Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:57 [GMT + 7]
.
.

Kinh nghiệm chống tham nhũng của Xin-ga-po

Thứ Bảy, 28/04/2012, 20:15 [GMT+7]

* Xây dựng cơ quan chống tham nhũng trong sạch, hiệu quả

Cục điều tra chống tham nhũng Xin-ga-po (CPIB) thành lập năm 1952 và được trao thẩm quyền lớn, có các điều tra viên dày kinh nghiệm và thực sự liêm chính.

CPIB trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. CPIB gồm có Cục trưởng, Cục phó, các trợ lý Cục trưởng và các nhân viên điều tra chuyên nghiệp. CPIB được chia thành hai bộ phận: Bộ phận Nghiệp vụ và Bộ phận Hành chính - Kế hoạch. Mỗi bộ phận này do một Cục phó trực tiếp lãnh đạo và quản lý.

Bộ phận nghiệp vụ: tập trung số lượng lớn nhân viên có trình độ nghiệp vụ cao, thực thi nhiệm vụ điều tra các hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của tội tham nhũng được quy định theo Luật chống tham nhũng. Trong các đơn vị điều tra có một đơn vị đặc biệt gọi tắt là SIT được giao điều tra đối với những nhân vật quan trọng (có chức vụ, có quyền hạn và có địa vị xã hội), có nhiệm vụ giải quyết các vụ việc có tính chất đặc biệt phức tạp.

Bộ phận Hành chính - Kế hoạch gồm hai đơn vị: Trinh sát nghiệp vụ và Hành chính -Kế hoạch. Phụ trách mỗi đơn vị này là một trợ lý của Cục trưởng.

- Đơn vị Trinh sát nghiệp vụ có nhiệm vụ thu thập và xử lý các thông tin về tham nhũng, xác minh tính chính xác của những thông tin đã được cung cấp, nghiên cứu hiện trường nhằm xác nhận và cung cấp các yêu cầu cần thiết cho đơn vị điều tra nghiệp vụ.

- Đơn vị Hành chính - Kế hoạch chịu trách nhiệm về các vấn đề hành chính, nhân sự, tổ chức của các cơ quan, lập kế hoạch chiến lược cho cơ quan điều tra chống tham nhũng; ngoài ra nó còn có chức năng lập báo cáo cho Chính phủ và cung cấp các thông tin cần thiết cho các cơ quan Trung ương khi có yêu cầu.

CPIB  là  cơ  quan  duy  nhất  chịu  trách nhiệm điều tra về các hiện tượng tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, pháp lý hay các cơ quan công quyền, khu vực tư nhân, hoặc xã hội dân sự. CPIB được quyền điều tra đối với người bị tình nghi tham nhũng cho dù người đó là ai, kể cả Thủ tướng. Trong trường hợp Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB có thể xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra, vì vậy có thể xóa bỏ mọi cản trở và điều này được quy định trong Hiến pháp. CPIB không hề bị can thiệp trong quá trình điều tra những vụ án tham nhũng. Trong thực tế, mỗi năm, CPIB tiến hành điều tra khoảng 300 vụ và đã tiến hành điều tra đến cấp Bộ trưởng.

* Luật pháp đủ mạnh

Pháp luật Xin-ga-po quy định về hành vi tham nhũng và mức hình phạt tương xứng với mỗi hành vi, bất cứ ai có hành vi tham nhũng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Đồng thời, pháp luật quy định thủ tục điều tra hành vi tham nhũng là một thủ tục đặc biệt, CPIB có quyền bắt giữ những người bị tình nghi tham nhũng mà không cần Viện Công tố ra lệnh, có toàn quyền tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà không cần Viện Công tố cho phép; có quyền khám xét, yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng của bất kỳ ai bị tình nghi tham nhũng, kể cả tài khoản của vợ, con người đó và những người có liên quan. Các công chức Xin-ga-po phải giải trình, kê khai tài sản khi CPIB yêu cầu. Người nào được yêu cầu đều phải cung cấp thông tin trung thực, nếu ai từ chối hay đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể bị phạt tù. Những người cung cấp thông tin sẽ được bảo vệ.

Xi-ga-po cũng có quy định những điều phải làm và những điều cấm đối với công chức. Công chức Xin-ga-po bị cấm không được nhận thưởng từ bất cứ ai do đã hay sẽ làm gì đó trong chức trách của mình; Không được ăn uống hay giải trí với bất cứ ai có quan hệ làm việc, nhằm tránh bị tố cáo là thiên vị; Không được mời ai có quan hệ làm việc với mình đến dự tiệc do mình tổ chức; Không được đi nước ngoài do nhà thầu tổ chức dưới danh nghĩa là “tập huấn” hay “kiểm tra” sản phẩm mà nhà thầu đó cung cấp; Không được để cho nhà thầu thanh toán các hóa đơn chi tiêu của mình...

* Xét xử nghiêm minh

Xin-ga-po  có  chính  sách  trừng  phạt nghiêm khắc. Ngoài hình thức phạt tiền hoặc tù giam, quan tham phải hoàn lại đầy đủ số tiền mà họ tham nhũng, nếu không trả đủ tiền thì họ sẽ bị tăng hình phạt tù giam. Xin-ga-po quyết tâm bài trừ tham nhũng bằng việc cương quyết xử lý đối tượng có liên quan đến tham nhũng.

* Quản lý hành chính hiệu quả

Xin-ga-po đề cao yếu tố minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính, đây là tiêu chí cơ bản, được coi như: “Công cụ tẩy rửa tốt nhất và là người cảnh sát hữu hiệu nhất”; cùng với nó là các yếu tố như: việc thực hiện phải thường xuyên, liên tục; tinh thần trách nhiệm, sự liêm chính của người thực thi... Hệ thống các quy trình, luật lệ, trong điều hành, quản lý và kiểm tra, giám sát việc thực thi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hướng đến sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm được quy định chặt chẽ. Các quy trình về thẩm quyền, công cụ thực hiện, trách nhiệm báo cáo và bảo đảm hoàn thành công việc, sự chuyên nghiệp hóa trong thực thi của các cơ quan nhà nước luôn được tôn trọng và thực thi nghiêm túc trên tinh thần “Nói đi đôi với làm”.

Xin-ga-po cũng chú trọng xây dựng hệ thống lương của công chức trong khu vực công sát với khu vực tư nhân, bảo đảm không có độ chênh lệch quá lớn giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; coi bộ máy nhà nước hoạt động lành mạnh, sử dụng công quỹ đúng đắn, tăng thêm của cải xã hội, tăng sản lượng quốc gia, tăng mức sống của người dân, tăng lương cho công chức là biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng.

Bùi Thu Huyền

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)
;
.