Kinh nghiệm truy tố tội phạm tham nhũng tại Chile

Thứ Hai, 10/06/2013, 11:02 [GMT+7]

Cộng hoà Chile là một trong những quốc gia ổn định và thịnh vượng nhất Nam Mỹ, dẫn đầu châu Mỹ La tinh về chỉ số phát triển con người, sức cạnh tranh, sự ổn định chính trị, chỉ số nhận thức tham nhũng tương đối thấp. Quốc gia này luôn quan tâm, chú trọng nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng mà một trong những giải pháp là chú trọng công tác truy tố tội phạm tham nhũng.

1. Thành lập Cơ quan xét xử, truy tố độc lập

 Hệ thống xét xử tội phạm của Chile được điều chỉnh sau hàng loạt những cải tổ bắt đầu từ năm 1999. Những cải tổ này đã dẫn đến việc thành lập một cơ quan xét xử, truy tố độc lập với dịch vụ hỗ trợ pháp lý và quy trình xử lý hình sự mới, thay thế cho hệ thống pháp lý trước đây. Văn phòng Công tố (PPO) là một bộ phận hoàn toàn độc lập phụ trách điều tra và truy tố các hoạt động tội phạm, bao gồm tham nhũng, rửa tiền. Người đứng đầu là Trưởng Công tố quốc gia do Tổng thống Chile chỉ định và được Thượng viện phê chuẩn từ danh sách 5 ứng cử viên do Tòa án tối cao đề cử. Trong PPO, có 6 phòng tập trung xử lý các vấn đề về chính sách, xây dựng năng lực và cải thiện việc hỗ trợ kỹ thuật cho các công tố viên các vùng. Một trong những bộ phận của cơ quan này là Phòng Phụ trách chống tham nhũng. Có tổng cộng 18 văn phòng công tố vùng, mỗi vùng đứng đầu bởi một trưởng công tố với tổng cộng 647 công tố viên. Trong số này có 63 công tố viên tập trung vào lĩnh vực chống tham nhũng và 64 công tố viên tập trung vào hoạt động rửa tiền và tội phạm có tổ chức. Công tố viên thuộc PPO có thể ban hành các chỉ thị chung nhưng không được can thiệp vào hoạt động điều tra và xét xử các vụ việc cụ thể.

Đất nước Chile
Đất nước Chile

Phòng Chống tham nhũng có các chuyên viên làm việc trong hai lĩnh vực: Phân tích pháp lý và phân tích kế toán tài chính. Các nhân viên này sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tố viên, chủ yếu trong các vụ việc mang tính phức tạp. Các tội danh chính liên quan đến tham nhũng được quy định cụ thể là tội biển thủ, lạm dụng quỹ công, gian lận liên quan đến đất đai, nhận hoặc đưa hối lộ quan chức Chính phủ và quan chức nước ngoài, tội gây ảnh hưởng thương mại, lạm dùng quyền hạn tư lợi cá nhân. Hình phạt cho những tội danh này là sự kết hợp giữa việc bị ngồi tù, cách chức đối với cơ quan nhà nước hoặc hình thức phạt tiền.

2. Thành lập Bộ phận điều tra chuyên biệt

Chile là quốc gia có tỷ lệ tội phạm liên quan đến tham nhũng bị điều tra khá thấp, chỉ chiếm 0,1% trong tổng số các loại hình tội phạm được ghi nhận. Con số này được duy trì tương đối ổn định trong vòng 10 năm qua. Thủ tục điều tra tội phạm đòi hỏi PPO công bố chính thức các cuộc điều tra và thời gian điều tra một vụ việc tối đa 2 năm tùy thuộc vào tính chất phức tạp của từng vụ. Trước khi chính thức mở cuộc điều tra, các công tố viên tiến hành điều tra sơ bộ nhưng không được vi phạm giới hạn điều tra. Khi cuộc điều tra chính thức bắt đầu, giới hạn về thời gian điều tra sẽ được áp dụng.

Kỹ thuật điều tra chống tham nhũng cơ bản đối với công tố viên bao gồm thành lập bộ phận điều tra chuyên biệt (bao gồm các công tố viên và cảnh sát điều tra) cho các vụ việc cụ thể. Công tác điều tra sẽ được tạo điều kiện thuận lợi khi được quyền tiếp cận thông tin về các loại hình tài sản khác nhau, thuế, các khoản đầu tư về Công nghệ thông tin trong các năm gần đây. Luật của Chile cũng quy định rõ cơ chế bảo vệ nhân chứng, tìm kiếm và giữ nhân chứng thực hiện công việc tại tòa. Các công tố viên cũng có thể yêu cầu tòa phúc thẩm cho phép tiếp cận với các thông tin mật bị giới hạn sau khi bị các nhà chức trách từ chối. PPO cũng có thể tiếp cận với các thông tin về tài khoản cá nhân trong ngân hàng sau khi được phê duyệt của các thẩm phán trưởng. Các nhân viên mật vụ không được phép tham gia vào điều tra các vụ việc tham nhũng, nhưng thủ tục này sẽ không áp dụng với các vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy và rửa tiền.

3. Thành lập Tổ chức chuyên điều tra tội phạm quan chức

PPO đã đề xuất thành lập một tổ chức chuyên điều tra tội phạm quan chức. Đây sẽ là nền móng cho việc điều tra và truy tố các vụ việc có liên quan đến quan chức cấp cao, đòi hỏi có sự hợp tác từ nhiều cơ quan trong một khoảng thời gian tương đối dài, tương tự như “lực lượng đặc biệt” tại một số nước. Đề xuất xây dựng lực lượng đặc biệt cho các vụ việc dính líu đến quan chức tạo thuận lợi cho quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, ma túy, rửa tiền và tội phạm có tổ chức, đặc biệt nếu lực lượng này huy động được sự hợp tác từ PPO, cảnh sát và các tổ chức có liên quan trong quá trình điều tra và tính liên tục của nhân sự tham gia các vụ việc.

4. Kết án dựa vào chứng cứ chi tiết và trực tiếp

Tòa án thường yêu cầu có chứng cứ chi tiết để kết tội ai đó tội tham nhũng; đối với quan chức cấp cao, điều này còn đòi hỏi chi tiết hơn. Do Tòa án tại Chile có xu hướng kết án dựa vào các chứng cứ trực tiếp, hơn là giả thiết, một số kỹ thuật điều tra như nghe trộm điện thoại là cần thiết để điều tra các vụ tham nhũng. Chính vì vậy, hành lang pháp lý để những kỹ thuật này có thể được công tố viên xây dựng một nền tảng vững chắc để vượt qua những yêu cầu khắt khe của tòa án. Việc chuyển đổi pháp lý cần phải được thực hiện để cho phép sử dụng các kỹ thuật này trong các vụ án tham nhũng. Mặc dù có sự  hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, PPO vẫn gặp nhiều khó khăn trong các vụ việc điều tra phức tạp, đặc biệt là các vụ án dính líu đến quan chức, lãnh đạo kinh doanh. Mặt khác, nếu không có một nhóm chuyên trách, việc phải làm việc với nhiều bị cáo, nhân chứng cũng khá thách thức.

 5. Vụ việc điển hình tham nhũng, vụ “Chương trình tạo việc làm” (gọi tắt là EGP)

 Chương trình EGP được thực hiện nhằm làm giảm tình trạng thất nghiệp ở Chile, đem lại lợi ích cho những người thất nghiệp, chủ gia đình có một nền giáo dục cơ bản. Chính vì vậy, một nguồn ngân sách nhất định đã được dành để tạo việc làm cho người thất nghiệp trên cả nước, với các công việc như làm vườn, quét dọn đường phố. Trong lĩnh vực này, chính quyền các địa phương phân bổ nguồn ngân sách thông qua các công ty trực tiếp thuê nhân công, giám sát công việc của họ và trả lương. Trong trường hợp cụ thể này, giá trị hợp đồng có giá trị lên tới 200 ngàn USD. Cùng vào thời điểm trên, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống và quốc hội ở Chile đang diễn ra. Chính vì vậy, một vài quan chức phụ trách chương trình tranh cử, sau khi được sự nhất trí của một số ứng cử viên Quốc hội, đã sử dụng nguồn ngân sách từ EGP để trả lương cho các nhân viên tổ chức chương trình tranh cử, trong khi không hề phát triển các chương trình tạo việc làm, dùng quỹ công để làm tư lợi cho các ứng viên, thay vì cộng đồng.

Cuộc điều tra đã được tiến hành trong vòng 2 năm; hàng trăm các hóa đơn đã được thu thập, nhiều báo cáo của các chuyên gia tài chính đã được phân tích để chứng minh trách nhiệm của các quan chức, các công ty tư nhân, các ứng viên và nhân viên của họ. Do Hiến pháp Chile quy định các đại biểu quốc hội được miễn trừ khỏi các cáo trạng và không bị tống giam, trước khi cáo trạng được thực hiện, Văn phòng Công tố (PPO) đã yêu cầu Tòa Phúc thẩm không áp dụng quy định trên trọng vụ án này và đã được Tòa Phúc thẩm đồng ý. Mặc dù các đối tượng đã kháng cáo lên tòa tuy nhiên quyết định cuối cùng đã được phê chuẩn. Chính vì vậy, điều rất rõ ràng là chứng cứ đã được thu thập đầy đủ để chứng minh trách nhiệm tội phạm. Tuy nhiên, tại tòa, chỉ có 10 người liên quan và người thân của ứng viên bị truy tố, ngoại trừ ứng viên. Tòa kết luận không có đủ chứng cứ chứng minh là ứng viên nữ biết trước rằng các nhân viên vận hành chương trình tranh cử sẽ được trả lương bằng quỹ công và tòa án đã tuyên vô tội, yêu cầu Văn phòng Công tố đưa ra bằng chứng cụ thể hơn, một điều gần như không thể. Trong vụ việc này, nhiều vấn đề khác cũng đã nảy sinh khi các bị cáo đều có nhiều tình tiết và các thủ tục khác nhau cần được áp dụng cho từng người. Chính vì vậy, PPO đã mất nhiều thời gian trong vụ án, phải thực hiện chứng minh một sự việc nhiều lần. Tuy nhiên, cuối cùng, việc kết án được thực hiện chủ yếu dựa vào bản chất gian lận và đã đưa vụ việc ra ánh sáng.

                                                                               Thu Huyền

                                                                  (Ban Nội chính Trung ương)

;
.