Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013

Thứ Tư, 18/09/2013, 15:32 [GMT+7]

1. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013

Trong 8 tháng năm 2013, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, cụ thể như sau:

- Các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, tạo cơ sở pháp lý ngày càng tốt hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

- Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức; thực hiện tinh giản biên chế; công khai, minh bạch hoạt động; tiếp tục tiến hành kê khai và công khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác và xử lý trách nhiệm người đứng đầu…

- Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã được tăng cường, kiện toàn về tổ chức, biên chế, trang thiết bị, cơ sở vật chất. Một số vụ án tham nhũng đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước đã được các cơ quan chuyên trách ở Trung ương phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Ban tổ chức Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 đã trao giải cho 24 đề án xuất sắc nhất
Ban tổ chức Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 đã trao giải cho 24 đề án xuất sắc nhất

- Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần làm rõ nhiều sai phạm, sơ hở, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể: ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ/80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể/28 cá nhân, chuyển Cơ quan điều tra hình sự 11 vụ/34 đối tượng. Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án/847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ/568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ/97 bị can); thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng; 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng; tài sản kê biên 01 thiết bị lặn Tinro2. Đã kết luận điều tra 255 vụ/581 bị can; đình chỉ điều tra 7 vụ/6 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ/23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ/230 bị can. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 355 vụ/803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ/202 bị can so với cùng kỳ năm 2012); 19 vụ/30 bị can đã đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ/584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%). Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả phạm tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

2. Một số tồn tại, hạn chế

Tuy đã đạt một số kết quả tích cực nhưng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, gây bức xúc trong dư luận xã hội và người dân. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, làm giảm niềm tin của nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng.

- Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật nhìn chung còn chậm, chưa kịp thời, không ít quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng (như quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nghĩa vụ giải trình đối với tài sản tăng thêm và cơ chế xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc, việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng). Một số quy định qua áp dụng đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chậm được khắc phục (quy định cụ thể về tiêu chuẩn, hình thức, điều kiện mua sắm tài sản công; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng).

- Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện chủ yếu qua phản ánh của dư luận xã hội, báo chí hoặc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan chức năng.

- Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Số vụ phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng vẫn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định pháp luật. Nhiều hành vi liên quan đến tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc đình chỉ điều tra một số vụ án nghiêm trọng vẫn diễn ra. Trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10-2010 đến tháng 4-2013) riêng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ 4 vụ/27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác. Còn tình trạng áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao. Việc khởi tố điều tra một số vụ án, bị can về tội tham nhũng nhưng sau đó việc thu thập chứng cứ không đầy đủ nên phải chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn, không phải tội tham nhũng. Số tiền, tài sản thu hồi do sai phạm có liên quan đến tham nhũng chỉ đạt khoảng 50% kiến nghị thu hồi. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao.

- Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai còn hạn chế. Ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân để vụ lợi. Việc củng cố, tăng cường phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là về tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản. Việc đổi mới phương thức thanh toán tiền mặt chậm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn rất lúng túng và có biểu hiện không nghiêm minh. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn né tránh, nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

- Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện những quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, giảm tác dụng phòng ngừa, răn đe của các giải pháp đề ra. Nhận thức và hành động của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức chưa có sự chuyển biến căn bản; việc tố cáo tham nhũng còn ít. Việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho người tố cáo tham nhũng.

3. Nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc

- Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị; bệnh quan liêu, thành tích vẫn còn nặng nền nên không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng.

- Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

- Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý, chưa đủ mạnh.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

- Một là, sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật phòng, chống tham nhũng với Bộ luật hình sự; sửa đổi quy định của Bộ luật hình sự về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án tham nhũng, chức vụ có tình tiết phức tạp.

- Hai là, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…).

- Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Ban hành cơ chế hiệu quả hơn để kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ của người có chức vụ, quyền hạn mà của toàn cán bộ, công chức, viên chức.

- Bốn là, ban hành tiêu chí cụ thể để xác định và xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu, tránh trường hợp người đứng đầu tích cực phát hiện được nhiều tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình thì bị coi là nơi để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng phát sinh.

Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.