Kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Chủ Nhật, 24/01/2016, 08:28 [GMT+7]
Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, năm 2015, VKSND các cấp đã kết hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật với nhiệm vụ chính trị theo Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Quá trình công tác, luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy địa phương, nhất là trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan tư pháp ngang cấp thường xuyên rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy chế phối hợp đã ký kết. Đồng thời, để công tác kiểm sát được thực hiện có hiệu quả, VKSND các cấp đã tích cực đôn đốc, rà soát việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp, tăng cường các biện pháp thu thập thông tin vi phạm để lựa chọn, tiến hành biện pháp kiểm sát phù hợp. Qua kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngoài kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số VKSND còn đi sâu xem xét đánh giá việc áp dụng pháp luật, đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để kiến nghị cơ quan tư pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các kiến nghị của VKSND được cơ quan tư pháp chấp nhận để sửa chữa, khắc phục, tạo bước chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Kết quả thực hiện các biện pháp kiểm sát như sau:
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2016 |
Về kiểm sát trực tiếp, trong kỳ, VKSND các cấp tiến hành 418 cuộc kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp Nhiều VKSND địa phương kết hợp kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự với kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02-8-2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trước khi tiến hành kiểm sát, VKSND các cấp đã chú trọng công tác thu thập thông tin, tổng hợp vi phạm, quá trình kiểm sát đã kết hợp kiểm tra công tác tiếp nhận đơn theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội để đánh giá toàn diện việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Các vi phạm trong công tác thụ lý, giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp, như: tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng không thụ lý để giải quyết; kết thúc giải quyết khiếu nại không ban hành quyết định; hồ sơ giải quyết không lập theo quy định; đồng thời, VKSND các cấp tích cực kiểm tra kết quả thực hiện các kiến nghị đã ban hành. Qua kiểm sát trực tiếp, VKSND đã phát hiện và yêu cầu giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, nhất là về việc không khởi tố vụ án hình sự do cơ quan tư pháp đã tiếp nhận nhưng không giải quyết. Các vi phạm mà VKSND đã phát hiện và kiến nghị đều được cơ quan tư pháp tiếp thu, khắc phục đầy đủ.
VKSND các cấp đã yêu cầu các cơ quan tư pháp khác ra văn bản giải quyết đối với 178 vụ, việc khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Đây là biện pháp kiểm sát có thể được áp dụng đối với tất cả các quan quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, nên việc thực hiện tương đối thuận lợi. Qua theo dõi, rà soát khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan tư pháp, phát hiện những khiếu nại, tố cáo hết thời hạn nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn không giải quyết, VKSND đã ra văn bản yêu cầu giải quyết. Các văn bản yêu cầu của VKSND đều được các cơ quan tư pháp thực hiện đầy đủ, VKSND tiến hành kiểm sát chặt chẽ việc ra văn bản, đảm bảo việc giải quyết đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, VKSND các cấp đã ban hành 49 văn bản yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu để kiểm sát việc giải quyết. Qua biện pháp này đã phát hiện được vi phạm về hình thức, nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo, có cơ sở kiến nghị khắc phục vi phạm, phục hồi nhiều vụ việc hình sự, thi hành án đã giải quyết trái pháp luật. Một số VKSND thông qua biện pháp này đã phát hiện, ban hành ngay kiến nghị khắc phục vi phạm.
Qua công tác xử lý đơn và theo dõi việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, xác định có dấu hiệu vi phạm, VKSND các cấp đã ban hành 233 văn bản yêu cầu kiểm tra và thông báo kết quả. Thông qua biện pháp này, VKSND các cấp đã tổng hợp và phát hiện nhiều vi phạm để ban hành kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm
VKSND các cấp đã kết hợp chặt chẽ việc việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và nhiệm vụ chính trị với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội nhằm phát hiện vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp. Các vi phạm được phát hiện phổ biến là: không thụ lý đơn đã tiếp nhận; việc giải quyết không đảm bảo thời hạn theo qu yđịnh của pháp luật; quá trình giải quyết không lập hồ sơ đầy đủ; trình tự, thủ tục giải quyết còn thiếu. Đối với các vi phạm khác như: giải quyết không đúng thẩm quyền, áp dụng pháp luật không chính xác và không mở sổ thụ lý, về cơ bản đã được khắc phục, nhưng một số cơ quan tư pháp vẫn tồn tại các vi phạm này.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, VKSND các cấp tích cực thực hiện các biện pháp tác động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đối với những vi phạm của VKSND, thông qua hoạt động theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ, VKSND cấp trên đã kịp thời rút kinh nghiệm hoặc yêu cầu khắc phục, sửa chữa trong các bản kết luận kiểm tra đối với VKSND cấp dưới; đối với cơ quan tư pháp ngang cấp và cấp dưới, khi phát hiện vi phạm, VKSND các cấp đều ban hành kiến nghị, kháng nghị. Trong kỳ, VKSND các cấp đã ban hành 241 văn bản kiến nghị và 02 kháng nghị về các vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.
Chu Linh
(TTXVN)
;