếp cận thông tin có vai trò tích cực và tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân.
 
    Nhà nước phải bằng mọi nỗ lực để bảo đảm tiếp cận những thông tin của cá nhân và tổ chức được dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và thực tiễn. Phải xây dựng những thủ tục cần thiết để một người có thể tiếp cận được thông tin như bằng các biện pháp lập pháp về tự do thông tin... Những thủ tục ấy phải tạo điều kiện xử lý nhanh chóng các yêu cầu thông tin theo những nguyên tắc rõ ràng và phù hợp.
 
    Trong thời gian qua, để bảo đảm quyền được thông tin, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật” (Điều 69). Đến Hiến pháp năm 2013 quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định một cách chủ động thay vì quy định quyền được thông tin của công dân như trong Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin(8). Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều văn bản pháp luật(9) và văn bản dưới luật đã được ban hành quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ. Các quy định về điều kiện bảo đảm công khai thông tin còn tương đối mờ nhạt, chưa cụ thể, chưa thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp đã quy định như:
 
    - Một số văn bản pháp luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia(10) trong một số lĩnh vực hoạt động cụ thể để lưu giữ, quản lý và công bố công khai thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc quy định trách nhiệm phải trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng kịp thời và hiệu quả các yêu cầu tiếp cận, nghiên cứu và xử lý các thông tin liên quan phục vụ hoạt động quản lý của ngành, lĩnh vực hoạt động. Một số lĩnh vực quy định rõ việc công bố, công khai thông tin thông qua các hình thức phải bảo đảm thuận tiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.
 
    - Các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc giao một đơn vị đầu mối hoặc có cán bộ đầu mối thực hiện trách nhiệm công bố công khai thông tin hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu. 
 
    - Trong một số lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, y tế... pháp luật đã có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm, chủ thể công bố thông tin phải chịu mọi trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp(11), quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin của các chủ thể có trách nhiệm công bố công khai thông tin.
 
    3. Những hạn chế, tồn tại về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của Việt nam hiện nay
 
    Thứ nhất, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo đảm và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân còn thiếu các quy định về nguyên tắc thực hiện quyền và hạn chế quyền theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; chưa quy định một cách thống nhất về khái niệm “thông tin”, “quyền tiếp cận thông tin”; các phương thức, hình thức tiếp cận thông tin; thông tin được tiếp cận và thông tin không được hoặc bị hạn chế tiếp cận; không quy định rõ loại thông tin phải được công bố, công khai rộng rãi và thông tin được cung cấp theo yêu cầu của công dân; thiếu cơ chế, biện pháp bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Trong một số lĩnh vực chưa bảo đảm việc quy định bằng luật về quyền của công dân yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải công bố công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu dẫn đến nguy cơ hạn chế quyền tiếp cận thông tin trái với tinh thần của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
 
    Thứ hai,về phạm vi thông tin được tiếp cận, các văn bản pháp luật hiện hành quy định thiếu rõ ràng, chưa quy định nguyên tắc xác định phạm vi thông tin được tiếp cận, không được tiếp cận và thông tin bị hạn chế tiếp cận; chưa phân loại rõ theo các tiêu chí thế nào là thông tin mà Nhà nước cần chủ động công khai, thông tin người dân có thể tiếp cận theo yêu cầu.
 
    Thứ ba, hầu hết các văn bản hiện hành chưa chú trọng đến quyền được chủ động yêu cầu cung cấp thông tin của công dân; mới chỉ dừng lại ở việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước và trao quyền tự quyết định việc cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước. Các quy định hiện hành chưa bao quát hết các lĩnh vực cần công khai thông tin, cung cấp thông tin trong đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy, phần nào đó hạn chế quyền tiếp cận thông tin của cá nhân và tổ chức.
 
    Thứ tư, trong hầu hết các lĩnh vực cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu, các văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin; đặc biệt là chưa có quy định về thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin.
 
    Thứ năm, pháp luật hiện hành cũng chưa thiết lập cơ chế pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin một cách có hiệu quả nhất (các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức lưu giữ, cung cấp thông tin, bảo đảm các nguồn lực: Hạ tầng kỹ thuật, tài chính, nhân lực cho việc công bố công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu). Do đó, việc cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước vẫn mang tính hình thức, chiếu lệ và thiếu đồng bộ.
    
    4. Một số kiến nghị giải pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo tinh thần hiến pháp năm 2013
    
    Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước và quyền con người nói chung, quyền tiếp cận thông tin nói riêng có mối quan hệ tác động qua lại rất mật thiết. Quyền được thông tin có vai trò tích cực và tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia, nhằm tạo điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay.
 
    Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 thì việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin phải thể hiện rõ được những nội dung cơ bản như sau:
 
    Một là, về phạm vi điều chỉnh, Luật tiếp cận thông tin cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đó là phạm vi thông tin được tiếp cận, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu cung cấp thông tin; hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin và cơ chế bảo đảm việc tiếp cận thông tin. Luật tiếp cận thông tin là luật chung, do vậy phạm vi điều chỉnh của Luật cần phải mở rộng đối với tất cả các loại thông tin. Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện các điều khoản tại ICCPR do vậy, Luật tiếp cận thông tin cần phải điều chỉnh đến đối với các loại thông tin được coi là thông tin hạn chế tiếp cận, được thực hiện theo quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xác định phạm vi thông tin được tiếp cận và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.
 
    Hai là, về chủ thể tiếp cận thông tin: Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không phân biệt giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước... đều được tiếp cận thông tin. Do vậy, Luật nên quy định quyền tiếp cận thông tin là của mọi chủ thể, không chỉ giới hạn đối với công dân Việt Nam.
 
    Ba là, về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin: Luật tiếp cận thông tin cần phải mở rộng chủ thể cung cấp thông tin theo hướng tất cả các cơ quan, tổ chức sử dụng quyền lực công hoặc tài sản, ngân sách do người dân đóng góp đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, dù cơ quan đó được hình thành dưới hình thức nào và hoạt động theo nguyên tắc nào.
 
    Bốn là, xây dựng các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Luật tiếp cận thông tin phải thiết lập các biện pháp như: Quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin nhằm giúp cho các chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin có thể thực hiện được một cách nhanh chóng, hiệu quả, thuận tiện quyền tiếp cận thông tin của mình. Luật cũng nên quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin phải bảo đảm thực hiện việc tiếp cận thông tin do cơ quan mình nắm giữ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin của cá nhân và tổ chức; quy định áp dụng các chế tài đối với các cơ quan nhà nước và các công chức trong trường hợp từ chối công bố thông tin một cách bất hợp pháp.
 
    Năm là, xác lập cơ chế theo dõi, giám sát việc thực thi Luật tiếp cận thông tin. Việc thiết lập một cơ chế theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin phải đáp ứng được các tiêu chí: Phải có sự độc lập với các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin để bảo đảm rằng cơ quan giám sát có thể hoạt động một cách khách quan, không chịu tác động của các chủ thể nói trên; cơ quan theo dõi, giám sát phải là một thiết chế đủ mạnh, được trao các quyền hạn thích hợp, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của mình để tiếng nói của cơ quan này trở thành những khuyến nghị có trọng lượng buộc các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin phải thực hiện; trong bối cảnh thực hiện cải cách hành chính hiện nay, cơ quan này phải là một thiết chế gọn nhẹ, không quá cồng kềnh để có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình và không làm tăng quá lớn chi phí về nhân sự, tài chính.
 
    Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, cơ chế kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định rất khác nhau. Có quốc gia quy định việc theo dõi, giám sát được thực hiện bằng cơ chế giám sát hành chính, có quốc gia thực hiện việc giám sát qua con đường tòa án, ở một số quốc gia khác thì việc kiểm tra, giám sát quyền tiếp cận thông tin được thực hiện bởi một cơ quan độc lập(12). Hiệu quả của các cơ chế này là rất khác nhau. Tuy nhiên, các ủy ban độc lập là cơ chế giám sát hữu hiệu nhất.
 
    Cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hiệu lực, hiệu quả: Trong trường hợp bị từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đúng theo quy định pháp luật thì cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan có thẩm quyền. Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan cho thấy, hiện nay ở nước ta đang tồn tại hai kênh giám sát đó là giải quyết khiếu nại hành chính trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước và giải quyết khiếu kiện hành chính tại Tòa án.
 
    Việc giải quyết khiếu nại bằng con đường hành chính (lên cơ quan cấp trên của cơ quan bị khiếu nại) được nhìn nhận là một cơ chế nhanh chóng và không tốn kém nhưng thực tiễn không có hiệu quả do có xu hướng ủng hộ việc từ chối cung cấp thông tin các cơ quan thuộc hệ thống hành chính.
 
Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới(13) cho thấy, cơ chế giải quyết khiếu nại ba bước đã mang lại hiệu quả, là biện pháp mạnh để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể một cách triệt để. Cơ chế này cho phép vụ việc khiếu nại được đưa ra giải quyết trước một cơ quan độc lập, sau khi đương sự không thỏa mãn với cách giải quyết trong phạm vi nội bộ của cơ quan hành chính. Chỉ sau khi ngay cả việc giải quyết trước cơ quan độc lập này vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của đương sự, thì vụ việc mới được đưa ra trước Tòa án.
(1) Việt Nam là thành viên của văn kiện này từ năm 1988.
(2) Việt Nam đã tham gia Công ước năm 1982.
(3) Công ước về chống tham nhũng năm 2003 (Việt Nam phê chuẩn ngày 30-6-2009); Công ước về tiếp cận thông tin, tham gia của công chúng và tiếp cận công lý đối với các vấn đề về môi trường, được thông qua tháng 6-1998, có hiệu lực tháng 10-2001.
(4) Bình luận chung số 34 của Ủy ban nhân quyền, kỳ họp 102, ngày 11 đến 29-7-2011 tại Geneve, Thụy Sỹ được thông qua để thay thế cho Bình luận chung số 10 về Điều 19 ICCPR.
(5) Xem điều 8 Luật công nghệ thông tin năm 2006.
(6) Xem Điều 131 Luật bảo vệ môi trường; Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
(7) Xem Điều 86 Luật PCTN.
(8) Xem Điều 14, 16, 21, 28 Hiến pháp năm 2013.
(9) Phụ lục rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tiếp cận thông tin: http://moj.gov.vn, có gần 50 văn bản Luật liên quan đến tiếp cận thông tin mà Việt Nam đã ban hành trong thời gian qua.
(10) Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 20-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Nghị định số 52/NĐ-Cp ngày 28-5-2015 về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật…
(11) Tại Điều 51 Luật dược năm 2005 quy định: “Tổ chức, cá nhân thông tin thuốc phải chịu trách nhiệm về những thông tin do mình cung cấp”.
(12) Trong số hơn 40 quốc gia có cơ quan độc lập thực hiện việc kiểm tra, giám sát quyền tiếp cận thông tin điển hình như các quốc gia: Arménia, Ôxtralia, Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Ireland, Anh,...
(13) Kinh nghiệm của Pháp, Bồ Đào Nha, Ireland và Đức. 

ThS. Hoàng Minh Sơn 
(Ban Thanh tra, Tòa án nhân dân tối cao)

;
.