Bổ sung, sửa đổi quy chế chất vấn trong đảng để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
Dân chủ trong Đảng là quyền làm chủ của đảng viên, thực hiện dân chủ trong Đảng là đưa các giá trị dân chủ vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm làm cho dân chủ từ khả năng trở thành hiện thực. Dân chủ trong Đảng không phải là thứ dân chủ cực đoan, vô chính phủ mà là dân chủ có tính Đảng, tính lãnh đạo và gắn với kỷ luật Đảng. Chất vấn trong Đảng là thực hiện quyền làm chủ của đảng viên. Đảng viên hỏi và được trả lời những vấn đề trong Đảng để làm rõ đường lối, chủ trương, quy định của Đảng đã được thực hiện như thế nào trong thực tế. Qua chất vấn sẽ phát hiện, đóng góp thêm những giải pháp tốt hơn cho công tác của Đảng, làm cho mọi đảng viên hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn, minh bạch hơn, có điều kiện tạo được sự nhất trí, đồng thuận và đoàn kết tốt hơn. Điều lệ Đảng (khóa II) ghi tại Điều 3: Đảng viên “trong các cuộc hội nghị, được phê bình, chất vấn về chủ trương, chính sách của Đảng, được phê bình bất kỳ người nào, cấp bộ nào trong Đảng”.
Hiện tại Điều lệ Đảng khóa XI cũng xác định đảng viên có quyền “Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời”(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã đề cập đến việc tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, khẳng định tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, là một trong những phương pháp giúp cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng làm tốt nhiệm vụ được giao và để làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong việc kiểm điểm cấp ủy và đảng viên theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nơi còn chưa đạt yêu cầu mang nặng tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, kiểm điểm xong mà những vi phạm, tham nhũng tày đình không phát hiện được. Nguyên nhân chính là chưa khơi dậy được tính chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên do tách rời việc phê bình với chất vấn. Vai trò của chất vấn trong Đảng chưa được mở rộng, chưa xây dựng được cơ chế cho đảng viên chất vấn tại các Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Đảng bộ, Chi bộ, Hội nghị Ban cán sự đảng, đảng đoàn và các ban của Đảng, đặc biệt là tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Vì vậy, không có tác dụng thúc đẩy tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu của đảng viên, tăng cường năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, của chi bộ, tích cực PCTN.
Sinh hoạt Đảng nghèo nàn, xuôi chiều không chất vấn, phản biện do đó không huy động được trí tuệ của tập thể. Phần lớn cấp ủy cơ sở chưa nắm vững các quy định về chất vấn trong Đảng nên nhận thức của công tác này còn hạn chế(2), không thể tiến hành chất vấn. Mặt khác, còn có những vướng mắc do cơ chế nên đảng viên cũng không thể thực hiện chất vấn, cụ thể là:
Thứ nhất, về quyền chất vấn của đảng viên
Khoản 3 Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) quy định: Đảng viên có quyền “Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức”. Tuy nhiên, Quy chế chất vấn đã giới hạn phạm vi đảng viên có quyền chất vấn. Tại khoản 2 Điều 3 Quy chế chất vấn trong Đảng, quy định “đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng viên trong phạm vi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, Đảng bộ mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình”. Hướng dẫn thực hiện Quy chế chất vấn giới hạn thêm tại khoản 2 Điều 1 “Quy chế này chỉ quy định chất vấn trong hội nghị cấp ủy và hội nghị ban thường vụ cấp ủy các cấp, không áp dụng trong Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Đảng bộ, Chi bộ, Hội nghị Ban cán sự đảng, đảng đoàn và các ban của Đảng”. Tại khoản 2 Điều 3 “Chất vấn là quyền của đảng viên nhưng do bước đầu thực hiện, quy chế này chỉ quy định cấp ủy viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên trong phạm vi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình”. Như vậy, quyền chất vấn của đảng viên và đảng viên mới chỉ chất vấn trong hội nghị cấp ủy là hội nghị mà chỉ có đảng viên là các ủy viên của tổ chức Đảng đó tham dự, do vậy, những đảng viên không phải là cấp ủy viên chưa được quyền chất vấn (trực tiếp hoặc gián tiếp) cấp ủy viên các cấp trong các hội nghị có các đồng chí cấp ủy viên tham dự. Điều này đã làm hạn chế tác dụng của Quy chế chất vấn trong các hội nghị mà các đảng viên được tham dự như Hội nghị Chi bộ, Đảng bộ cơ sở... Thực tế cho thấy, các đảng viên không phải là cấp ủy viên mới có nhiều nhu cầu chất vấn, bởi chính họ là người trực tiếp thực hiện các quy định của Đảng. Việc họ không được chất vấn đã không có tác dụng thúc đẩy tự phê bình và phê bình nâng cao tính chiến đấu của đảng viên, tăng cường năng lực lãnh đạo của Chi bộ, tích cực PCTN.
Thứ hai, việc triển khai, phổ biến các văn bản của Đảng về chất vấn trong Đảng còn hạn chế
Có quy định về chất vấn là chưa đủ, cần phải phổ biến, có biện pháp tổ chức và chỉ đạo thực hiện. Người chất vấn muốn nêu ra việc gì đó thì trước hết người chất vấn cũng phải có nhận thức nhất định, phải hiểu được nội dung, phương pháp của việc chất vấn.
Tóm lại, nguyên nhân quan trọng, cơ bản của Quy chế chất vấn trong Đảng chưa thực sự đi vào cuộc sống là do chưa xác định đúng nhu cầu chất vấn của đa số đảng viên; chưa có kế hoạch triển khai cụ thể; chưa có biện pháp tổ chức thực hiện quy chế một cách đồng bộ từ cấp trên. Việc tuyên truyền, học tập sâu rộng trong Đảng để mọi đảng viên hiểu và thực hiện quyền và trách nhiệm của mình để thực hiện chất vấn còn yếu. Các tổ chức Đảng chưa mạnh dạn đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự các kỳ họp của Ban Chấp hành, trong khi bị giới hạn bởi thời gian hoạt động của các kỳ họp. Còn có tâm lý e ngại, chưa được khuyến khích để việc chất vấn trở thành sinh hoạt bình thường trong Đảng. Để thực hiện tốt nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng giai đoạn hiện nay cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Nâng cao nhận thức của đảng viên về chất vấn trong Đảng
Cần phải bảo đảm cho các đảng viên quán triệt, hiểu rõ nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với hoạt động chất vấn trong Đảng. Qua công tác chất vấn, công việc của các cấp ủy đến được với đông đảo đảng viên và người dân, tạo được sự đồng thuận trong Đảng bộ, nhân dân để mọi người cùng chung sức thực hiện.
Thực hiện chất vấn trong Đảng đang là một đòi hỏi bức thiết, có thể có những người e ngại chất vấn, nhưng cũng có những người không quan ngại chức vụ, quyền hạn hoặc những người thật sự mong muốn giữ trong sạch Đảng sẽ mạnh dạn chất vấn. Quyền hạn phải gắn với trách nhiệm, qua chất vấn sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của người trả lời chất vấn lẫn người chất vấn.
2. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Quy chế chất vấn trong Đảng, xây dựng cơ chế để đảng viên chất vấn về hoạt động của tổ chức Đảng ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức
Để Quy chế chất vấn trong Đảng đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tăng cường giáo dục nhận thức cho các tổ chức Đảng và đảng viên phải bổ sung, sửa đổi Quy chế, xây dựng cơ chế để mọi đảng viên bình thường được thực hiện chất vấn tại các hội nghị của Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời, xây dựng thêm những quy định chế độ trách nhiệm, xác định hệ thống chế tài xử lý các vi phạm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như: Xây dựng quy trình chất vấn trong các hội nghị của Đảng, quy định chế tài cao nhất của chất vấn trong Đảng...
Trong quá trình tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, nếu phát hiện người bị chất vấn có sai phạm thì cấp ủy phải chỉ đạo xử lý theo các quy định của Đảng. Cụ thể, có một số vấn đề cần xác định rõ như sau:
a. Mở rộng phạm vi, đối tượng chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng: Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên (trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước). Quy chế chất vấn quy định việc chất vấn và trả lời chất vấn trong Đại hội Đảng bộ các cấp, hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, chi bộ và các hội nghị của Đảng có các đồng chí cấp ủy cấp trên tham dự; được áp dụng đối với đảng viên, cấp ủy viên, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng viên các cấp trong phạm vi Đảng bộ mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình. Tổ chức Đảng, đảng viên là đối tượng chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời chất vấn của mình.
b. Mở rộng nội dung chất vấn và trả lời chất vấn: Nội dung chất vấn chủ yếu là những vấn đề bức xúc được đảng viên đề xuất đưa vào trong chương trình hội nghị được thông báo trước và những vấn đề liên quan nảy sinh trong quá trình chất vấn tập trung vào những vấn đề cụ thể như sau:
- Đối với tổ chức Đảng: Việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của cấp trên và của cấp mình. Việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đảng cấp dưới quán triệt, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy và công tác cán bộ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, công tác xây dựng Đảng của cấp mình và của tổ chức Đảng cấp dưới trực tiếp.
- Đối với đảng viên: Việc thực hiện tiêu chuẩn, nhiệm vụ đảng viên, tiêu chuẩn và nhiệm vụ cấp ủy viên (nếu là cấp ủy viên), nhiệm vụ được giao. Về việc giữ gìn phẩm chất, thực hiện những điều đảng viên không được làm.
c. Đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn: Chất vấn được tiến hành tại các hội nghị của Đảng theo quy định, bằng hình thức hỏi bằng văn bản hoặc hỏi trực tiếp. Người chất vấn gửi ý kiến chất vấn trước khi tổ chức hội nghị để chủ trì hội nghị xem xét, quyết định việc tổ chức trả lời chất vấn. Đảng viên không phải là thành viên của hội nghị cấp ủy các cấp mà có yêu cầu chất vấn (đúng với các nội dung đã quy định) được phép tham dự (trong thời gian chất vấn) để thực hiện quyền chất vấn của đảng viên. Trong chương trình hội nghị tùy thuộc vào số lượng và nội dung chất vấn mà dành thời gian thích hợp để chất vấn và trả lời chất vấn.
Quy trình cho việc chất vấn có thể theo các bước như sau:
Bước 1, thu thập và phân tích thông tin, người chất vấn cần có những thông tin chính xác khi muốn chất vấn một vấn đề nào đó;
Bước 2, lựa chọn vấn đề chất vấn, chọn những vấn đề được chất vấn theo quy định có tính điển hình, bức xúc mà công tác xây dựng đảng yêu cầu;
Bước 3, gửi chất vấn đến chủ trì hội nghị đúng thời gian, địa chỉ;
Bước 4, theo dõi việc phân bổ lịch, thời gian được chất vấn tại hội nghị;
Bước 5,trình bày chất vấn, ngắn gọn, rõ ràng;
Bước 6, theo dõi trả lời chất vấn, đưa câu hỏi bổ sung;
Bước 7, đề nghị thảo luận về vấn đề được đưa ra chất vấn nếu thấy cần thiết;
Bước 8, kiến nghị các chế tài sau chất vấn. Trước khi chất vấn, chủ trì hội nghị công bố trình tự những vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn để người chất vấn và người trả lời chất vấn chủ động chuẩn bị. Người trả lời chất vấn trả lời đầy đủ các nội dung chất vấn và xác định rõ trách nhiệm, biện pháp khắc phục (nếu có).
Đối tượng chất vấn là đảng viên, cấp ủy viên phải trực tiếp trả lời chất vấn, không được ủy quyền người khác trả lời. Đối tượng chất vấn là tổ chức Đảng thì phải trao đổi, thống nhất ý kiến và cử người trực tiếp trả lời theo ý kiến đã thống nhất trong tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy. Nếu người đứng đầu có mặt thì trực tiếp trả lời chất vấn; nếu người đứng đầu vắng mặt thì ủy quyền cấp phó của mình trả lời. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, cấp ủy viên, đảng viên trả lời chất vấn chịu trách nhiệm về nội dung đã trả lời chất vấn. Nếu nội dung trả lời chất vấn vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định tại Quy chế chất vấn trong Đảng thì tổ chức Đảng quản lý cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên đó xem xét, xử lý tổ chức Đảng hoặc cấp ủy viên, đảng viên trả lời chất vấn theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu người chất vấn chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì đặt thêm câu hỏi có nội dung cụ thể, ngắn gọn, liên quan đến nội dung chất vấn. Người trả lời chất vấn trả lời trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu đã trả lời hai lần mà người chất vấn vẫn chưa đồng ý thì chủ tọa hội nghị căn cứ vào mức độ rõ ràng của nội dung đã trả lời chất vấn để quyết định có trả lời tiếp hay không. Trường hợp vấn đề chất vấn có nội dung phức tạp cần thời gian để xem xét, kiểm tra lại thì chủ trì hội nghị quyết định trả lời bằng văn bản hoặc trả lời tại kỳ họp kế tiếp. Chủ trì hội nghị chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
d. Tăng cường chế tài của chất vấn
- Bỏ phiếu tín nhiệm: Với Quốc hội, chất vấn có tác động lớn đối với xã hội. Ở Việt Nam, việc truyền hình trực tiếp những buổi trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trong Chính phủ tạo nên công luận trong xã hội. Chế tài cao nhất mà hoạt động chất vấn có thể dẫn đến là bỏ phiếu tín nhiệm. Tác dụng lớn nhất của chất vấn là tạo nên áp lực để các Bộ trưởng làm việc tốt hơn. Từ đó, có thể thấy chế tài cao nhất của việc chất vấn trong Đảng cũng phải là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với tổ chức Đảng, đảng viên trả lời chất vấn.
- Trường hợp người trả lời chất vấn cố tình giải trình vấn đề không đúng sự thật, không giải trình thẳng vào nội dung chất vấn mà vòng vo, né tránh hoặc không giải trình đủ những nội dung chất vấn thì chủ trì hội nghị nhắc nhở, phê bình hoặc yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm nếu có chứng cứ sai phạm nghiêm trọng.
- Trong quá trình chất vấn, trả lời chất vấn, xác minh sau chất vấn, nếu kết luận người bị chất vấn có sai phạm thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý kịp thời theo các quy định của Đảng. Khi cần thiết, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của đối tượng chất vấn.
- Nếu phát hiện có định kiến, đố kỵ với người chất vấn sau chất vấn sẽ bị xử lý theo quy định xử lý đảng viên vi phạm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được đảng viên và dư luận xã hội hưởng ứng và đặc biệt quan tâm. Chất vấn trong các hội nghị của Đảng là việc làm cụ thể nhưng rất hệ trọng vì thuộc về nguyên tắc của Đảng, do vậy, khi xây dựng cơ chế để đảng viên thực hiện quyền chất vấn cần phải cẩn trọng, tránh khuynh hướng dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan. Chất vấn tốt sẽ tạo điều kiện cho tự phê bình và phê bình tốt, tạo môi trường cho việc chỉnh đốn Đảng, giảm thiểu đơn thư tố cáo, đơn thư nặc danh, tăng cường sự đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
(1) Khoản 3 Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI). (2) "Thực tế khi chúng tôi (VOV) khi tiến hành phỏng vấn về nội dung chất vấn trong Đảng cũng gặp không ít khó khăn, vì có cán bộ đảng viên tuy biết nhưng tế nhị từ chối, hoặc có người được hỏi thì trả lời rất khó khăn, do họ chưa hiểu chất vấn trong Đảng như thế nào, nên bắt đầu từ đâu? Quyền và nghĩa vụ của người chất vấn và trả lời chất vấn ra sao? Thậm chí còn có cán bộ lãnh đạo chuyên trách công tác Đảng ở một địa phương trong nội dung trả lời phỏng vấn dường như chưa biết đến quy chế này". Theo (VOV online cập nhật 20-3-2012). |
Trương Kim Sơn
(Phó Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương)