Thứ Ba, 3/12/2024, 2:14 [GMT + 7]
.
.

Một số vấn đề về nợ xấu và giải quyết nợ xấu tại Việt Nam hiện nay

Thứ Sáu, 17/10/2014, 09:41 [GMT+7]
Nợ xấu, theo quan điểm của Tổ chức tiền tệ thế giới IMF là một khoản vay khi đã quá hạn thanh toán gốc hoặc lãi 90 ngày hoặc khi đến hạn dưới 90 ngày nhưng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy người vay không thể hoàn trả đầy đủ. Tại Việt Nam, theo Luật Tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành thì một trong các tỷ lệ đảm bảo an toàn mà TCTD phải đảm bảo là tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn hoặc bằng 3% tổng dư nợ.
Nợ xấu và xử lý nợ xấu luôn là mối quan tâm lớn của các quốc gia trên thế giới. Khi khối lượng nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế nói chung và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng nói riêng. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, việc xử lý nợ xấu có thể được thực hiện bởi một trong các biện pháp: i) Hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc cấp thêm vốn cho các định chế tài chính nhằm nâng cao năng lực tài chính để xử lý nợ xấu; ii) Điều chỉnh các quy định liên quan đến phân loại và quản lý nợ xấu hoặc cho phép các TCTD và bên đi vay thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất; iii) Thành lập các công ty quản lý tài sản (Asset Management Company – AMC) để tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD. Hoạt động của các AMC hướng tới việc tối đa hóa giá trị của các khoản nợ xấu được chuyển giao và giảm thiểu chi phí cho quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD.
Tại Việt Nam, theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu xử lý năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, năm 2013 là gần 98.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2014 là 33,45 nghìn tỷ đồng. Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc xử lý nợ xấu còn nhiều rủi ro, nếu không có những giải pháp xử lý thích hợp thì gây ra nhiều hậu quả quan ngại. Năm 2013, Chính phủ đã thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) nhằm xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế. Đến ngày 10/10/2014, VAMC đã mua được 92.500 tỷ đồng dư nợ gốc của 37 TCTD. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ 4,17% và khoảng 8,2%. Nợ xấu đề cuối tháng 6/2014 tăng 38,2% so với đầu năm, tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, mức tăng trưởng nợ xấu đã tiếp tục được kiềm chế. 
Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức có nguy cơ làm giảm hiệu quả, chậm lại tiến trình cơ cấu lại các TCTD. Cụ thể là:
Thứ nhất, mô hình VAMC hiện nay được cho là phù hợp trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu của các TCTD, song quá trình hoạt động đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập: Với mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng không thể giúp VAMC mua đứt khoản nợ xấu thay vì mua và giữ hộ như hiện nay;  VAMC cũng chưa có kế hoạch, thời gian và chiến lược mua bán nợ xấu; chưa quy định cơ chế trách nhiệm của VAMC trong xử lý nợ xấu nên chưa nâng cao tinh thần và tăng cường trách nhiệm cũng như hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC (vì VAMC chỉ giữ nợ xấu tối đa 5 năm, hết thời gian đó, VAMC trả nợ xấu cho các TCTD mà không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào về rủi ro liên quan đến khoản nợ xấu).
Thứ hai, ở Việt Nam hiện nay chưa có thị trường mua bán nợ xấu và chưa có cơ chế định giá nợ xấu nên phải mất nhiều thời gian để định giá nợ xấu, do đó, giao dịch liên quan đến nợ xấu không thể được thực hiện nhanh chóng.
Thứ ba, việc hình sự hóa quan hệ kinh tế làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đầu tư, đến quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ tư, việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do pháp luật hiện hành còn hạn chế đối với họ trong việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất.
Thứ năm, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với Ngân hàng Nhà nước trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Lĩnh vực ngân hàng có tính nhạy cảm rất cao, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc phát mãi, đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp… sẽ khó bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Để góp phần thành công trong công tác xử lý nợ xấu hiện này, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần thay đổi cách thức hoạt động của VAMC, tạo lập thị trường mua bán nợ. VAMC không nên chỉ là tổ chức môi giới, làm nhiệm vụ trung chuyển, gắn kết người bán và người mua; VAMC phải là người kinh doanh nợ, kinh doanh hợp pháp, đầu cơ hợp pháp các khoản nợ. Tăng cường tiềm lực tài chính để VAMC có thể chủ động xử lý tận gốc nợ xấu như nâng vốn điều lệ, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi, thế chấp, cầm cố để mua nợ xấu. Tăng quyền chủ động quyết định cho VAMC trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm mà không phải trao đổi để thống nhất với TCTD có nợ xấu.
Hai là, khôi phục chế độ kiểm soát nội bộ. Theo đó, thiết lập, duy trì ngay trong nội bộ ngân hàng các quy trình, thủ tục quản lý vốn, hoạt động tín dụng và thanh toán. Đề cao vai trò và trách nhiệm quản trị, kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Ba là, xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về các định chế tài chính trong nước cũng như tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu để tăng cường sự tiếp cận, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu. 
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, tham gia tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu (miễn, giảm thuế, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi…); hoàn thiện các thủ tục pháp lý về tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản và định giá tài sản. Hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Năm là, tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các TCTD với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan trong việc phát mãi, đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp, hỗ trợ các thủ tục cần thiết để xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;
.