Đảng viên nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn bị xử lý kỷ luật

Thứ Tư, 17/04/2019, 14:19 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, quy định xử lý kỷ luật đối với đảng viên nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm?
 
    Trả lời: 
 
    Đảng viên vi phạm kỷ luật không chỉ làm giảm uy tín của tổ chức đảng mà còn gây mất lòng tin trong Nhân dân. Do đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật của đảng viên là hết sức cần thiết để làm trong sạch đội ngũ Đảng, nâng cao năng lực cán bộ.
 
    Do đó, “Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Đây là những nội dung được nêu tại khoản 2 Điều 1 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. 
 
    Theo đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22-3-2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 cũng nêu rõ tại khoản 2 Điều 1 Quy định này là: 
 
    - Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định.
 
    - Khi đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm đang sinh hoạt bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiếp tục xem xét, xử lý hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định.
 
    Tại khoản 3 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 về nguyên tắc xử lý kỷ luật như sau: “Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”.
 
    Theo đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22-3-2018 nêu rõ:
 
    - Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào thái độ tự giác, tinh thần quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra, chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
 
    - Đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) ở Khoản 2 của các điều từ Điều 7 đến Điều 34 thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét, quyết định cụ thể: Cảnh cáo hoặc cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đảng viên đó.
 
    - Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.
 
    Khoản 5 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 quy định: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp”.
 
    Nội dung này Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22-3-2018 nêu rõ:
 
    - Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.
 
    - Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.
 
    - Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của tòa án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì tòa án phải sao gửi bản án đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, Ủy ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.
 
    Khoản 1 Điều 3 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật: “Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật”. Theo đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22-3-2018 nêu rõ: Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.
 
    Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 còn quy định: Các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị là: Khiển trách hoặc cảnh cáo. Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật.
 
    Ngoài ra, không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.
T.H
.