Một số nội dung lớn trong dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chủ Nhật, 29/04/2018, 07:04 [GMT+7]
Sau khi Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 4, Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) và chính sách đất đai tại đặc khu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần cho ý kiến vào dự thảo Luật tại phiên họp 20 và 23 (tháng 4-2018)… dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hiện tại gồm 6 Chương, 84 Điều và 6 Phụ lục. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã bổ sung 26 điều, bỏ 29 điều, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội
- Về quy hoạch: Quy hoạch đặc khu thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Mỗi đặc khu chỉ xây dựng một quy hoạch tổng thể trên cơ sở tích hợp các ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ và tầm nhìn dài hạn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi:
+ Thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề được áp dụng chung trên phạm vi cả nước xuống còn 131 ngành, nghề được áp dụng riêng tại đặc khu (giảm 112 ngành, nghề so với hiện hành).
+ Không áp dụng hạn chế về điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, về hình thức đầu tư, về phạm vi hoạt động, và về đối tác Việt Nam tham gia đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đặc khu.
+ Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài giữa nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân tại đặc khu, trong đó, có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài.
+ Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài, tại Tòa án nước ngoài, trừ một số tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
+ Đổi mới và đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu như: Trình tự thủ tục đầu tư rút ngắn hơn so với Luật đầu tư; bổ sung trình tự, thủ tục đầu tư rút gọn áp dụng đối với một số dự án đầu tư; nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp trước, sau đó thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư; bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội và dự án casino thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp tại một nơi là Trung tâm hành chính công.
+ Miễn cấp giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế xây dựng dự án đầu tư xây dựng tại đặc khu trong một số trường hợp.
+ Bổ sung khái niệm, chức năng, thủ tục hải quan, và điều kiện đầu tư kinh doanh tại khu thương mại tự do thuộc đặc khu.
- Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở:
+ Cho phép thời hạn sử dụng đất sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa là 99 năm đối với một số dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
+ Cho phép tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê tại đặc khu thuộc sở hữu của mình tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư.
+ Bổ sung quy định tranh chấp về đất đai tại đặc khu được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
+ Cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở có quyền sử hữu nhà ở thương mại, căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng làm việc kết hợp lưu trú và các loại hình tương tự khác thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế từ chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
- Chính sách huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thực hiện các chính sách đặc thù tại Luật:
+ Ngoài các hình thức đầu tư theo quy định hiện hành, nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư khác tại đặc khu phù hợp với thông lệ quốc tế.
+ Quy định ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các đặc khu và để lại toàn bộ số tăng thu nội địa trên địa bàn đặc khu trong 10 năm để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại Luật.
+ Cho phép bội chi ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp nhà nước không bố trí được vốn để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu tái định cư và các công trình khác ngoài hàng rào dự án đầu tư của nhà đầu tư, thì nhà đầu tư được ứng vốn cho Nhà nước để thực hiện và được lựa chọn các phương thức hoàn trả tiền ứng trước quy định tại Luật.
- Chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai đảm bảo vượt trội so với trong nước, cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển:
+ Theo dự thảo Luật chỉnh lý, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo 3 mức, ưu đãi tiền thuê đất theo 05 mức, vẫn đảm bảo nguyên tắc ưu đãi cao nhất cho cac dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và dự án của nhà đầu tư chiến lược.
+ Chỉ quy định mức tối đa đối với thời gian miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất. Mức ưu đãi đối với từng dự án dựa trên chế độ miễn, giảm do Chủ tịch Ủy ban đặc khu ban hành để đảm bảo sự linh hoạt.
- Chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch:
+ Quy định cho phép giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan bằng với định mức miễn thuế nhập khẩu đổi với hành lý của người nhập cảnh cho từng lần nhập cảnh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày (tăng 30 ngày so với quy định pháp luật hiện hành) và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.
+ Cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đặc khu.
+ Áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Quy định hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; quy định chính sách tiền lương tự chủ, chế độ đãi ngộ cao hơn quy định hiện hành để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng; quy định công chức làm việc theo hợp đồng tại đặc khu.
Ngoài các chính sách nêu trên, quy định cho phép chính quyền địa phương đặc khu ban hành một số quy chuẩn môi trường trên địa bàn nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường.
2. Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương
Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đặc khu là một cấp chính quyền, có HĐND và UBND đặc khu được tổ chức tinh gọn, hiệu quả, có một số điểm mới so với hệ thống chính quyền địa phương hiện nay, cụ thể:
- HĐND đặc khu có tổng số đại biểu không quá 15 người, đa số đại biểu chuyên trách; không tổ chưccs Thường trực HĐND và các ban của HĐND; UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch.
- Ở cấp xã, phường không tổ chức HĐND và UBND mà tổ chức các Khu hành chính. Trưởng khu hành chính do Chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm, là người đại diện của Chủ tịch UBND đặc khu tại khu hành chính.
- Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn (không quá 07 cơ quan) và Trung tâm hành chính công.
- Giao thẩm quyền lớn cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quản lý nhà nước tại đặc khu; HĐND đặc khu, UBND đặc khu chỉ quyết định những nội dung lớn, quan trọng của đặc khu, cụ thể:
+ HĐND đặc khu có 19 thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan tới nhân sự chủ chốt, quy hoạch đặc khu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách và một số vấn đề liên quan trực tiếp tới cộng đồng dân cư địa phương và tập trung thực hiện chức năng giám sát;
+ UBND đặc khu có 14 thẩm quyền liên quan đến thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu trong việc xây dựng để trình HĐND đặc khu quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quản lý dân cư; quyết định một số vấn đề về quản lý nhà nước ở đặc khu và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND đặc khu;
+ Chủ tịch UBND đặc khu có 70 thẩm quyền liên quan đến thực hiện hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại đặc khu.
3. Về tổ chức cơ quan tư pháp
- Về thẩm quyền: Ngoài các thẩm quyền tương đương với Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định hiện hành; được bổ sung thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với các vụ việc, vụ án đặc thù về dân sự, hành chính (bao gồm cả các vụ án, vụ việc có yếu tố nước ngoài);
- Về cơ cấu tổ chức: Có thể được bổ sung các Tòa chuyên trách khác (như Tòa kinh tế, tòa hành chính) và có Thẩm phán cao cấp.
Nguyễn Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)
;