Một số kết quả nổi bật của Ban Nội chính Trung ương từ năm 2013 đến nay

Thứ Tư, 16/12/2015, 16:04 [GMT+7]

    (BNCTW) - Thực hiện Nghị quyết 14 và Kết luận 21-KL/TW, ngày 25-5-2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW và Quyết định số 159-QĐ/TW về thành lập và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương.

    Theo đó, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; đồng thời là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2015

    Ở địa phương, Ban Bí thư ban hành Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; với chức năng là cơ quan tham mưu của tỉnh ủy, thành ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Sau khi tái lập, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ chính trị được giao, đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

    Đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương đôn đốc thành lập và quy định về tổ chức bộ máy, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ cũng như hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của 63 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy. Thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ, ngay từ khi mới thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, biên soạn, ban hành “Tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành ủy” giúp các địa phương triển khai nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại địa phương dần đi vào nền nếp. Tài liệu này đang được nghiên cứu bổ sung để tái bản vào năm 2016 cùng với các các chuyên đề cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở cấp cơ sở, địa phương.

    Chủ trì sơ kết 5 năm việc thực hiện Thông báo số 130-TB/TW, ngày 10-01-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26-5-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    Giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

    Chủ trì tham mưu, phối hợp tổ chức các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

    Giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đôc công tác phòng, chống tham nhũng; trực tiếp rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng của một số ngân hàng thương mại lớn để kiến nghị những pháp khắc phục những bất cập và phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực này.

    Nghiên cứu, tham gia thẩm định, phát biểu ý kiến về dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và nhiều dự án Luật, Pháp lệnh, Đề án, văn bản quan trọng; nghiên cứu tổng kết lý luận, thực tiễn qua 30 năm đổi mới về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và hoàn thiện các cơ quan tư pháp.

    Xây dựng Đề án “Sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Quy định 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013 và Công văn 155-CV/TW về việc thành lập các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ.

    Xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp công tác với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng, chống tham nhũng.

    Tham gia ý kiến về văn kiện và đề án nhân sự đại hội đảng bộ các địa phương, về việc bổ nhiệm, thăng quân hàm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính Trung ương v.v...

    Có thể nói thời gian qua, Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện có trách nhiệm và sáng tạo nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo, đã tham mưu Ban Chỉ đạo chọn những việc, khâu, lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc như: Lựa chọn, tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo đường lối xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn, trọng điểm trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh mạnh mẽ, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ đảng viên và người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng;khắc phục những vướng mắc, từng bước hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình đầu tư xây dựng... để phục vụ kịp thời, có hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng.

    Chủ động khảo sát, nghiên cứu chuyên đề “Thu hồi tài sản tham nhũng” để báo cáo, kiến nghị; trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cuờng trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai thục hiện Kế hoạch số 08-KH/TW, ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung uơng 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dụng Đảng hiện nay". Kết quả trong 3 năm 2013, 2014, 2015 đã tổ chức 18 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 Bộ, ngành; 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung uơng; trực tiếp kiểm tra, giám sát 226 cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc; đưa ra 304 kiến nghị về cơ chế, chính sách.

    Tham mưu, theo dõi, đôn đốc việc xử lý các vụ việc, vụ án; lập danh sách các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ở 3 cấp độ: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống theo tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý.

    Chủ động tham gia đóng góp các đề án, góp phần xây dựng pháp luật, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng; tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị tăng cuờng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng nhằm tăng cuờng trách nhiệm, chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng để tạo chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực công tác này thời gian tới.

    Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trên, Ban Nội chính Trung ương ngày càng khẳng định vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và được dư luận xã hội đánh giá tốt, và khẳng định chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương về việc tái lập Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ.

Đặng Phước

;
.