Ngành tư pháp: Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, thi đua lập thành tích xuất sắc

Thứ Ba, 02/02/2016, 13:35 [GMT+7]

Năm 2015, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình hành động, tổ chức các phong trào thi đua với các giải pháp cụ thể. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tích cực thi đua vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của Ngành, địa phương, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết quả cụ thể như sau:

Tiếp tục chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc thi “Viết tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, công chức và nhân dân với gần 5 triệu bài dự thi, được Thủ tướng Chính phủ nhận xét là một sự kiện sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn, có sức lan toả, tạo lập được phong trào sổi nổi, động viên, khích lệ đồng chí, đồng bào tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp.

Đảng bộ Bộ Tư pháp tổng kết công tác năm 2015
Đảng bộ Bộ Tư pháp tổng kết công tác năm 2015

Việc rà soát hệ thống pháp luật để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản đảm bảo phù hợp với Hiến pháp tiếp tục được chú trọng thực hiện. Đối với các quy định của luật, pháp lệnh không còn phù hợp với Hiến pháp, trên cơ sở kết quả rà soát, các Bộ, cơ quan đã phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất đưa vào đề nghị của Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 với tổng số 33 luật, nghị quyết và 03 pháp lệnh. Việc tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về quyền con người đang được thực hiện theo đúng Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ-BTP ngày 26-3-2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Công tác xây dựng pháp luật năm 2015 có nhiều chuyển biến tích cực. Các Bộ, cơ quan đã chủ động tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội, UBTVQH thông qua 27 dự án. Trong đó, có các luật, bộ luật rất quan trọng như Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử Quốc hội và HĐND (sửa đổi), Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi),... Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, bộ luật và cho ý kiến đối với 02 luật khác, trong đó, lần đầu tiên trong vòng một năm đã tổ chức 02 đợt lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi),... Với việc Quốc hội thông qua Luật ban hành VBQPPL (hợp nhất) đã góp phần hoàn thiện thể chế cho công tác xây dựng VBQPPL. Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản; hoàn thành 09/09 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%. Chất lượng văn bản quy định chi tiết đã được nâng cao, cơ bản không còn tình trạng văn bản quy định chi tiết không đúng với tinh thần và nội dung của luật, pháp lệnh.

Trong năm, ước tính toàn Ngành đã rà soát được 76.453 văn bản. Công tác xử lý các văn bản đã hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội được phát hiện thông qua rà soát cũng đã được chú trọng thực hiện, với 12.253 văn bản được xử lý. Việc rà soát, hệ thống hóa VBQPPL kỳ đầu thống nhất trên cả nước đã được các Bộ, cơ quan, địa phương quan tâm triển khai thực hiện xong.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được quan tâm, thực hiện hiệu quả hơn, một số đề xuất, sáng kiến cải cách TTHC, nhất là trong liên thông TTHC bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Các Bộ, cơ quan đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 98 TTHC; ước tính đã đánh giá tác động đối với 2.087 TTHC (tăng  61 TTHC so với năm 2014), thẩm định 1.616 TTHC, tham gia ý kiến đối với 1.850 TTHC; ban hành 2.139 quyết định công bố TTHC để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (tăng gần gấp đôi so với năm 2014). Riêng Bộ Tư pháp, đã tham gia ý kiến đối với 796 TTHC tại 125 dự thảo VBQPPL; tiến hành thẩm định 528 TTHC tại 72 dự thảo VBQPPL. Các Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp đã cùng với Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 hướng dẫn liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ cũng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế”.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật từng bước đi vào nền nếp. Theo báo cáo của 15/20 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2015 có 9.445.474 vụ vi phạm hành chính bị phát hiện, đã ra 4.142.875 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 7.338 tỷ đồng. Về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, năm 2015 có 27.465 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Năm 2015, Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua theo dõi cho thấy, hầu hết các Bộ, cơ quan, địa phương đều ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, trong đó có các lĩnh vực trọng tâm đã được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, một số địa phương đã tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong những lĩnh vực nóng, có nhiều bức xúc ở địa phương như đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.

Công tác thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục phát triển ổn định. Năm 2015, thể chế pháp luật về THADS cơ bản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ hơn cho công tác này; công tác phối hợp liên ngành được đặc biệt quan tâm. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan THADS tiếp tục được quan tâm; kỷ cương, kỷ luật hành chính được siết chặt và ngày càng đi vào nền nếp. Việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng được chú trọng. Kết quả THADS về việc đạt 89,08% (vượt 1,08% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao), về tiền đạt 76%. Các cơ quan THADS đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó, một số địa phương có kết quả thi hành án đạt tỷ lệ khá cao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn quốc như thành phố Hà Nội (90,67% về việc và 85,17% về tiền), thành phố Hồ Chí Minh (88,6% về việc và 76% về tiền), Bình Dương (85,82% về việc và 79,87% về tiền), Lâm Đồng (92,72% về việc và 86,46% về tiền), Khánh Hòa (93,93% về việc và 90,61% về tiền); có 21 địa phương hoàn thành cả 03 chỉ tiêu của Bộ Tư pháp giao là Bắc Kạn, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Bình, Sơn La, Tiền Giang, Tuyên Quang, Yên Bái.

Việc xã hội hóa trong lĩnh vực thừa phát lại tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện, đặc biệt chế định Thừa phát lại đã được Quốc hội cho phép thực hiện trong phạm vi cả nước từ ngày 01-01-2016. Đến nay, cả nước hiện có 53 Văn phòng Thừa phát lại với 134 Thừa phát lại, tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, thực thi pháp luật, trong đó đã chú trọng phổ biến mục tiêu, quan điểm, chính sách mới trong quá trình xây dựng luật gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận để tạo đồng thuận trong xã hội. Ngày Pháp luật năm 2015 được các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp, với nhiều hình thức phong phú; thu hút sự vào cuộc sâu của các cơ quan thông tấn báo chí. Năm 2015 các Bộ, ngành, địa phương tổ chức 1.597.892 cuộc tuyên truyền pháp luật, tăng gần 54% so với năm 2014) cho 80.984.919 lượt người (tăng 1.387.706 lượt so với năm 2014); phát hành miễn phí 46.638.537 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức 15.585 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt kết quả tích cực, trong năm, các Trung tâm TGPL đã thực hiện 140.007 vụ việc TGPL trên tổng số 144.800 vụ việc tiếp tiếp nhận (tăng 35% so với năm 2014) cho 146.187 lượt người (tăng gần 11% so với năm 2014), trong đó vụ việc tham gia tố tụng tăng 33% từ 7.611 vụ việc lên 10.148 vụ việc. Ngày 01-6-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp được triển khai đồng bộ, đạt được kết quả tích cực. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Bộ đã ban hành Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11-12-2015 phê duyệt Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; tích cực chuẩn bị để triển khai việc đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử bảo đảm thiết lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; tiếp tục thực hiện Tuyên bố cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch và Khung hành động khu vực về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2015-2024.

Các tập thể nhận Cờ thi đua Ngành Tư pháp năm 2015
Các tập thể nhận Cờ thi đua Ngành Tư pháp năm 2015

Công tác lý lịch tư pháp có bước phát triển đột phá, từng bước khắc phục được tình trạng chậm cấp phiếu thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Năm 2015, các Sở Tư pháp đã cấp được 306.818 Phiếu lý lịch tư pháp (tăng 6.710 phiếu so với năm 2014); Bộ Tư pháp cấp 166 Phiếu lý lịch tư pháp của người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam. Với việc thử nghiệm giải pháp “Kiềng ba chân: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp - Cục Hồ sơ thống kê nghiệp vụ cảnh sát (C53), Bộ Công an - Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố” và triển khai Đề án thí điểm cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam dù đang ở bất cứ địa phương nào, quốc gia nào, ngoài phương thức nộp hồ sơ và nhận Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu (Sở Tư pháp hoặc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) như hiện nay, đều có thể lựa chọn một trong hai phương thức cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký cấp Phiếu trực tuyến với thủ tục đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và bảo đảm nhận Phiếu trong thời hạn luật định.

Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương được tăng cường, việc phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa công chứng tiếp tục được đẩy mạnh, Quản tài viên chính thức trở thành một nghề mới do Bộ Tư pháp quản lý. Trong lĩnh vực luật sư, Bộ đã cấp trên 1.000 Chứng chỉ hành nghề luật sư, 32 Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho luật sư nước ngoài, 08 Giấy phép thành lập chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; tính đến nay, cả nước có 3.520 tổ chức hành nghề luật sư với 12.307 luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề, bảo đảm thực hiện tốt định hướng phát triển luật sư tại Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 895 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 145 Phòng Công chứng và 750 Văn phòng công chứng, với tổng số công chứng viên là 2.637. Bên cạnh đó, đến nay đã thành lập được 13 Hội công chứng ở địa phương. Năm 2015, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 4.497.971 hợp đồng, giao dịch (tăng khoảng 30% so với năm 2014).

Năm 2015, cả nước hiện có 4.855 người được bổ nhiệm là giám định viên chuyên trách và 967 giám định viên theo vụ việc; đã thực hiện được 136.184 vụ việc giám định, trong đó có 102.483 vụ việc theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (chiếm hơn 75% tổng số vụ việc)...

Nhìn chung, năm 2015, toàn Ngành Tư pháp đã bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, một số lĩnh vực công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao. Những đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua là Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Văn phòng Bộ; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Viện Khoa học pháp lý...; Sở Tư pháp các tỉnh: Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh...; Cục THADS các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Bình Định, Hà Giang, Nam Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Long An,…

Thành Đạt

(VOV)

;
.