Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Chủ Nhật, 20/12/2015, 05:17 [GMT+7]
    Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và giám định tư pháp nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngay từ năm 2008, UBND Thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp rà soát, báo cáo thực trạng, tổ chức, hoạt động, công tác quản lý giám định tư pháp, kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các sở, ngành hữu quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại Hải Phòng.
 
    Sau khi Thủ tướng ký Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11-02-2010 phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258), Chỉ thị 1958/CT-TTg ngày 25-10-2010 về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Quốc hội thông qua Luật giám định tư pháp, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”. 
Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan công tác giám định tư pháp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp với pháp luật về giám định tư pháp.
 
Một phiên họp thường kỳ của UBDN Thành phố Hải Phòng
Một phiên họp thường kỳ của UBDN Thành phố Hải Phòng
    Triển khai Đề án 258, Hải Phòng đã thành lập 03 tổ chức giám định gồm: Trung tâm pháp y Hải Phòng, Trung tâm giám định pháp y tâm thần, Phòng kỹ thuật hình sự - Công an thành phố. Thực hiện Quyết định số 5151/QĐ-BYT ngày 12-12-2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt về quy hoạch các tổ chức pháp y tâm thần đến năm 2020, Trung tâm giám định pháp y tâm thần Hải Phòng đã chấm dứt hoạt động từ ngày 01-7-2015.
 
    Trung tâm Pháp y Hải Phòng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế, trụ sở nằm trong khuôn viên Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, kinh phí hoạt động do Sở Y tế cấp. Trung tâm có 13 cán bộ, trong đó có 03 cán bộ hợp đồng với 02 giám định viên chuyên trách và 01 giám định viên kiêm nhiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.
 
    Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố, trụ sở đặt tại Công an thành phố, kinh phí hoạt động do Công an thành phố cấp và được sự hỗ trợ thường xuyên về cơ sở vật chất, trang thiết bị từ Viện Khoa học hình sự (C54) - Bộ Công an, do đó Phòng được trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối tốt, có một số thiết bị kỹ thuật hiện đại. Hiện nay, Phòng Kỹ thuật hình sự có 43 cán bộ, trong đó có 02 cán bộ hợp đồng với 14 giám định viên.
 
    Các lĩnh vực giám định tư pháp khác như: Tài chính; Xây dựng; Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giám định viên tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, lập danh sách kiện toàn, bổ nhiệm mới theo quy định.
 
    Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định theo quy định, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tiến hành rà soát động viên, khuyến khích các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Tuy nhiên, do các văn bản quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và do số lượng vụ việc không nhiều, rất ít giám định viên thuộc các lĩnh vực này nên việc triển khai thành lập Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập còn gặp khó khăn. Hiện nay, Hải Phòng chưa nhận được đề nghị thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
 
    Từ khi triển khai thực hiện Đề án 258, đội ngũ giám định viên tư pháp của thành phố Hải Phòng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, các giám định viên tư pháp đều đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật, đội ngũ giám định viên có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, được đào tạo bài bản, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất chính trị vững vàng và có trách nhiệm với công việc giám định tư pháp, được các sở, ngành giới thiệu. Tính đến tháng 9-2015, thành phố Hải Phòng có 94 giám định viên tư pháp hoạt động tại các Tổ chức giám định tư pháp và các sở, ngành chuyên môn không thành lập tổ chức: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
    Hàng năm, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các sở, ngành, đơn vị căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ thực tế chuyên môn, nhu cầu công tác đào tạo cán bộ tại đơn vị định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp, thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn ở trong nước, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
 
    Trong thời gian qua, hoạt động giám định tư pháp đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động tố tụng trên địa bàn thành phố. Bằng những kết luận giám định khách quan, khoa học, chính xác của các giám định viên tư pháp đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sớm xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp tránh được oan sai và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng, đáp ứng ngày càng tốt hơn tiến trình cải cách tư pháp. Từ năm 2010 đến nay, các giám định viên tư pháp của thành phố đã thực hiện giám định 44.896 vụ việc.
 
    Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn, thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định về giám định tư pháp nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, người tiến hành tố tụng, người giám định viên tư pháp với nội dung, hình thức phù hợp với vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng chức danh; tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Đề án 258, tạo sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội đối với hoạt động giám định tư pháp.
 
    Tiếp tục rà soát, bổ sung, củng cố đội ngũ giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định ở các lĩnh vực, phát triển đội ngũ giám định viên trẻ, tạo nguồn kế thừa trong thời gian tới; có chế độ bồi dưỡng, chính sách ưu đãi để thu hút đội ngũ những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tham gia vào hoạt động giám định tư pháp; quan tâm hơn nữa đến việc bổ sung kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định.
 
    Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành chuyên môn liên quan đến công tác giám định tư pháp; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp; tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động giám định tư pháp ở địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp.
 
    Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần có nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của giám định viên tư pháp trong hoạt động tố tụng, tránh việc xét hỏi giám định viên tư pháp như bị can, bị cáo hoặc yêu cầu áp đặt đối với giám định viên tư pháp; tăng cường hơn nữa sự có mặt của giám định viên tư pháp tại phiên tòa với tư cách là các nhà chuyên môn, tạo điều kiện tốt nhất cho người giám định tư pháp thực hiện giám định và bảo vệ kết luận giám định công khai tại phiên tòa. 
Bình Minh
;
.