Thứ Ba, 26/11/2024, 23:17 [GMT + 7]
.
.

Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương: Phối hợp trong xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp

Thứ Hai, 15/02/2016, 07:39 [GMT+7]
    Xuất phát từ chức năng nhiệm vụ của mình, ngay từ năm 1966 khi mới được thành lập với tên gọi Ban Pháp chế Trung ương và sau này là Ban Nội chính Trung ương (trước khi được hợp nhất về Văn Phòng Trung ương Đảng năm 2007) thì giữa Ban Nội chính Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao đã có mối liên hệ mật thiết trong việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hệ thống Tòa án, đặc biệt là trong việc xét xử một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp dư luận đặc biệt quan tâm (điển hình nhất trong thời kỳ này là vụ án Năm Cam). Đến năm 2012, Ban Nội Chính Trung ương được tái thành lập. Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao do Ban Bí thư ban hành (kèm theo Quyết định số 255QĐ/TW ngày 05-9-2014 của Ban Bí thư), Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương trong việc tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao nói riêng và hệ thống Tòa án nói chung. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và các thành viên trong Ban cán sự đảng luôn coi Quy chế phối hợp là một văn bản quan trọng đối với hoạt động của Ban cán sự, đặc biệt là trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xét xử của các tòa án nhân dân. Trên cơ sở Quy chế phối hợp, các đồng chí thành viên Ban cán sự đã chỉ đạo Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác tổ chức cán bộ, ngăn ngừa kịp thời sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ công chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; thực hiện tốt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao với Ban Nội chính Trung ương trong công tác nội chính và PCTN(1)
 
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao
Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao
    Theo nội dung phạm vi phối hợp, việc tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo định hướng xử lý một số vụ án theo quy định của Bộ Chính trị hoặc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đặc biệt là trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Do đó, ngay sau khi có Quy chế phối hợp này thì Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, xây dựng chương trình hành động thực hiện Quy chế, tuân thủ nghiêm túc về phạm vi và nguyên tắc phối hợp, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với Ban Nội chính Trung ương.
 
    Trong thời gian vừa qua Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện nội dung phối hợp này một cách nghiêm túc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể:
 
    - Trong công tác xét xử các vụ án về tham nhũng cũng như các vụ án theo Chỉ thị 15CT/TW ngày 07-7-2007 của Bộ Chính trị, quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao là Tòa án các cấp phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan chức năng khác để khẩn trương phát hiện, điều tra, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng; cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo chỉ áp dụng đối với những bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng đặc biệt, đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao.
 
    - Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự nói chung, Tòa án nhân dân tối cao đã quán triệt trong hệ thống Tòa án phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15-CT/TW, Chỉ thị số 48CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Đến nay, nhiều tòa án địa phương đã xây dựng được quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; định kỳ hàng tháng hoặc quý tiến hành họp để trao đổi án, rà soát, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật đối với các vụ án có vướng mắc, nhằm bảo đảm giải quyết các vụ án đúng thời hạn, đúng pháp luật. Một số vụ án về tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án cử Thẩm phán tham gia phối hợp ngay trong quá trình điều tra, truy tố để nắm chắc các tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
    - Thực hiện chức năng giám đốc thẩm, kiểm tra công tác xét xử của Tòa án nhân dân cấp dưới, trong thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về kiểm tra công tác xét xử của các tòa án nhân dân địa phương, qua đó có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử.
 
    - Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên có các báo cáo tiến độ xử lý vụ án, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những biện pháp giải quyết đối một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; có vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; có vụ án thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý.
 
    - Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chỉ đạo Ban cán sự đảng các tòa án địa phương tham gia xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án về tham nhũng; định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý tiến hành họp để trao đổi, rà soát, thống nhất những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật đối với các vụ án có vướng mắc.
 
    Tuy nhiên, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao luôn xác định rõ việc phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan khác là rất cần thiết và là điều kiện quan trọng để hệ thống Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng trong công tác xét xử phải luôn bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, tuân theo đúng các quy định của pháp luật, trên cơ sở tranh tụng công khai tại phiên tòa; mọi bản án, quyết định của Tòa án không chịu bất kỳ sự chỉ đạo và can thiệp của cá nhân, cơ quan, tổ chức nào.
 
    Từ năm 2014 đến nay, là thời điểm Tòa án nhân dân tối cao phải thực hiện nhiều công việc quan trọng liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013, thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các tòa án nhân dân trong việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự. Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan và chủ quan nên công tác thực hiện Quy chế phối hợp trên thực tế chưa đạt được kết quả như mong muốn; việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thực hiện Quy chế phối hợp cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
 
    Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương, đặc biệt là trong việc phối hợp tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí Thư trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì đòi hỏi cả Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương cần có sự tích cực, tập trung hơn nữa trong quan hệ phối hợp. Cụ thể:
 
    Thứ nhất, đối với cả hai cơ quan
 
    - Cần thực hiện quy chế phối hợp nghiêm túc hơn nữa; tăng cường, chủ động hơn trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan, trao đổi văn bản cho nhau để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi cơ quan; xử lý công việc chung một cách tốt và có hiệu quả nhất;
 
    - Tổ chức các cuộc họp đột xuất, họp định kỳ, tổng kết Quy chế  phối hợp để giải quyết các công việc cần thiết theo yêu cầu của một bên hoặc hai bên;
 
    - Phối hợp thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” của Bộ Chính trị ban hành ngày 07-12-2015.
 
    Thứ hai, đối với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao
 
    - Bám sát các chủ trương, quan điểm của Đảng; tổ chức triển khai quán triệt đầy đủ các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xét xử các vụ án hình sự trong hệ thống Tòa án;
 
    - Phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế phối hợp;
 
    - Chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác hướng dẫn, giám sát việc xét xử của các tòa án nhân dân; kịp thời báo cáo, đề xuất xem xét, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp;
 
    - Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục những biểu hiện sai phạm, lệch lạc trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, xử lý nghiêm và kịp thời những tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định;
 
    - Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp định kỳ để rút kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp tích cực nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các nội dung của Quy chế phối hợp;
 
    - Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, định hướng xử lý những vụ việc, vụ án theo quy định của Bộ Chính trị hoặc khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao;
 
    - Đối với các vụ án nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm cần chủ động trao đổi với Ban Nội chính Trung ương, đề xuất danh mục những vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo;
 
    - Tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho Ban Nội chính Trung ương về nội dung, tiến độ, quan điểm, kết quả xử lý vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo hoặc những vụ án mà Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban Nội chính Trung ương nắm tình hình để đề xuất;
 
    - Trao đổi với Ban Nội chính Trung ương để đề xuất với Ban Chỉ đạo hướng xử lý một số vụ án cụ thể.
 
    Thứ ba, đối với Ban Nội chính Trung ương
 
    - Cần phối hợp chặt chẽ hơn với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và PCTN; về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án khi Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đề nghị hoặc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao;
 
    - Thẩm định các đề án mà Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (nếu được giao);
 
    - Phối hợp với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và PCTN có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Tòa án hoặc khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao;
 
    - Phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, định hướng xử lý những vụ việc, vụ án theo quy định của Bộ Chính trị hoặc khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao;
 
    - Đối với các vụ án hình sự đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà có dấu hiệu oan, sai thì Ban Nội chính Trung ương cần trao đổi, đề nghị Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ; nếu phát hiện có oan, sai thì kiến nghị ngay với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị để xử lý đúng theo quy định của pháp luật;
 
    - Đối với các vụ án nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì cần trao đổi với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao để đề xuất đưa vào danh mục những vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đề xuất với Ban Chỉ đạo về định hướng xử lý một số vụ án; trao đổi hay tham dự cuộc họp liên ngành do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì về những vụ án mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất, đề từ đó đưa ra hướng xử lý cụ thể.
 
    Có thể thấy rằng, quan hệ phối hợp giữa Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương trong việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là rất cần thiết. Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp này trên thực tế và để làm tốt vai trò tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì cần thiết cả hai bên cùng có sự tích cực, chủ động và sáng tạo trong công tác; thường xuyên trao đổi thông tin cần thiết; thông qua các cuộc họp đột xuất, họp định kỳ, họp tổng kết để rút ra những khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp với nhau, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất trong quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan, tham mưu một cách hiệu quả nhất cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
 

    (1) Theo Điều 1 của Quy chế phối hợp ngày 05-92014, phạm vi phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao được xác định gồm: “1. Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban chỉ đạo) những chủ trương, chính sách, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính và PCTN; về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án. 2. Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Bộ Chính trị hoặc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao. 3. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và PCTN có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Tòa án hoặc khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao”.

Nguyễn Trí Tuệ
(Thẩm phán cao cấp Tòa án nhân dân tối cao)

;
.