Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình: Quá trình hình thành và phát triển

Thứ Tư, 16/12/2015, 15:49 [GMT+7]

Giai đoạn 1966-1979

Năm 1972, Ban Pháp chế tỉnh Thái Bình được hình thành do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo với 04 cán bộ giúp việc. Căn cứ Thông tư số 100/VP ngày 10-5-1974 của Ủy ban Pháp chế, Ban Pháp chế tỉnh đã xây dựng quy chế hoạt động với chức năng chính là tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành văn bản pháp quy; hướng dẫn, theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật; bồi dưỡng cán bộ pháp chế, quản lý hành chính tư pháp. Ban Pháp chế tỉnh đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; hình thành được tổ chức pháp chế ở các huyện, thị xã và một số sở, ban, ngành.

Giai đoạn 1980-1987

Căn cứ Quyết định số 48-QĐ/TW ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính; Hướng dẫn số 39-NC/TW ngày 15-11-1979 của Ban Nội chính Trung ương về tổ chức và nhiệm vụ cụ thể của Ban Nội chính tỉnh, thành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 38-NQ/TU ngày 19-5-1980 về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, giúp Tỉnh ủy kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính trong các cấp, các ngành, trước hết là các ngành trong khối nội chính (Công an, Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, Pháp chế) nhằm phát hiện những ưu điểm để phát huy, những lệch lạc, trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề nghị cấp ủy uốn nắn hoặc đề xuất cấp trên những vấn đề cần bổ sung về đường lối, chính sách trong công tác nội chính; giúp Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra công tác thi hành pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức cơ sở của Đảng, đoàn thể, quần chúng, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương nhằm tăng cường pháp chế XHCN, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, đẩy mạnh đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội; kiểm tra các văn bản có tính chất pháp chế của cơ quan địa phương; giúp Ban Nội chính Trung ương thẩm tra, báo cáo những vụ án quan trọng cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thẩm tra, kiến nghị xét xử những vụ án quan trọng của địa phương cần xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy; chuẩn bị những vấn đề thuộc công tác nội chính đưa ra Hội nghị của Tỉnh ủy hoặc Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định; tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, quản lý cán bộ trong khối nội chính theo quy định.

Lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình năm 2013
Lễ công bố quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình năm 2013

Hàng năm, dựa vào chương trình công tác của Ban Nội chính Trung ương và của Tỉnh ủy, Ban xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt những kết quả nhất định góp phần tăng cường pháp chế XHCN ở địa phương, đưa các hoạt động quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật ở tỉnh vào nền nếp; hạn chế tới mức thấp nhất những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội.

Giai đoạn 1987-2000

Trong giai đoạn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chủ trương kiện toàn tổ chức, tăng biên chế theo năm, đưa Ban Nội chính Tỉnh ủy đi vào hoạt động nền nếp hơn, biên chế dao động từ 10-12 cán bộ. Năm 1998, Ban ra quyết định thành lập 02 phòng nghiệp vụ: Văn phòng và Phòng Theo dõi ngành, địa phương trực thuộc Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Căn cứ vào Hướng dẫn 138-HD/NC ngày 1-9-1984 của Ban Nội chính Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế làm việc của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc của Ban Nội chính Tỉnh ủy với chức năng chính là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, giúp Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra việc thi hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính; giúp Tỉnh ủy quản lý một số mặt công tác nội chính trong tỉnh bao gồm công tác của các ngành: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát. Thanh tra, Tư pháp, Quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng và Hải quan. Ban đã xây dựng mối quan hệ công tác với các ban Đảng, các ngành và các huyện, thị ủy; giúp cấp ủy hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng thuộc lĩnh vực nội chính ở cấp huyện, thị và đảng ủy trực thuộc; giúp Tỉnh ủy xử lý những công việc về nội chính do cấp ủy, huyện, thị và cơ sở kiến nghị; xây dựng chương trình công tác hàng thàng, quý, năm; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Tỉnh ủy, Ban Nội chính Trung ương.

Giai đoạn 2000-2013

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) “Một số vấn đề tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách Nhà nước”; Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế khối cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 843-QĐ/TU ngày 7-6-2000 về việc giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy, thành lập phòng Nội chính thuộc Văn phòng Tỉnh ủy có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, trực tiếp là tập thể lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy về công tác nội chính; nghiên cứu đề xuất kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, tham gia soạn thảo các văn bản của cấp ủy về công tác nội chính để Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo cấp ủy hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy; theo dõi việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác thực thi pháp luật trong các ngành thuộc khối nội chính.

Căn cứ Hướng dẫn số 03-HDLB/VPTW-NCTW ngày 1-3-2002 của Văn phòng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương về nhiệm vụ của Phòng Nội chính - Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy xây dựng quy chế hoạt động của phòng Nội chính - Tiếp dân với vai trò tham mưu phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về lĩnh vực nội chính, thư từ, tiếp dân; theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị, thẩm định đề án thuộc lĩnh vực nội chính, thư từ, tiếp dân trình Thường trực Tỉnh ủy. Đề xuất kế hoạch kiểm tra, sơ, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực nội chính, thư từ, tiếp dân; tham mưu cấp ủy tỉnh chỉ đạo những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, duy trì mối liên hệ chặt chẽ với phòng tiếp công dân của Văn phòng HĐND, UBND, các ngành trong khối nội chính, các huyện, thị ủy trong việc nắm tình hình, đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết đơn thư. Duy trì thường xuyên đều đặn kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, 6 tháng, 1 năm về công tác nội chính; báo cáo 6 tháng, 1 năm về tình hình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương; những báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất đều kịp thời gửi lên Trung ương.

Với những thành tích và kết quả đạt được trong quá trình hoạt động, tập thể Văn phòng Tỉnh ủy và nhiều cá nhân đã được Ban Nội chính Trung ương khen thưởng.

Giai đoạn 2013 đến nay

Thực hiện Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); Quy định số 183-QĐ/TW ngày 8-4-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, ngày 22-4-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Quyết định số 1364-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh và Phòng Nội chính - Tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy; Quy định số 1363-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban.

Tập thể lãnh đạo, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy đã quán triệt, triển khai thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ được giao theo Quy định 183-QĐ/TW, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở địa phương.

Chủ trì, phối hợp với các ngành trong khối nội chính, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Theo dõi, nắm tình hình tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm; tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; qua thanh tra, kiểm tra đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, phát hiện những dấu hiệu vi phạm, những vấn đề nổi cộm, đề xuất giải pháp ngăn chặn.

Tham gia thẩm định, công tác cán bộ theo quy chế phối hợp; đặc biệt Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu chỉ đạo các huyện, thành ủy thành lập và kiện toàn Tổ giúp việc công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Vượt qua những khó khăn từ khi mới thành lập, vừa xây dựng tổ chức bộ máy, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ với khối lượng công việc nhiều, phức tạp, tập thể Lãnh đạo, cán bộ công chức Ban đã phấn đấu liên tục, đạt được nhiều thành tích: năm 2013 đơn vị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen; năm 2014 đơn vị được Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, cùng với đó nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng.

Kim Anh

;
.