Thứ Ba, 3/12/2024, 1:24 [GMT + 7]
.
.

Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và làm theo những chỉ dẫn của Người về chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Thứ Sáu, 22/06/2012, 10:09 [GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để có đạo đức cách mạng thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện, ẩn náu dưới nhiều hình thức: cơ hội, tham ô, hối lộ, bè phái… Chống chủ nghĩa cá nhân, tức là hướng tới việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức lành mạnh. Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, quan liêu để hiểu bản chất, noi gương và làm theo chỉ dẫn của Người nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quan trọng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ góc độ đối tượng khác nhau đã nhận diện bản chất, biểu hiện và căn nguyên của bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Theo Người, đối với cán bộ, tham ô là: “Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB CTQG, HN 1995, tr 488); đối với nhân dân, tham ô là: “Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” (Sđd, tập 6, tr 488). Những hình thức biểu hiện của tham ô mà Người lên án trong nhiều bài nói và viết của mình là: đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc; tự tư tự lợi; dùng của công làm việc tư; dựa vào thế lực của Đảng mà theo đuổi mục đích riêng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, căn nguyên của căn bệnh này là chủ nghĩa cá nhân và sự yếu kém của hệ thống chính trị, của cơ chế quản lý. Cán bộ bị tha hóa bởi chủ nghĩa cá nhân mà “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước” (Sđd, tập 12, NXB CTQG, HN 1996, tr 438-439). Người phê phán cung cách quản lý và sự vận hành yếu kém của bộ máy hành chính dẫn đến tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân: “Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ” (Sđd, tập 7, NXB CTQG, HN 2002, tr 264). Người chỉ rõ: “bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở được”, “vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà nghe không thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí” (Sđd, tập 6, tr 490). Người nói, người cách mạng muốn làm nên sự nghiệp lớn phải giữ chủ nghĩa cho vững, phải ít lòng ham muốn về vật chất. Đây là điều không dễ dàng khi những người cách mạng đã chiến thắng quân thù, giành được chiến thắng và có quyền lực trong tay. Ngày nay, kinh tế thị trường có những yếu tố kích thích chủ nghĩa cá nhân phát triển, từ vụ lợi thực dụng, đề cao lợi ích kinh tế và hưởng thụ vật chất, xem nhẹ đạo đức, lý tưởng chính trị đến sự phát triển chủ nghĩa cá nhân cực đoan, làm giàu bằng mọi giá, coi thường đạo đức và pháp luật. Những yếu kém, khuyết tật trong cơ chế quản lý đang tạo ra kẽ hở cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, hoành hành, làm hư hỏng nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức có quyền lực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm, một thứ “giặc ở trong lòng”, “trong các tổ chức của ta”, có tác hại rất lớn đối với đất nước, dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu” (Sđd, tập 10, NXB CTQG, HN 2002, tr 578). Người xác định đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội sinh”, chống chủ nghĩa cá nhân; là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, vất vả hơn nhiều so với chống giặc ngoại xâm bởi đó là đấu tranh chống lại “chính bản thân mình”. Đạo đức của người cách mạng không cho phép có thái độ thờ ơ trước việc tiền của, tài sản của nhân dân bị bòn rút. Người phê phán tinh thần “kém tranh đấu”, yêu cầu cuộc đấu tranh này phải được nhận thức là công việc quan trọng và cần kíp như việc “đánh giặc trên mặt trận”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu của đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu là thông qua đó nhằm “xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc” (Sđd, tập 6, tr 534), “xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính” (Sđd, tập 6, tr 494), “Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào” (Sđd, tập 6, tr 495). Tư tưởng của Người là cẩm nang cho công tác giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ mới; khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội; xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta cần vận dụng những chỉ dẫn của Người về đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao giáo dục nhận thức tư tưởng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, xác định “đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”. Công tác tư tưởng có nhiệm vụ làm cho mọi người hiểu thế nào là tham ô, lãng phí, quan liêu; vì đâu mà có tham ô, lãng phí, quan liêu; tác hại của nó và biện pháp chống những nạn ấy như thế nào. Trong các lớp huấn luyện cán bộ hay trong công tác và sinh hoạt hàng ngày, Người luôn quan tâm giảng giải, phân tích cho cán bộ, đảng viên hiểu biết về đạo đức người cách mạng và những điều cần tránh. Bài học rút ra từ lời dạy của Người là: chúng ta cần tạo ra được sự thống nhất nhận thức, xây dựng được quyết tâm cao trong toàn Đảng và sự đồng thuận của toàn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Và không chỉ là giáo dục nhận thức, tinh thần chỉ đạo sâu sắc của Người: “bước đầu là đánh thông tư tưởng”, cần được hiểu đầy đủ là: công tác đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải do Đảng lãnh đạo; phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự; phải tiến hành nó “có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức”, “có lãnh đạo và trung kiên”.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng thực hiện các nguyên tắc của Đảng; chỉ rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa dân chủ và pháp luật, giữa khen thưởng và kỷ luật; vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham ô, lãng phí, quan liêu: Người đề cao trách nhiệm của các chi bộ đảng trong quản lý và rèn luyện đảng viên; ý nghĩa của thực hành dân chủ đối với việc nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng và thúc đẩy xã hội phát triển. Người nói: “một đảng mà không dũng cảm đấu tranh phê bình và tự phê bình, lại bao che cho những khuyết điểm sai lầm là một đảng hỏng”; vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nhất là cách “làm cho mọi người biết tự phê bình và dám phê bình người”, phát động tinh thần chủ động “tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác” của đảng viên trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Đấu tranh phê bình và tự phê bình không chỉ để giúp nhau tìm ra chân lý, hiểu rõ cái đúng, cái sai để thúc đẩy công việc tiến tới mà còn giúp nhau trong rèn luyện đạo đức, hoàn thiện nhân cách, đấu tranh phải thể hiện văn hóa ứng xử và sự tôn trọng nhân cách con người. Người đòi hỏi phải có nghệ thuật lãnh đạo đấu tranh phê bình: “Khéo lãnh đạo, thì đó là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch” (Sđd, tập 7, tr 81). Người yêu cầu các công việc đó phải “làm có trọng tâm”, “làm từng bước”, “phải nắm vững và vào sâu”, mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng; cách thức tiến hành là “làm từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ”, tiến hành “khẩn trương nhưng không nóng vội”, làm nơi nào thật tốt nơi ấy để rút kinh nghiệm phổ biến cho nơi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là một kẻ thù nguy hiểm của cách mạng, chỉ rõ trong cuộc đấu tranh tiêu diệt nó phải có quan điểm nhất quán, thái độ kiên quyết, không khoan nhượng và tinh thần khách quan, minh bạch. Quan điểm của Người: những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ, của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của Việt gian, mật thám. Thái độ của Người: ai kiểm thảo đúng những người khác, sẽ được khen thưởng; khen ngợi những người thành thật tự kiểm thảo; khuyến khích những người còn ngập ngừng e ngại; kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa. Người yêu cầu có cơ chế bảo vệ những người tố cáo: ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật. Đây là những gợi ý rất quan trọng cần vận dụng trong việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy về công tác phòng, chống tham nhũng và giáo dục đạo đức, ứng xử tình huống đối với những cán bộ trực tiếp xử lý các vụ án tham nhũng.

Song song với các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật, để chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Người nhấn mạnh phải đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính và vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, kiểm soát. Người chỉ rõ cơ chế kiểm soát: người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình; quần chúng, cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm. Bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, lấy dân làm gốc, dựa vào dân để giám sát công việc và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên của Người là: “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (Sđd, tập 10, tr 576).

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu kết hợp giữa xây và chống. Phương châm của Người là phát triển cái tốt, cái tích cực làm tiền đề đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Người nói, trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ. Ai có lỗi mà thật thà kiểm thảo, thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ, hoặc lấy công chuộc tội, trừ những lỗi đặc biệt nặng. Phương pháp giáo dục của Người vừa nghiêm khắc, vừa khoan dung để khích lệ những người có khuyết điểm tự giác sửa chữa. Tinh thần yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm trong lời dạy: “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song dến khi ít nhiều có quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng” (Sđd, tập 6, tr 496).

Người lưu ý các nguyên tắc căn bản khi triển khai công tác chống tham ô, lãng phí, quan liêu là nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước; liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng; mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng; đề cao vai trò lãnh đạo của đảng ủy các cấp, của thủ trưởng các ngành, đơn vị, địa phương. Người uốn nắn những quan điểm lệch lạc trong tiến hành kiểm điểm nội bộ: tư tưởng “một sự nhịn, chín sự lành”, cầu hòa, dễ dãi, không dựa vào sự thực “ít thít ra nhiều”, “thoa vẽ, che giấu”, “nói việc nhỏ bỏ việc lớn”…

Từ những chỉ dẫn quan trọng trên, bài học cần thấm nhuần trong chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu hôm nay là: đi đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiến hành sâu rộng; phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra lực lượng, phương tiện chống tham ô, lãng phí, quan liêu; nhiệm vụ của hệ thống chính trị, của xã hội, của từng đảng viên và mỗi người dân trong cuộc đấu tranh này. Theo Người, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta. Chính phủ, Đoàn thể đề ra việc chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu và kêu gọi các cơ quan, các ngành, các địa phương tiến hành công tác này. Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Người nêu cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu và đề xuất những giải pháp chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Thanh tra khi phát hiện ra những việc tham ô, lãng phí, quan liêu chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra được những biện pháp tích cực để phòng, chống. Về bộ máy chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Người yêu cầu cử ban lãnh đạo phong trào. Ban này gồm có những người lãnh đạo như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đoàn trưởng… và những phần tử hăng hái trung thành nhất trong cơ quan hoặc trong đơn vị.

Nêu gương có tác dụng rất quan trọng và rất hiệu quả trong việc hình thành đạo đức xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Người đề cao trách nhiệm và đạo đức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị: các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải “luôn luôn gương mẫu về mọi mặt”, phải “nêu gương sáng về đạo đức cách mạng”. Người yêu cầu mỗi cán bộ và đảng viên phải nâng cao “tinh thần phụ trách”, nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính”.

Công luận giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nhất là biểu dương và nhân rộng điển hình tiên tiến: “Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ” (Sđd, tập 7, tr 80). Báo chí có trách nhiệm phanh phui những vụ việc, những hiện tượng tham ô, lãng phí, quan liêu, tạo dư luận từ xã hội, tuyên truyền cổ động, hướng dẫn, trang bị kiến thức, cung cấp thông tin để nhân dân tham gia đấu tranh chống các hành vi này. Người cũng đòi hỏi trách nhiệm và đạo đức của người làm báo trên mặt trận chống tham ô, lãng phí, quan liêu: “Khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo” (Sđd, tập 7, tr 80).

Nhấn mạnh vai trò của dư luận, Người yêu cầu phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, gây chung quanh chúng một không khí công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức. Người nêu nguyên tắc: “Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng” (Sđd, tập 7, tr 80). Đó là một nguyên tắc trọng yếu trong lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nói chung và trong chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện những tư tưởng trên qua chính tấm gương đạo đức trong sáng của đời mình; qua sự nghiệp hoạt động cách mạng hết lòng hy sinh vì dân, vì nước; qua những tác phẩm chính trị - văn hóa bất hủ. Những di huấn của Người đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu Hoài

(Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
.