Đạo đức, tác phong của lớp lãnh đạo khai quốc
Đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo, học tập… Lớp học trò xuất sắc của Người như đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương… là lớp cán bộ vàng, thời khai quốc công thần, đã để lại dấu ấn vô cùng sinh động, làm lên sự nghiệp lớn giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, góp phần vào kho tàng lý luận, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Ở bài viết này tôi chỉ xin nêu lên một vài tấm gương của các đồng chí tiền bối về một chủ đề: Tác phong lãnh đạo, giải quyết những công việc hàng ngày liên quan đến nhân dân.
Chúng ta còn nhớ sau Đại hội VI, trên trang nhất Báo Nhân dân có một đề tài: “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Những bài viết của Đồng chí ngày ấy có tác dụng nhất định; giải quyết những vấn đề bức xúc để ra hàng ngày vào thời kỳ đất nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tác phong làm việc khoa học, dứt khoát, quyết liệt vì Đảng, vì dân của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương cho mỗi chúng ta học tập. Sáng nào đồng chí cũng yêu cầu tổng hợp các thông tin trên báo (đặc biệt Báo Nhân dân…). Có tin, bài quan trọng, đồng chí yêu cầu đánh dấu và đọc lại. Nhiều bài viết liên quan đến các Bộ, ban, ngành, địa phương, đồng chí yêu cầu cán bộ giúp việc đến gặp đồng chí lãnh đạo Ban, Bộ hoặc địa phương có sự việc đó, yêu cầu giải quyết. Đồng chí không quên yêu cầu phải phản hồi sau khi giải quyết. Sau đây là một trong những ví dụ cụ thể:
(a) Đồng chí được phản ánh, hai đồng chí lãnh đạo một địa phương lớn đã cho con vào làm Tầu Viễn Dương (thời điểm đó là môi trường “thơm”), bị nhân dân phàn nàn (là các đồng chí đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn chọn công việc lắm lợi lộc). Đồng chí giao cho đồng chí Thư ký vào truyền đạt với hai đồng chí lãnh đạo trên: “Yêu cầu đưa con lên bờ”… Sau một tháng, đồng chí Lê Đức Thọ hỏi đồng chí Thư ký:
- Hai đồng chí đã đưa con lên bờ chưa?
- Đồng chí Thư ký kiểm tra, trả lời, họ chưa đưa lên.
- Cậu nói với họ là phải đưa lên…
Tháng thứ hai đồng chí Lê Đức Thọ lại kiểm tra và được biết là con hai đồng chí đó vẫn chưa “đưa lên bờ”; Tháng thứ ba đồng chí lại hỏi đồng chí Thư ký, đồng chí Thư ký báo cáo là hai đồng chí đã đưa con lên bờ rồi… đồng chí Lê Đức Thọ mới yên tâm… Tác phong giải quyết công việc rốt ráo, quyết liệt của đồng chí Lê Đức Thọ, mặc dù việc nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn…
(b) Vào năm 1985, đồng chí Lê Đức Thọ vào Thành phố Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng… Nói về chống tham nhũng, đồng chí nêu ra nhiều ví dụ tham nhũng của một số cán bộ, sau giải phóng miền Nam. Đồng chí nêu lên ý kiến: “Thôi nhé, từ đây phải chấm dứt…”. Đó cũng là thái độ của Đồng chí đối với tệ tham nhũng lúc đó; vừa kiên quyết, vừa bao dung của lãnh đạo Đảng đối với sai lầm của cán bộ, đảng viên…
(c) Khi đồng chí Lê Đức Thọ làm Thường trực Ban Bí thư, Văn phòng của đồng chí có 10 cán bộ; đồng chí dùng một xe Lada suốt hàng chục năm. Đồng chí đã nói trong hội nghị Bộ Chính trị: Tại sao nhiều đồng chí lại thích đi xe Vonga; xe Vonga ăn 12 lít xăng/100km, còn Lada ăn 9 lít xăng/100km, lại vừa nhỏ, đi vào đường hẹp, chốn thôn quê nào cũng dễ. Sau đó, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Tâm… đều dùng xe Lada. Tài sản bàn giao sang Bảo tàng Hồ Chí Minh của đồng chí Lê Đức Thọ ngoài sách vở, tài liệu, thì quần áo của đồng chí chỉ có một bộ đại cán da (màu đen) hồi đồng chí đi Paris làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn đàm phán Việt Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ có phong cách ăn mặc giản dị. Trong các chuyến đi công tác trong nước, đồng chí thường mặc bộ quần áo bộ đội đã bạc màu; kể cả khi họp Bộ Chính trị đồng chí cũng mặc áo “bộ đội đó”, hoặc có khi đồng chí mặc quần áo ta…
Trong tất cả các cuộc giao tiếp nội bộ hoặc đồng chí Lê Đức Thọ sang thăm các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đều ăn mặc giản dị, tiếp xúc rất thân tình…
(d) Trong Nam, người dân thường nói: “Anh Sáu Thọ - là anh Sáu búa”. Với những cán bộ sống gần anh, nhất là lớp cán bộ làm công tác tổ chức từ thời còn ở An toàn khu, những người làm “ngoại giao” cao tuổi, thì ai cũng nói lại rằng - hiếm có một Trưởng Ban Tổ chức Trung ương như thế. Lớp cán bộ già của tổ chức ai cũng thừa nhận rằng đồng chí Lê Đức Thọ với tính “quyết đáp” rất cao; chẳng thế, với vai trò nắm công tác tổ chức của Đảng từ Đại hội II đến Đại hội VI, dòng giã gần 40 năm, đã bao lớp cán bộ đi B, đi C, đi K, cả một lớp cán bộ mẫn cán, hết lòng vì sự nghiệp, đã đóng góp vào sự nghiệp: “Đánh thắng Pháp, Mỹ và các kẻ thù gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam…”.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu, thì nhiều người đã viết và nói: Anh Sáu Thọ là người ngoại giao kỳ tài, một người thông minh, sắc sảo. Đã làm cho nền ngoại giao Mỹ phải lao đao, mà trực tiếp là cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng Kít-Sing-Giơ, là một nhà ngoại giao lúc đó phải cúi mặt, đặt bút ký tắt, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh chống nhân dân Việt Nam và một mình nhận giải thưởng Nobel.
Nhưng trong cuộc đời, làm sao tránh được những sai lầm, những vấp ngã, những oan sai. Đồng chí Lê Đức Thọ đã có lúc tâm sự: “Suốt cả đời mình làm công tác tổ chức của Đảng, mình nghiệm ra rằng, đúng được 70% là hạnh phúc; còn sai 30%, nên có người cũng không ưa mình, thậm chí ghét mình…”.
Viết về phong cách làm việc của những bậc khai quốc công thần cho thấy: Lớp người, trước hết rất trung thành với Tổ quốc, yêu dân; Lớp người có phong cách thân dân: Cần, kiệm, liêm, chính… Hết lòng vì sự nghiệp cách mạng. Vì giải phóng nhân dân; Vì độc lập, tự do; Vì thống nhất giang sơn. Đạo đức, tác phong của lớp lãnh đạo khai quốc còn lưu truyền, sáng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
Hồng Giang
(Nguyên cán bộ Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 - lần 2)