Rửa tiền và phòng, chống rửa tiền

Thứ Hai, 01/04/2019, 16:25 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết quy định của pháp luật về hành vi rửa tiền và phòng, chống rửa tiền?
 
    Trả lời:
 
    Rửa tiền được hiểu là hành vi thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hóa tiền, tài sản biết rõ do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác.
 
    Chu trình hoạt động rửa tiền có thể được thực hiện qua nhiều công đoạn, với các thủ đoạn khác nhau. Mỗi hành vi cụ thể trong chu trình này đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội, là một phần cần thiết của hoạt động rửa tiền nói chung. Dưới đây là một số hoạt động cụ thể của rửa tiền:
 
    - Đầu tư vào một dự án, một công trình, góp vốn vào một doanh nghiệp hoặc tìm các khác che đậy, ngụy trang hoặc cản trở việc xác minh nguồn gốc, bản chất thực sự hoặc vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có;
 
    - Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào một giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do phạm tội mà có;
 
    - Thu nhận, chiếm giữ, chuyển dịch, chuyển đổi, chuyển nhượng, vận chuyển, sử dụng, vận chuyển qua biên giới về tiền và tài sản do phạm tội mà có;
 
    Nguyên tắc phòng, chống rửa tiền được quy định tại Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012.
 
    Điều 5. Nguyên tắc về phòng, chống rửa tiền
 
    1. Việc phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
    2. Các biện pháp phòng, chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh.
 
    Điều 46. Nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế
 
    1. Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
 
    2. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin và tương trợ tư pháp về phòng, chống rửa tiền.
 
    Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01-01-2018 quy định "Tội rửa tiền” tại Điều 324:
 
    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
 
    a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
 
    b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
 
    c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
 
    d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
 
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Phạm tội 02 lần trở lên;
    d) Có tính chất chuyên nghiệp;
    đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
    e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
    g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
    h) Tái phạm nguy hiểm.
 
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
    a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
    b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
 
    4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
 
    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
 
    6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
 
    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
 
    b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
 
    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
 
    d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
 
    đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Cù Tất Dũng
.