10 luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016

Thứ Ba, 29/12/2015, 11:26 [GMT+7]
    Từ ngày 1-1-2016, 10 luật sẽ có hiệu lực: Luật hộ tịch; Luật căn cước công dân; Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật bảo hiểm xã hội; Luật kiểm toán Nhà nước; Luật nghĩa vụ quân sự.
 
    * Bảo đảm lợi ích của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch
 
    Luật hộ tịch gồm 7 chương và 77 điều, chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.
 
    Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số này cũng chính là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi. 
 
    Luật quy định xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy); đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 
 
    Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép. 
 
    Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú trước đây.
 
    Luật quy định rõ, miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
 
    Với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, cơ sở, Luật quy định Ủy ban Nhân dân cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định, lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. 
 
    Ủy ban Nhân dân cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại. Thủ tục đăng ký hộ tịch được quy định theo hướng đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết.
 
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII
    * Bảo đảm hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân
 
    Luật căn cước công dân quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; thẻ căn cước công dân và quản lý thẻ căn cước công dân; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Luật có 6 chương, 39 điều.
 
    Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu chung do Bộ Công an quản lý, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam (gồm 15 trường thông tin). Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân.
 
    Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại của người khác.
 
    Luật lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay thế cho tên gọi “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được dùng thay thế cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
 
    Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các biểu mẫu đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2019. 
 
    Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày
    Luật có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật.
 
    * Khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội
 
    Luật tổ chức Quốc hội gồm 7 chương, 102 điều. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và mối quan hệ giữa Quốc hội với các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Luật cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại 16 điều luật tương ứng với 3 chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã được ghi nhận tại Hiến pháp.
 
    Luật có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò trung tâm của mình trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp. 
 
    Đồng thời, Luật kế thừa số lượng, tên gọi của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như Luật cũ; sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức và việc bầu, phê chuẩn các thành viên của Hội đồng, Ủy ban cho phù hợp với Hiến pháp mới.
 
    Luật xác lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội thay thế cho Đoàn thư ký kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ tham mưu Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
    Tổng Thư ký là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Thư ký do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. 
 
    * Thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ
 
    Với 7 chương, 50 điều, Luật tổ chức Chính phủ quy định vị trí, chức năng của Chính phủ; cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ; nhiệm kỳ của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ.
 
    Về nhiệm vụ, quyền hạn hành pháp của Chính phủ, Luật khẳng định mạnh mẽ, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm hành pháp của Chính phủ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, coi pháp luật là công cụ quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động quản lý điều hành của bộ máy hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, Luật cụ thể hóa thẩm quyền hoạch định chính sách của Chính phủ.
 
    Luật có một bước tiến quan trọng khi khẳng định đầy đủ và rõ hơn vị trí của Thủ tướng Chính phủ là “người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước”; thể hiện ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng trong lãnh đạo và điều hành hoạt động, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước. 
 
    Luật không chỉ chuyển những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan của Chính phủ sang cho Thủ tướng thực hiện, mà còn bổ sung một số nhiệm vụ mới cho Thủ tướng Chính phủ nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu hệ thống hành chính trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ nhân dân.
 
    Tinh giản tổ chức bộ máy theo tinh thần cải cách hành chính lần đầu tiên trở thành giải pháp lập pháp. Luật quy định cụ thể về số lượng cấp phó và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, tạo khuôn khổ thể chế vững chắc thúc đẩy cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương.
 
    * Gắn kết, thống nhất giữa Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương
 
    Luật tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương, 143 điều, tăng 2 chương, 3 điều so với Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2013. Luật xác định các đơn vị hành chính gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
 
    Luật quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhân dân tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Về cơ cấu tổ chức, Luật quy định Hội đồng Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập thêm Ban đô thị, vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này.
 
    Luật mở rộng cơ cấu tổ chức Ủy ban Nhân dân, theo đó tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân đều là Ủy viên của Ủy ban Nhân dân. Đây là quy định nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên Ủy ban Nhân dân, tăng cường hiệu lực giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với Ủy ban Nhân dân cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu.
 
    Đối với quy định về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, Luật quy định khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, cơ quan xây dựng đề án mới được hoàn thiện đề án, trình Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua chủ trương.
 
    * Làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và Nhân dân
 
    Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, tăng 4 chương, 23 điều. Luật đã sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại một điều (Điều 8, nay là Điều 19 mới).
 
    Luật làm rõ các mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức và Nhân dân. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng là quy định hoàn toàn mới, thể chế hóa nội dung Cương lĩnh của Đảng về mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 
 
    Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được cơ bản giữ như Luật cũ, đồng thời bổ sung một số quy định cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn mối quan hệ giữa Mặt trận với Nhà nước đã thực hiện ổn định trong thời gian qua.
 
    Luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn kết Nhân dân; động viên, hỗ trợ Nhân dân thực hiện dân chủ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
 
    Đặc biệt, Luật quy định Nhân dân giám sát hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện trách nhiệm của mình với Nhân dân. Để mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phù hợp với thực tiễn hoạt động hiện nay của Mặt trận, Luật không chỉ quy định mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, mà còn đối với các tổ chức không phải là thành viên của Mặt trận.
 
    * Góp phần định hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh và công bằng hơn
 
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung quy định “xăng các loại” thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo quy định trên, từ ngày 1-1-2016, nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
    Luật bổ sung quy định giá tính thuế đối với hàng hóa vừa chịu thuế bảo vệ môi trường, vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá chưa có thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thuế.
 
    Về thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, Luật quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1-1-2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1-1-2019 tăng từ 70% lên 75%.
 
    Đối với rượu từ 20 độ trở lên: Áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1-1-2016, 60% từ ngày 1-1-2017 và 65% từ ngày 1-1-2018. Đối với rượu dưới 20 độ: Áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1-1-2016 và 35% từ ngày 1-1-2018.
 
    Đối với bia, từ ngày 1-1-2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 là 60%; từ ngày 1-1-2018 là 65%.
 
    Để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu cồn từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, Luật quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học là 8% đối với xăng E5 và 7% đối với xăng E10.
 
    Luật quy định không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân trúng thưởng ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng do thực tế không xác định được thu nhập trúng thưởng. Nhằm bảo đảm đồng bộ với nội dung sửa đổi này, Luật quy định tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh ca-si-nô (bao gồm cả trò chơi điện tử có thưởng) từ 30% lên 35%.
 
    * Mở rộng thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
 
    Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có 9 chương, 125 điều, không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp (do đã được quy định trong Luật việc làm). Luật mở rộng thêm các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn...
 
    Luật sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; bổ sung thêm chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; bổ sung thêm quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội...
 
    Luật quy định người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. 
 
    Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi (theo quy định của Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động).
 
    * Nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước
 
    Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 gồm 9 chương, 73 điều. Dự thảo tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật cũ.
 
    Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Hiến pháp, Luật quy định đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là: Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Do phạm vi kiểm toán mở rộng theo quy định của Hiến pháp, Luật bổ sung thêm đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng nợ công.
 
    Luật quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán là văn bản do Kiểm toán Nhà nước lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. Việc quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán có ý nghĩa quan trọng đối với đơn vị được kiểm toán cũng như các cơ quan, tổ chức sử dụng trong hoạt động của mình. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
 
    Luật cũng quy định thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định gia hạn một lần không quá 30 ngày. Đối với cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cụ thể thời hạn kiểm toán cho phù hợp.
 
    * Tạo cơ sở pháp lý để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với Tổ quốc
 
    Luật nghĩa vụ quân sự có 9 chương, 62 điều. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 ngoài việc quy định: “Công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”, bổ sung quy định “công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi."
 
    Luật quy định chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo; quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. 
 
    Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ. 
 
    Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận để học tập.
 
    Để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, Luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với một con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.../.
Phúc Hằng
(TTXVN)
;
.