Phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu của ngành thanh tra năm 2016
Thứ Tư, 17/02/2016, 06:37 [GMT+7]
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra tăng cường xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực, chú ý tập trung vào những lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; đồng thời quan tâm thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến hơn.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành sẽ chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất các lĩnh vực mà dư luận quan tâm.
Thực hiện tốt thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thanh tra các vụ việc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Từng bước đổi mới công tác thanh tra, không ngừng nâng cao hiệu quả thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đồng thời tăng cường hoạt động đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Sơn La |
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hằng năm tập trung giải quyết trên 85% vụ việc phát sinh; tổ chức thi hành trên 80% quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Quan tâm việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn), chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Bố trí luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân.
Tăng cường đôn đốc, thanh tra kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo gắn với kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi bị tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện và triển khai thực hiện phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo về khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành tạo sự thống nhất cao trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngành Thanh tra tập trung tham mưu cho các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03-01-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản” và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; có chiến lược truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tích cực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tin báo tố giác hành vi tham nhũng.
Hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; tham mưu sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng sửa đổi các quy định nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xây dựng ngành Thanh tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành đầy đủ, đồng bộ các thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản về tổ chức và hoạt động của thanh tra các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với các bộ ngành ban hành một số thông tư liên tịch, các quy chế phối hợp; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, sửa đổi Luật thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Rà soát, công bố các thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ; hệ thống hóa, pháp điển hóa các văn bản pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát triển và nâng cao chất lượng công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Nhã Lan
(TTCP)
;