Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:57 [GMT + 7]
.
.

Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Tây Ban Nha

Thứ Bảy, 28/04/2012, 20:12 [GMT+7]

Về xây dựng thể chế

Sau khi gia nhập EU, các luật hình sự, dân sự, luật công chức, viên chức của Tây Ban Nha đều có sửa đổi, bổ sung; ví dụ như tăng hình phạt đối với tội tham nhũng có thể lên 40 năm tù; quy định tội đưa, nhận và môi giới hối lộ cụ thể hơn; quy định về đạo đức công chức và cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức nhà nước v.v... Tuy nhiên, Tây Ban Nha cũng cho biết, mặc dù các đạo luật đã được sửa đổi, bổ sung nhưng công tác PCTN hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn như: vấn đề công khai tài sản và xác minh nguồn gốc tài sản, thu nhập của quan chức; vấn đề thu thập chứng cứ trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt là rất khó xác định trong các vụ đưa, nhận hối lộ v.v...

Khác với Việt Nam, Tây Ban Nha không có Luật PCTN riêng. Tuy nhiên, các luật nói trên đều có quy định rất thuận lợi cho công tác PCTN, trong đó có quy định về tham nhũng trong khu vực tư. Để khuyến khích phát hiện hành vi đưa, nhận hối lộ, luật pháp Tây Ban Nha quy định người đưa hối lộ nếu trong vòng 02 tháng mà tự tố cáo thì sẽ không bị coi là có tội. Luật pháp Tây Ban Nha cũng quy định trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với pháp nhân khi phạm tội tham nhũng  (phạt tiền là hình phạt chính cùng các hình phạt bổ sung như: giải thể công ty, tạm đình chỉ hoạt động của công ty trong một thời gian, cấm công ty tham gia vào một số hoạt động v.v...).

Tây Ban Nha không có cơ quan chuyên trách PCTN nhưng có Cơ quan chống tham nhũng nằm trong Viện Công tố, chuyên điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng. Cơ quan này được hỗ trợ tích cực của Cơ quan điều tra thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Cảnh sát, Bộ Tư pháp, Hải quan, Thuế và Tài chính vật giá để phục vụ việc giám định, điều tra các vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng.

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Tây Ban Nha thực hiện hàng loạt biện pháp hữu hiệu như: xóa thông tin cá nhân và gia đình người tố cáo, thay đổi những vấn đề liên quan đến hộ tịch, cấp tiền, cấp nhà để thay đổi chỗ ở cho người tố cáo v.v...

Biện pháp phòng ngừa

Ban hành và triển khai thực hiện Luật về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức. Tây Ban Nha quy định công chức không được đưa, nhận quà tặng, hoặc quy định tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, công chức là phải công khai, minh bạch, dân chủ, phải bảo vệ quyền con người, đề cao công bằng xã hội và phải vì lợi ích chung. Đặc biệt, tất cả cán bộ, công chức phải qua thi tuyển, sau khi trúng tuyển thì phải qua lớp đào tạo tại Học viện Hành chính tùy theo vị trí và chức danh đảm nhiệm mà có lớp đào tạo phù hợp.

Tây Ban Nha cũng có quy định về kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức. Việc công khai tài sản chỉ được thực hiện khi xảy ra bê bối đối với từng trường hợp cụ thể. Khi tham nhũng xảy ra, các cơ quan báo chí, truyền thông tại Tây Ban Nha được tự do đưa tin về tham nhũng.

 Nguyễn Trọng Giáp

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)
;
.