Chính phủ ban hành nghị định mới về giám sát và đánh giá đầu tư
Thứ Tư, 07/10/2015, 16:17 [GMT+7]
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-11-2015, thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15-12-2009.
Nghị định gồm 11 chương, 73 điều, quy định về giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư, điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn giám sát, đánh giá dự án đầu tư; điều kiện năng lực của cơ sở đào tạo đánh giá dự án đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư. Việc giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Việc giám sát và đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định này; những vấn đề khác do đặc thù của việc sử dụng các nguồn vốn này, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Tọa đàm nâng cao chất lượng hoạt động Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội |
Nghị định quy định các chủ thể thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư gồm: Cơ quan được giao lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình. Cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án. Chủ chương trình, chủ dự án thành phần, chủ đầu tư, nhà đầu tư. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Chủ sử dụng dự án. Cơ quan chủ quản, Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư. Cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Để tạo sự thống nhất về hệ thống giám sát đầu tư, trên cơ sở xác định công tác giám sát, đánh giá đầu tư là thực hiện mục tiêu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhằm thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn, trên cơ sở các quy định của Điều 82, Điều 83 Luật Đầu tư công, nội dung Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng, Nghị định đã bổ sung hướng dẫn chi tiết hơn về công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.
Theo đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền: Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Thành phần của Ban ít nhất là 05 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Thanh tra nhân dân và đại diện người dân trên địa bàn. Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các chương trình, dự án trên địa bàn và thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án chậm nhất 45 ngày trước khi thực hiện. Chủ tịch UBND xã căn cứ điều kiện của xã, bố trí địa điểm làm việc để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức các cuộc họp và lưu trữ tài liệu phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.
Các chế tài trong việc thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư được quy định và thực hiện theo Điều 19 Nghị định số 113/2009/NĐ-CP, theo đánh giá, mức độ khả thi chưa cao. Vì vậy, Nghị định số 84/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung (Điều 71) cho phù hợp với tình hình thực tế trong thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi che giấu vi phạm hoặc hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong giám sát và đánh giá đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Đối với các chương trình, dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn tín dụng do chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước, giá trị quyền sử dụng đất, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm chủ chương trình, chủ đầu tư, Giám đốc Ban quản lý dự án và các cán bộ được phân công nhiệm vụ giám sát, đánh giá đầu tư của chủ chương trình, chủ đầu tư phải bị xử lý vi phạm vi phạm như sau: 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo bị khiển trách; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 6 kỳ không báo cáo bị cảnh cáo.
Trong trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo thì các dự án đầu tư công chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử phạt theo quy định như trên và bổ sung các nội dung hoặc báo cáo còn thiếu theo quy định.
Các cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án theo quy định tại Nghị định này.
Xử lý các vi phạm về quản lý đầu tư trong quá trình giám sát, đánh giá đầu tư: a) Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền những trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư thuộc cấp mình quản lý để xử lý theo quy định; b) Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che giấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.
Hằng năm trên cơ sở báo cáo tổng hợp, đề xuất của cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định xử lý đối với các chủ chương trình, chủ đầu tư, nhà đầu tư vi phạm quy định về giám sát và đánh giá đầu tư theo các hình thức: a) Khiển trách, cảnh cáo; b) Thay chủ chương trình, chủ đầu tư; c) Không giao làm chủ đầu tư các dự án khác đối với các chủ đầu tư vi phạm.
Hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện: a) Kiến nghị hình thức xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hoặc thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư không đúng thời hạn, không đảm bảo chất lượng; b) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xử lý các vi phạm trong giám sát và đánh giá đầu tư.
Thành Đạt
;