Kết quả thực hiện công tác thi hành án dân sự năm 2013
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
1. Những kết quả đạt được
Về kết quả thi hành án dân sự
- Về việc, tổng số việc phải thi hành là 656.111 việc, tăng 76.193 việc (13%) so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả xác minh, phân loại có 520.674 việc có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 79,36%), tăng 123.258 việc (10,86%) so với cùng kỳ và 135.133 việc chưa có điều kiện thi hành. Đã thi hành xong 356.701 việc, tăng 65.863 việc (22,6%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt tỷ lệ 68,51% (thấp hơn 4,67% so với cùng kỳ năm 2012).
Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh |
- Về tiền, tổng số tiền phải thi hành là 64.266 tỷ 467 triệu 381 nghìn đồng, tăng 23.410 tỷ 310 triệu 25 nghìn đồng (57,3%) so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả xác minh, phân loại, có 41.986 tỷ 289 triệu 63 nghìn đồng có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 65,33%), tăng 26.107 tỷ 213 triệu 333 nghìn đồng (164,4%) so với cùng kỳ và 22.279 tỷ 816 triệu 393 nghìn đồng chưa có điều kiện thi hành. Đã thi hành được trên 18.037 tỷ đồng, tăng 10.682 tỷ đồng (145,2%) so với cùng kỳ năm 2012, đạt tỷ lệ 42,96% (thấp hơn 3,34% so với cùng kỳ năm 2012).
Riêng kết quả xử lý tài sản đã kê biên để bảo đảm thi hành án, trong số vụ việc đang thi hành dở dang, số vụ việc đã kê biên tài sản, định giá lại và bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý được là 11.795 việc (chiếm 8,2% số việc đang thi hành dở dang), tương ứng với số tiền là 8.260 tỷ 220 triệu 324 nghìn đồng (chiếm 41,9%).
- Về thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam: số việc thụ lý là 71.445 việc, tương ứng với số tiền 2.439 tỷ 935 triệu 193 nghìn đồng; đã thi hành xong 36.050 việc (đạt tỷ lệ 50,5%) và thu được 310 tỷ 745 triệu 80 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 12,7%).
- Về kết quả miễn, giảm thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân rà soát và lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án đối với 3.765 việc với số tiền là 18 tỷ 815 triệu 124 nghìn đồng (giảm 2.515 việc và 15 tỷ 927 triệu 913 nghìn đồng so với cùng kỳ). Đã thực hiện miễn, giảm được 2.203 việc, với số tiền 13 tỷ 126 triệu 136 nghìn đồng, giảm 1.720 việc và 12 tỷ 462 triệu 36 nghìn đồng so với cùng kỳ.
Kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án
Về cơ bản, hầu hết các vụ việc tổ chức cưỡng chế bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thành công, không có vụ việc nào để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 8.275 trường hợp (giảm 530 trường hợp so với cùng kỳ), do có 889 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án nên số việc phải tổ chức cưỡng chế là 7.386 trường hợp (tăng 660 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó, có 5.121 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
Trong 10 tháng qua, Bộ Tư pháp và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tiếp hàng nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh nội dung liên quan đến việc thi hành án dân sự (riêng Bộ Tư pháp tiếp gần 1.000 lượt, tương đương với cùng kỳ 2012).
Tổng số đơn, thư khiếu nại tố cáo tiếp nhận của toàn ngành là 7.278 đơn, tương ứng với 5.385 việc, tăng 1.165 đơn (19%) so với cùng kỳ năm 2012; đã giải quyết 5.137/5.385 việc, đạt tỷ lệ 95,4%; số việc đang tiếp tục giải quyết là 248 việc. Qua theo dõi cho thấy, các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, An Giang, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Thuận…
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã tổ chức 27 Đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xác minh, đối thoại với đương sự, làm việc với cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để tìm hướng giải quyết đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Đến nay, đã giải quyết được 43/54 vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, tồn đọng, kéo dài, còn 11 vụ việc đang giải quyết và 14 vụ mới phát sinh trong năm 2013.
2. Một số hạn chế, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án năm 2013 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là:
- Số việc và tiền đã thi hành xong đạt tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ năm 2012 và còn thiếu nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao; số chuyển kỳ sau vẫn còn nhiều; còn 11 vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài; 14 vụ việc mới phát sinh và một số vụ việc được dư luận quan tâm nhưng chưa xử lý dứt điểm được. Vẫn còn lượng án gần 50 nghìn việc, với giá trị gần 700 tỷ đồng thuộc diện không thể thi hành được.
- Việc đánh giá, kiểm soát chính xác kết quả thực hiện một số chỉ tiêu mang tính định tính hoặc tuyệt đối hóa do Quốc hội giao còn gặp khó khăn, đòi hỏi phải tăng cường nhiều nguồn lực cho công tác chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát.
- Việc triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại còn chậm so với yêu cầu.
- Tiến độ xây dựng một số văn bản về thi hành án dân sự còn chậm so với kế hoạch; cá biệt có văn bản chưa được cân nhắc thấu đáo, thời điểm trình chưa thích hợp nên không đạt hiệu quả.
- Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành còn chưa nghiêm; số lượng cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật vẫn còn nhiều; việc chuyển, xếp ngạch Chấp hành viên, Thẩm tra viên còn chậm so với yêu cầu. Vai trò của một số Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong việc chỉ đạo tổ chức cưỡng chế còn chưa thực sự quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.
- Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi hành án, nhất là về trụ sở làm việc và kho vật chứng.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
- Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa chủ động trong công việc, cá biệt có trường hợp sa sút, yếu kém về phẩm chất đạo đức, bị xử lý kỷ luật. Công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo một số cơ quan Thi hành án dân sự còn thiếu quyết liệt, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn có ý còn chưa cao.
- Số việc và tiền thụ lý mới tăng rất cao so với cùng kỳ; tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều vụ việc phải thi hành với giá trị lớn nhưng không có điều kiện thi hành. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, dẫn đến còn nhiều tài sản kê biên, với giá trị lớn không bán được. Vẫn còn tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; một số vụ việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền nhưng chậm có kết quả, dẫn đến khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
- Một số bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời (không đồng bộ giữa Luật thi hành án dân sự, Luật nhà ở, Luật dân sự trong việc xác định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản; các quy định về thẩm định giá và bán đấu giá tài sản; quy định về việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đã bán, chuyển đổi…).
- Nguồn tuyển dụng công chức tại một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn; trong khi thi hành án là công việc nhạy cảm, phức tạp, nhiều rủi ro, chế độ đãi ngộ đối với công chức thi hành án dân sự còn thấp, do đó, chưa thu hút người có năng lực, trình độ vào công tác trong ngành.
- Ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân phải thi hành án rất kém; nhiều người thi hành án khiếu nại vượt cấp nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, thậm chí là chống đối quyết liệt gây khó khăn cho việc tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Nguyễn Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)