Kinh nghiệm quốc tế về nhiệm kỳ và bãi miễn chức vụ thẩm phán

Thứ Sáu, 11/04/2014, 14:47 [GMT+7]
Thẩm phán là những người có địa vị pháp lý cao, biểu hiện của nền công lý quốc gia, thực hiện quyền xét xử của Nhà nước theo pháp luật. Pháp luật của mỗi quốc gia đều có những quy định chặt chẽ về Thẩm phán, trong đó quy định về miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán. 
Nhiệm kỳ Thẩm phán ở các nước trên thế giới chủ yếu phân thành hai loại: chế độ suốt đời (chính xác hơn là cho đến tuổi nghỉ hưu) và chế độ nhiệm kỳ; cũng có nước áp dụng cả hai chế độ.
Chế độ suốt đời là một khi được bổ nhiệm (hoặc bầu cử) làm Thẩm phán tức là được bổ nhiệm (hoặc bầu cử) suốt đời; nếu không có nguyên nhân được pháp luật quy định thì không được bãi miễn chức vụ. Đại đa số các nước trên thế giới thực hiện chế độ bổ nhiệm (hoặc bầu cử) Thẩm phán suốt đời như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Bỉ, Ai-len, Lúc-xăm-bua, Canada, Mê-hi-cô, Ấn Độ, Thái Lan v.v... nhưng trong đó lại hạn chế nhiệm kỳ đối với Thẩm phán của một số Toà án như nhiệm kỳ của Thẩm phán Toà án Hiến pháp Ý là 9 năm và không được làm nhiều nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ của Thẩm phán mới của Mê-hi-cô là 6 năm, hết hạn có thể làm tiếp nhiệm kỳ hoặc lên chức, tức là Thẩm phán suốt đời.
Các nước thực hiện chế độ Thẩm phán suốt đời đại đa số đều có quy định tuổi về hưu. Ngày 22 tháng 10 năm 1982 tại New Delhi - Ấn Độ thông qua “Luật tiêu chuẩn tối thiểu về độc lập Tư pháp của Hiệp hội giới luật pháp quốc tế” cũng cho rằng, chế độ Thẩm phán suốt đời cần hạn chế bằng cách cưỡng chế nghỉ hưu. Chỉ có một số ít nước như Bỉ, Bồ Đào Nha quy định chế độ Thẩm phán suốt đời không cần phải nghỉ hưu; cũng có một số nước quy định có thể kéo dài thời hạn nghỉ hưu hoặc có nghỉ hưu hay không phải do chính bản thân Thẩm phán quyết định.
Chế độ nhiệm kỳ là việc giữ chức vụ Thẩm phán có kỳ hạn nhất định. Quy định của các nước về kỳ hạn cụ thể không giống nhau; kỳ hạn Thẩm phán của các cấp xét xử khác nhau cũng không giống nhau. Một số nước quy định Thẩm phán có thể làm nhiều nhiệm kỳ, nhưng nhiệm kỳ đều tương đối dài. Nhiệm kỳ của Thẩm phán Toà án liên bang Thụy Sĩ là 6 năm; nhiệm kỳ của Thẩm phán Toà án tối cao Panama là 18 năm, Thẩm phán các cấp của Nhật đều có nhiệm kỳ 10 năm, mỗi nhiệm kỳ đều phải sát hạch một lần, sau khi thông qua có thể được tái bổ nhiệm. Các nước khác cũng có quy định tương tự. 
Một số nước như Mỹ, Vê-nê-xu-ê-la vừa áp dụng chế độ Thẩm phán suốt đời vừa thực hiện chế độ nhiệm kỳ. Ở Mỹ, tất cả Thẩm phán Toà án liên bang và Thẩm phán Toà án của 7 bang là chế độ giữ chức vụ suốt đời, còn Thẩm phán của đại đa số các bang thực hiện chế độ nhiệm kỳ. Quy định của các bang về nhiệm kỳ dài ngắn không giống nhau, nói chung nhiệm kỳ là từ 4 đến 15 năm, đa số là 6 - 8 năm. 
Ở Trung Quốc, pháp luật chỉ quy định thời gian nhậm chức của Chánh án Toà án nhân dân các cấp là có kỳ hạn (nhiệm kỳ của Chánh án Toà án tối cao, Toà án địa phương các cấp, Toà án quân sự và Toà án hải sự là 5 năm; khi hết nhiệm kỳ có thể ứng cử tiếp và tiếp tục giữ chức vụ, nhưng Chánh án Toà án tối cao chỉ có thể nhậm chức trong 2 nhiệm kỳ). Đối với chức vụ Thẩm phán cũng như các chức vụ khác ngoài Chánh án, pháp luật Trung Quốc không quy định rõ áp dụng chế độ nhiệm kỳ hay chế độ suốt đời, nhưng cũng có quy định về việc bãi miễn chức vụ Thẩm phán trong một số trường hợp.
Bất luận là thực hiện chế độ giữ chức vụ suốt đời hay chế độ nhiệm kỳ thì tuyệt đa số các nước đều thực hiện chế độ “không thể thay đổi” đối với Thẩm phán tại chức, tức là trước khi hết nhiệm kỳ, với những nguyên nhân không theo luật định thì không được bãi miễn, cách chức hoặc ra lệnh cho họ phải về hưu. 
“Luật tiêu chuẩn tối thiểu về độc lập Tư pháp của Hiệp hội giới luật pháp quốc tế” quy định: “Thẩm phán trừ khi do vụ án hình sự, do sơ suất lớn hoặc thông thường do sức khoẻ không tốt đã thể hiện rõ không thích hợp với chức vụ Thẩm phán, nếu không không được bãi chức”; “nguyên nhân bãi chức Thẩm phán cần căn cứ vào quy định của văn bản pháp luật”; nguyên nhân, điều kiện cách chức Thẩm phán đương chức tuyệt đại đa số các nước đều có quy định rõ ràng. Hiến pháp liên bang Mỹ quy định: “Thẩm phán trừ khi vi phạm pháp luật, phạm tội bị phế truất hoặc tự động từ chức, nếu không chức vụ của họ là suốt đời”. Luật của Toà án Nhật Bản cũng quy định: “Thẩm phán trừ khi do công khai bị phế truất hoặc do trường hợp căn cứ vào Luật của Viện kiểm sát và căn cứ vào quy định khác của pháp luật bị xét xử hoặc do sức khỏe không tốt không thể thực hiện chức vụ, nếu không không được bãi chức, điều động công tác, đình chỉ chức vụ hoặc giảm thù lao”. Mê-hi-cô quy định chỉ có phạm tội bị tước quyền tự do mới bị bãi chức. Ở Anh quy định các Thẩm phán Toà án cao cấp chỉ có phạm tội nghiêm trọng mới có thể bị cho thôi chức vụ. Ở Trung Quốc, theo quy định tại Điều 13 Luật Thẩm phán thì Thẩm phán có một trong các hoàn cảnh sau đây cần đề nghị thôi chức theo luật định: mất quốc tịch Cộng hoà nhân dân Trung Hoa; điều đi khỏi Toà án; chức vụ biến động, không cần bảo lưu chức vụ cũ; qua sát hạch xác định không xứng đáng với chức vụ; vì lý do sức khoẻ trong một thời gian dài không thể thực hiện được chức vụ; nghỉ hưu; từ chức hoặc bị sa thải; do vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, phạm tội không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ được nữa. Các nước khác như Braxin, Đức, Thái Lan, Ấn Độ, Ý... cũng đều có quy định về vấn đề này.
Đại đa số các nước đều đưa ra những quy định nghiêm khắc tương ứng về quyền hạn bãi miễn chức vụ của Thẩm phán và trình tự của nó. Hiến pháp liên bang Mỹ quy định việc xoá bỏ chức vụ Thẩm phán liên bang phải căn cứ vào trình tự phế truất thông qua Thượng viện và Hạ viện mới có thể thực hiện được. Hiến pháp Ấn Độ quy định trừ khi cả hai Viện cùng trình lên Tổng thống bản tường trình, Tổng thống mới có thể hạ lệnh bãi miễn chức vụ của Thẩm phán Toà án cao cấp và Toà án tối cao, mà bản tường trình nói trên lại phải được hai Viện thông qua với số phiếu quá bán của toàn thể nghị sĩ và số nghị sĩ có mặt để bỏ phiếu phải chiếm 2/3 tổng số nghị sĩ mới có thể trình lên Tổng thống. Ở Anh lại yêu cầu, nếu không được Thượng nghị viện và Hạ nghị viện nhất trí thông qua thì không được bãi chức Thẩm phán Toà án cao cấp. Có nước còn quy định rất rõ ràng rằng: bổ nhiệm và bãi miễn Thẩm phán là quyền hạn thống nhất, như Thẩm phán Thái Lan do Quốc vương bổ nhiệm nên bãi miễn hoặc cho Thẩm phán nghỉ hưu cũng phải do Quốc vương ra quyết định. Thẩm phán Toà án các cấp của Triều Tiên do chính Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Thẩm phán đó bãi miễn. Việc bãi chức Thẩm phán Toà án sơ cấp ở Mê-hi-cô do chính Hội nghị toàn thể Toà án cao cấp đã bổ nhiệm Thẩm phán đó quyết định. Việc bãi chức Thẩm phán Toà án trị an địa phương ở Anh cũng phải do Đại Thẩm phán đã bổ nhiệm Thẩm phán đó quyết định.
Ở Việt Nam, Khoản 5 Điều 40 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 quy định “Nhiệm kỳ của Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án Quân sự là 5 năm”. Khi nhiệm kỳ kết thúc, thẩm phán cần phải được tái bổ nhiệm mới có thể tiếp tục làm thẩm phán. Độ tuổi nghỉ hưu của thẩm phán được áp dụng thống nhất theo quy định của Bộ luật lao động: nam giới làm việc đến 60 tuổi, nữ giới làm việc đến 55 tuổi. 
Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 có nêu nhiệm vụ “Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”. Theo Khoản 3 Điều 105 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định”. 
Cụ thể hóa Hiến pháp và thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hiện nay trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Tòa án nhân dân tối cao đề xuất nhiệm kỳ của Thẩm phán với hai phương án là:    
Phương án 1: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán khác là 5 năm; nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Phương án 2: Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn; nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án khác là 10 năm.
Về độ tuổi nghỉ hưu của thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Độ tuổi của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được làm việc đến 70 tuổi không phân biệt nam, nữ; Thẩm phán khác được làm việc đến 65 tuổi không phân biệt nam, nữ.
Phương án 2: Đề nghị không quy định tuổi làm việc của thẩm phán trong Luật này vì tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu đối với các công chức, viên chức nói chung cần được áp dụng thống nhất theo quy định của Bộ luật lao động.
Những tư liệu về nhiệm kỳ và bãi miễn thẩm phán của một số nước trên thế giới trên đây hi vọng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến góp ý đối với Luật tổ chức Tòa án nhân dân tối cao (sửa đổi) về nhiệm kỳ thẩm phán và bãi miễn thẩm phán.
Bích Hằng
 
;
.