Tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng
Thứ Bảy, 10/05/2014, 10:27 [GMT+7]
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên, đã đề cập đến việc chống các bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Những “bệnh” này được Người diễn đạt trong một thuật ngữ là “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng. Người coi tham ô, lãng phí là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người chỉ rõ bản chất của tham ô: “Là lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”, “tham ô là trộm cướp”.
Theo Hồ Chí Minh, điểm đặc trưng của hành vi tham ô chính là việc biến “của công” thành “của tư”. Theo Người, “của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Bất cứ hành vi nào lấy “của công” làm “của tư” cũng đều bị Hồ Chủ tịch coi là hành vi tham ô.
Hồ Chủ tịch khẳng định: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ”(1). Người còn chỉ rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng; tài sản của Nhà nước, của cải, công sức của nhân dân bị chiếm đoạt, lãng phí; đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, suy thoái đạo đức, sút giảm tính chiến đấu. Do vậy, đấu tranh chống tham ô, lãng phí chính là để loại bỏ những trở lực của cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
Công tác chống tham ô, lãng phí là rất quan trọng, phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên. Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”(2). Đấu tranh chống tham ô, lãng phí cần phải bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Cùng với việc xây dựng cơ chế phòng, chống, tấn công tham ô, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, cần xác định và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm và các biện pháp chủ yếu. Yếu tố quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí chính là công tác lãnh đạo. Cũng như trong tất cả các hoạt động khác của cách mạng nước ta, sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, thông qua các chủ trương, chính sách mang tính chỉ đạo, thông qua các tổ chức, các cấp ủy Đảng, chính là mấu chốt, quyết định sự thành bại của cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(3). Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao. Người khẳng định: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”(4).
Hồ Chủ tịch cũng nhấn mạnh trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng, cơ sở. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”(5). Việc tuyên truyền, giáo dục cần được đặc biệt coi trọng, làm cho cán bộ hiểu được sự nguy hại, xấu xa của tham ô, lãng phí, từ đó có các hành động tích cực nhằm phòng, chống. Đồng thời, qua công tác tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp nêu gương tốt, lên án các hành vi tham ô, lãng phí, góp phần vào việc tích cực ngăn chặn nạn tham ô, lãng phí. Nhưng khi cần thiết, đối với những kẻ đã suy thoái về đạo đức, không chịu rèn luyện, ăn năn hối cải, cố tình tư lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng, phải trừng trị thẳng tay, đúng pháp luật để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và để răn đe, làm gương.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc sự nguy hiểm, tìm ra bản chất, nguyên nhân của tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát động tư tưởng của quần chúng. Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Sự giám sát gắt gao của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước, thông qua các hình thức khác nhau là một cơ chế ngăn ngừa tham ô, lãng phí hữu hiệu. Đồng thời, sự giám sát chặt chẽ, với các phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp.
Tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành trong cả nước tiếp tục học tập tư tưởng của Bác về chống tham ô, lãng phí, quan liêu để triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.
Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Đảng xác định cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.494.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.490.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.495.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.495.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, t.6, tr.493.
|
Nguyễn Nga
(Ban Nội chính Trung ương)
(Ban Nội chính Trung ương)
;