Thứ Bẩy, 23/11/2024, 21:11 [GMT + 7]
.
.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người làm báo

Thứ Ba, 03/07/2012, 12:11 [GMT+7]

1. Có lập trường chính trị vững vàng

Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Người căn dặn “... Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…)  phải  có  lập  trường  chính  trị  vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”. “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Người muốn nhấn mạnh đến tính giai cấp, tính khuynh hướng chi phối bởi ý thức hệ của các phương tiện thông tin đại chúng. Bất cứ một phương tiện thông tin đại chúng nào khi lập một chương trình, xây dựng một chuyên đề, xuất bản một tác phẩm, thể hiện một đề tài đáp ứng nhu cầu của đối tượng nghe, nhìn... đều chịu sự chi phối của định hướng chính trị.

2. Có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế

Nhà báo phải là người có trí thức rộng và sâu, đặc biệt là có trách nhiệm với công việc, sản phẩm của mình; với hiệu quả, hệ quả của sản phẩm đó. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: “Muốn viết báo khá thì cần: (1) Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (2) Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; (3) Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; (4) Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”.

Đối với công việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.

Báo chí là một hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ đặc biệt, do đó Người xác định: “(1) Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội; (2) Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái; (3) Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng; (4) Viết thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung”.

Xác định được đối tượng của báo chí là viết cho công - nông - binh (tức là cho đại đa số nhân dân), vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm “Viết và nói phải có mục đích, có nội dung”, dù chỉ một câu cũng làm cho người dân bình thường nhất hiểu và làm theo được. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác góp ý:

“- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.

- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.

- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.

- Lộ bí mật.

- Có khi quá lố bịch.

-  Khuyết  điểm  nặng  nhất  là  dùng  chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”.

Lý do phải viết ngắn gọn, Bác nói “trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”.

3. Thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo phải “chân thực” - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

Bác Hồ đang làm việc

Ngày 8/1/1946, Bác căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung và cách viết”.

4. Bố cục ngắn gọn; ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dể hiểu

Bác chỉ rõ: Thứ nhất, phải “ngắn gọn”. Ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Thứ hai, ngôn ngữ phải “trong sáng - giản dị - dễ hiểu”. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Sự trong sáng, giản dị, dễ hiểu là bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo, bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong cách cảm, nếp nghĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”.

5. Nâng cao chất lượng báo chí

Ở đây, Bác muốn nói đến nội dung bài viết; cách bố trí, trình bày. Người nhắc nhở: “Các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”, bởi “... Cần nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó... Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm báo đã và đang có tác dụng rất to lớn đối với các thế hệ nhà báo trước đây, hôm nay và cho cả mai sau.

BBT
 
;
.