Quy định về tiêu chuẩn và tuyển chọn thẩm phán một số nước

Thứ Sáu, 23/05/2014, 11:09 [GMT+7]

Hoạt động xét xử của thẩm phán có tính chuyên môn cao, đòi hỏi sự cẩn trọng, trách nhiệm nặng nề; do đó thẩm phán cần được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ. Pháp luật của mỗi quốc gia đều có những quy định chặt chẽ về Thẩm phán, nhất là tiêu chuẩn và quy trình tuyển chọn Thẩm phán.

1. Tiêu chuẩn của Thẩm phán

Về độ tuổi: Bỉ, Mê-hi-cô quy định người trên 30 tuổi mới được làm Thẩm phán; Vê-nê-duê-la quy định từ 25 tuổi trở lên; Trung Quốc, Braxin quy định từ 23 tuổi trở lên. Một số nước tuy không quy định cụ thể về độ tuổi làm Thẩm phán, nhưng căn cứ vào những điều kiện khác có thể tính ra tuổi tối thiểu để làm Thẩm phán (Mỹ quy định để làm Thẩm phán đòi hỏi phải làm qua công tác luật sư 6 năm, đối với Anh, Ấn Độ, Singapore là 7 năm). Như vậy, độ tuổi mà các nước này quy định để làm Thẩm phán là trên 30 tuổi.

Về học vấn và kinh nghiệm công tác: Yêu cầu chung là tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Có nước yêu cầu phải có bằng Thạc sỹ luật, thậm chí là Tiến sĩ Luật (Mỹ). Cá biệt có trường hợp của Trung Quốc cho phép để đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán có thể tốt nghiệp các trường cao đẳng không phải chuyên ngành luật nhưng phải có kiến thức chuyên môn về pháp luật và có thời gian công tác Tòa án đủ 2 năm; hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành luật và có thời gian công tác Tòa án đủ 1 năm. Những người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ luật thì không cần điều kiện về thời gian công tác.

Đức và Nhật Bản đều quy định qua 2 lần thi đạt tiêu chuẩn mới được nhận chức danh Thẩm phán. Đức còn đòi hỏi gười tham dự thi lần đầu phải học ít nhất 3 năm rưỡi tại trường Đại học chuyên ngành luật. Sau khi xong lần thi thứ nhất phải thực tập 2 năm nữa mới có thể tham dự kỳ thi thứ 2. Các nước Anh, Mỹ, Singapore, Braxin, Vê-nê-duê-la, Bỉ mặc dù không quy định các cuộc thi riêng cho Thẩm phán song đều yêu cầu trước khi làm Thẩm phán phải từng là luật sư với chế độ thi rất nghiêm ngặt.

Về phẩm chất đạo đức: Hầu hết các nước đều quy định người đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán phải có phẩm chất đạo đức tốt. Mê-hi-cô còn quy định phải có tiểu sử trong sạch, có danh dự cá nhân tốt. Vê-nê-duê-la thì quy định mọi hành vi trong cuộc sống đều phải trong sáng; còn Pháp thì yêu cầu thêm là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Về sức khỏe: Các nước Trung Quốc, Mê-hi-cô, Thái Lan, Bỉ, Anh, Đức… đều quy định người đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán phải có sức khỏe tốt. Nếu sức khỏe không đạt yêu cầu thì không được làm Thẩm phán bởi đây là tiêu chuẩn cần có để Thẩm phán có thể đảm nhận công tác một cách bình thường và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Về tâm lý, tố chất: Tại một số nước như Áo, Hung-ga-ry, Hà Lan, việc lựa chọn thẩm phán mới bao gồm phải đáp ứng được điều kiện về tâm lý. Thông qua một cuộc kiểm tra tâm lý, các ứng viên sẽ được khảo sát bởi các bài kiểm tra trí thông minh, khả năng làm việc nhóm, khả năng tập trung, khả năng ra quyết định trong trạng thái tâm lý căng thẳng và các vấn đề khác. Những cuộc kiểm tra này có thể được tiến hành bởi một công ty tư nhân chuyên nghiệp và kết quả của nó sẽ được cung cấp cho Tòa để cân nhắc trong khung đánh giá tổng thể đối với các ứng viên Thẩm phán.

Các trường hợp không được làm Thẩm phán: Một số nước đều có quy định cụ thể về các trường hợp sau đây không được làm Thẩm phán: Người có tiền sự, đã bị kết án tù (Nhật Bản, Vê-nê-duê-la, Trung Quốc, Hàn Quốc) bị phế truất quyền bãi miễn xét xử của Tòa án, bị cấm làm quan chức theo các quy định khác của pháp luật (Nhật Bản); Người đang tại ngũ, cha đạo, lãnh đạo của các đảng hay nhà hoạt động chính trị, người có tiền sự hay từng bị Tòa án xử phạt tù hoặc từng bị kỷ luật do có hành vi sai trái, làm tổn hại đến uy tín nghề nghiệp hoặc công chức đã bị buộc thôi việc (Trung Quốc, Vê-nê-duê-la).

2. Phương thức bổ nhiệm hoặc bầu cử thẩm phán

Đa số các nước trên thế giới áp dụng phương thức bổ nhiệm Thẩm phán, một số ít nước áp dụng phương thức bầu cử Thẩm phán, cũng có nước sử dụng đồng thời cả hai phương thức bổ nhiệm và bầu cử Thẩm phán.

Phương thức bổ nhiệm thẩm phán:

Truyền thống chung của các nước theo hệ thống thông luật là Thẩm phán được lựa chọn trong số các luật sư hoặc luật gia có kinh nghiệm, sau đó được cơ quan hành pháp có thẩm quyền bổ nhiệm. Trong những thập niên gần đây, nhiều quốc gia rất quan tâm đến quy trình bổ nhiệm tư pháp để đảm bảo sự minh bạch, khách quan và độc lập, có sự tham gia của nhiều người hơn và thậm chí là hạn chế dần quyền bổ nhiệm Thẩm phán của các cơ quan hành pháp.

Tuy cùng áp dụng phương thức bổ nhiệm Thẩm phán nhưng ở mỗi nước lại áp dụng khác nhau. Đa số các nước do Nguyên thủ quốc gia (Tổng thống, Quốc vương, Nữ hoàng bổ nhiệm) bổ nhiệm; một số ít các nước do những người đứng đầu Nghị viện, Chính phủ hoặc các cơ quan Chính phủ bổ nhiệm hoặc do Ủy ban Thẩm phán (hoặc Ủy ban Tư pháp) bổ nhiệm.

Ở các nước do Tổng thống hoặc Quốc vương bổ nhiệm (Pakistan, Ai-len, Singapore, Thái Lan): Pakistan quy định Thẩm phán của Tòa án cao cấp do Tổng thống bổ nhiệm sau khi đã bàn bạc với các Thẩm phán đứng đầu của Tòa án tối cao, Thẩm phán đứng đầu của Tòa án cao cấp và Tỉnh trưởng có liên quan. Ở Thái Lan, bất kỳ một cấp bậc Thẩm phán nào đều do Quốc vương bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Thẩm phán. Thẩm phán Tòa án tối cao và Tòa án địa phương của Singapore lại do Thủ tướng và Thẩm phán đứng đầu Tòa án đề cử, Tổng thống bổ nhiệm. Tất cả Thẩm phán ở Ai-len nói chung đều do Tổng thống bổ nhiệm. Ở Anh, các Thẩm phán đều do Thủ tướng đề cử, nữ hoàng Anh bổ nhiệm.

Ở các nước Nghị viện, Chính phủ hoặc các cơ quan Chính phủ bổ nhiệm (Nhật, Đức, Áo, New Zealand): Ở Nhật, Thẩm phán đứng đầu của Tòa án tối cao do Nội các đề cử, Nhật hoàng bổ nhiệm. Các Đại Thẩm phán khác lại do Đại Thẩm phán đứng đầu Tòa án tối cao đề cử, Nội các bổ nhiệm. Tất cả các Thẩm phán các cấp thuộc cấp dưới của Tòa án cao cấp đều do Tòa án tối cao đề cử danh sách, nội các bổ nhiệm, Nhật hoàng chứng thực. Tại Hàn Quốc, Chánh án và Thẩm phán của Tòa án tối cao do Tổng thống Hàn quốc bổ nhiệm và được Quốc hội phê duyệt. Các Thẩm phán khác được Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm với sự chấp thuận của Hội đồng Thẩm phán của Tòa án tối cao.

Ở các nước do Ủy ban Thẩm phán (hoặc Ủy ban Tư pháp) bổ nhiệm (Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Ý, Iran, Thụy Sĩ): Thẩm phán của Tòa án liên bang và Thẩm phán đại diện đều có Nghị viện liên bang bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án các cấp của Bồ Đào Nha lại do Hội đồng Thẩm phán tối cao căn cứ vào quy định pháp luật để bổ nhiệm. Ở Trung Quốc, chức vụ Thẩm phán do Đại hội đại biểu nhân dân các cấp và Ban Thường vụ bổ nhiệm; chức vụ trợ lý Thẩm phán do Chánh án Tòa án đó bổ nhiệm.

Riêng tại Đức là quốc gia khá đặc biệt khi áp dụng cả 3 hệ thống bổ nhiệm Thẩm phán nêu trên. Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thẩm phán trong các Tòa án liên bang như Tòa án quân sự liên bang, Tòa phán xét xử kỷ luật Liên bang và Tòa án liên bang giải quyết bồi thường. Đối với các Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp liên bang thì được Nghị viện bầu và được bổ nhiệm bởi Tổng thống. Còn tại các bang, các Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán sẽ chịu trách nhiệm tuyển chọn thẩm phán. Các thành viên của Ủy ban này có thể do Thẩm phán bầu hoặc do Nghị viện bang bầu.

Phương thức bầu Thẩm phán: Điển hình cho việc áp dụng phương thức bầu Thẩm phán là Hoa Kỳ. Trừ Thẩm phán liên bang do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn, còn lại hầu hết Thẩm phán các bang đều được bầu. Hệ thống bổ nhiệm này dựa trên niềm tin rằng công dân có quyền lực chọn thẩm phán của mình và có thể lựa chọn người khác trong lần bầu tiếp theo nếu không hài lòng với hiệu quả công tác của những người này trong nhiệm kỳ của họ. Những người phê phán cơ chế tuyển dụng này cho rằng Thẩm phán được lựa chọn theo hệ thống này khó bảo đảm được sự độc lập trong xét xử. Việc đứng ra tranh cử và huy động tiền để tranh cử sẽ biến Thẩm phán mang màu sắc chính trị hơn là người giữ cán cân công lý. Để khắc phục các ý kiến quan ngại nêu trên, một số bang thường thành lập các Hội đồng, bao gồm đại diện của các nhóm đối tượng khác nhau như luật sư, luật gia và thường dân, và họ sẽ là người trình Thống đốc bang danh sách các luật sư đủ điều kiện. Thống đốc sau đó bổ nhiệm một người trong số đó làm Thẩm phán và sau một nhiệm kỳ vài năm, vị Thẩm phán này sẽ phải ra "tái cử" không ai có quyền tranh cãi. Tuy nhiên, cả cách làm nói trên cũng để lại những ý kiến chỉ trích về cơ chế bầu chọn thẩm phán, đó là việc thiếu thông tin đáng tin cậy để các cử tri đưa ra các lựa chọn.

Tại một số bang (Alaska, Arizona, Colorado và Utah), các cơ quan đặc biệt được lập ra để đánh giá hiệu quả công tác của những Thẩm phán sẽ đứng ra tái cử, thông qua việc tổ chức thăm dò ý kiến của các luật sư, luật gia và công dân có trình độ, trực tiếp về ứng xử tư pháp của những thẩm phán đó (tính liêm chính, khả năng pháp lý, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc hiệu quả với nhân viên tòa án và các thẩm phán khác…). Kết quả của những cuộc thăm dò khảo sát này sẽ được công khai trước khi diễn ra bầu của dưới nhiều hình thức khác nhau để cử tri có cơ sở xem xét trước khi bỏ phiếu.

Áp dụng cả hai phương thức bổ nhiệm và bầu cử: Một số nước áp dụng cả hai phương thức bổ nhiệm và bầu Thẩm phán. Ở Vê-nê-duê-la, Thẩm phán Tòa án tối cao do Nghị viện bầu ra, các Thẩm phán khác do Hội đồng tư pháp bổ nhiệm.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.