Thứ Năm, 21/11/2024, 11:27 [GMT + 7]
.
.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu trong điều kiện Đảng cầm quyền

Thứ Hai, 11/06/2012, 09:00 [GMT+7]

1. Về đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tham ô, lãng phí, quan liêu là những “căn bệnh” nguy hiểm, khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên, trong các tổ chức Đảng và Nhà nước. Những “căn bệnh” này không chỉ làm xói mòn phẩm chất, đạo đức, lối sống và phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, mà còn là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới, là nguy cơ làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền. Chính vì thế mà Hồ Chí Minh rất  quan tâm và thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Đây là một trong những tư tưởng lớn của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh dùng để huấn luyện lớp cán bộ cách mạng đầu tiên, Người đã chỉ ra: tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng ham muốn vật chất... Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày3/9/1945, Người nêu ra một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Trong những năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, Người thường nhắc nhở đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua giết giặc với phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Năm 1947, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, ra sức chống những thói hư tật xấu, lên mặt quan cách mạng, hẹp hòi, tư túi... Đến năm 1952, trong tác phẩm Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Người phân tích rõ biểu hiện, bản chất, tác hại, nguyên nhân và những biện pháp chống các bệnh trên và thực hành tiết kiệm. Trước lúc đi xa, Người còn viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên báo Nhân dân ngày 3/2/1969 để nhắc nhở cán bộ, đảng viên trước những yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng đang đòi hỏi. Trong bản Di chúc thiêng liêng (1969), Người vẫn không quên nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong nhiều tác phẩm, Người đều đề cập đến bốn đức quan trọng là cần, kiệm, liêm, chính. Người tóm tắt, “Cần tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì; “Kiệm” tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của nhân dân; “Liêm” tức là không tham ô, tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân; “Chính” là việc phải dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh. Theo Người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.

Cuộc đời Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nếp sống thanh bạch, tính cách khiêm tốn, giản dị. Cuộc đời Người từ một phụ bếp trên tàu, một thợ ảnh ở ngõ hẻm Côngpoanh đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng vẫn luôn là những tháng ngày thanh bạch, bình dị và tao nhã. Ngôi nhà sàn của Người có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một giá sách, một tủ quần áo với hai bộ kaki, một đôi dép lốp, một máy thu thanh, một chiếc đồng hồ để bàn... Đó là tất cả tài sản của một vị nguyên thủ quốc gia. Trong Di chúc, Người còn căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”.

2. Về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu

Về thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh cho rằng, tiết kiệm bao gồm: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của và tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm. Người cho rằng, nếu khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian thì với sức lao động, tiền tài của đất nước có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng mọi mặt của đất nước cũng tăng gấp bội. Theo Người, thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn “không phải xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Người coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của một chế độ kinh tế, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm.

Về tham ô, lãng phí, và quan liêu. Tham ô được Người nói rõ: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình... Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế cũng là tham ô” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 488). Người kết luận: “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 501).  Lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bừa bãi; lãng phí bao gồm lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí của cải vật chất của nhân dân, của đất nước. Theo Hồ Chí Minh, lãng phí là do trình độ non kém, do thiếu nghiệp vụ chuyên môn, do độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm. Vì thế, Người kêu gọi phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của mỗi người, chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và của Nhà nước. Còn bệnh quan liêu, theo Người, là mất dân chủ, là xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân... Có nạn tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng; đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 490).  Người còn cho rằng, bệnh quan liêu là chỉ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở, “vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 490).

Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các tệ nạn trên được Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ, đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và trở lực khác. Người nêu rõ, chủ nghĩa cá nhân thường đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, chỉ muốn hưởng thụ, đãi ngộ, còn công việc thì lười nhác, so bì hơn thiệt, công thần, địa vị, kiêu ngạo, tự cao tự đại... Vì như Người phân tích: “Số người đó coi Đảng như một cái cầu để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.11, tr. 374).

3. Tác hại của tham ô, lãng phí, quan liêu và chủ nghĩa cá nhân

Tác hại của tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”, “tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 489-490). Hồ Chí Minh coi những tệ nạn đó là vi phạm đạo đức cách mạng, là hành động xấu xa nhất của con người, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, là một thứ giặc - “giặc nội xâm”, “tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám”.

Tác hại của chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.9, tr. 292). Vì như Người phân tích: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, vì thế càng nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.9, tr. 291).

4. Biện pháp chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu

Từ sự phân tích những biểu hiện, bản chất, nội dung, nguồn gốc, tác hại của tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, trước hết Hồ Chí Minh nói rõ tầm quan trọng của việc chống thứ giặc nội xâmnày. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng, cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị” và “muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước tiên phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. Do vậy, Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, rằng “cũng như mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.6, tr. 490).

Hồ Chí Minh đề ra một số biện pháp, trong đó có hai biện pháp chủ yếu để chống các “căn bệnh” này một cách có hiệu quả:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để làm được, theo Người, cần phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm. Bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải tiến hành giáo dục tư tưởng cho cán bộ, nhân dân về tác hại của các căn bệnh trên; “phải đánh thông tư tưởng”, phải nghiên cứu kỹ tình hình, từ đó mới tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm điểm sự sai sót của cán bộ, đảng viên để tìm cách sửa chữa; phải thực hành dân chủ rộng rãi, phải dựa vào quần chúng. Người nói: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào quần chúng thì mới thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.4, tr. 197). Người còn căn dặn, phải kiên trì, quyết tâm chống đến cùng những căn bệnh này, phải làm từ trên xuống dưới, phải đồng tâm hiệp lực, nhất định sẽ thành công. Riêng về mặt Đảng, Người yêu cầu phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt; các địa phương phải kiên quyết thực hành các nghị quyết của Đảng; phải kiểm điểm, phê bình một cách rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật; nơi nào sai, ai sai thì phải lập tức sửa chữa, kiên quyết chống thói nể nang và che giấu; tuyệt đối phục tùng tổ chức, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương...

Hai là, phải kiên quyết thực hành kỷ luật nghiêm minh. Trong sự nghiệp quản lý đất nước, Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, mà còn quan tâm đến pháp luật. Theo Người, vấn đề quan trọng nhất của một đất nước khi có chính quyền là phải có nhà nước với hiệu lực pháp lý mạnh mẽ. Ngay khi Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Người nói rõ: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ đến lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđđ, t.4, tr. 197). Cuối năm 1945, Người ký sắc lệnh ấn định hình phạt đối với người đưa và người nhận hối lộ từ 2 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26-1-1946, Người ký sắc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Qua đây, có thể thấy Hồ Chí Minh rất đề cao phép nước. Người hết lòng thương yêu, dạy bảo cán bộ, đảng viên nâng cao đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, nhưng người nào tham ô, làm hại đến tính mệnh và tài sản của nhân dân, làm hại thanh danh và uy tín của một Đảng “là đạo đức, là văn minh” thì người đó vẫn phải đem ra xét xử đúng luật pháp.

5. Tình hình tham nhũng, lãng phí hiện nay

Trước tình trạng tham nhũng và những tệ nạn xã hội ở nước ta hiện nay có chiều hướng gia tăng, ôn lại những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự những chỉ dẫn của Người.

Từ Đại hội lần thứ VII (1991), Đảng ta cũng đã thẳng thắn kiểm điểm và chỉ rõ một trong bốn nguy cơ, đó là tệ nạn quan liêu và tham nhũng. Đại hội lần thứ IX của Đảng (2001) cũng đã khẳng định: “Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khôn lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức vụ, có quyền hạn; làm suy giảm lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và là tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội; là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta. Đúng như điều mà Lênin trước đây đã cảnh báo về nguy cơ của một đảng cầm quyền chính là ở chỗ đánh mất mối giây liên hệ với quần chúng, rằng “nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó” (V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, t.54, tr.235).

Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống tệ nạn này có hiệu quả. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quy định cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng nhìn chung hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Nhận rõ tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đại hội lần thứ X của Đảng đã có chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp uỷ và tổ chức đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Các cấp uỷ và tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” tệ hại này.

6. Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu và kết hợp với các văn bản của Đảng và Nhà nước ta ban hành trong thời gian qua về chống tham nhũng, lãng phí để vận dụng một cách sáng tạo các biện pháp mà Người đã nêu ra trước đây vào trong giai đoạn hiện nay:

Một là, coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ, công khai; biểu dương và nhân rộng những tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Hai là, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Ba là, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về kinh tế, tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước; xác định rõ chế độ, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân vi phạm; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực của hệ thống kiểm tra, thanh tra các cấp của Đảng và Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai đúng pháp luật những cán bộ, công chức tham nhũng, bao che cho tham nhũng dù người đó ở chức vụ nào; tịch thu tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Năm là, thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, không để phần tử xấu, các thế lực thù địch lợi dụng cuộc đấu tranh này để kích động, gây rối, làm mất trật tự và an ninh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Trung ương 6 khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Kiện toàn các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vấn đề là ở đời và làm người”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng “giặc nội xâm”, đưa đất nước vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

PGS, TS. Lê Văn Yên

(Nhà xuất bản Chính trị quốc gia)

;
.