Điểm báo tuần số 492 từ ngày 10/10 đến ngày 16/10 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 17/10/2022, 12:58 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    TTXVN, báo Điện tử ĐCS, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tin tức, VietNamplus, Thanh tra, Xây dựng, Công thương, Giao thông, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Thanh niên, Công lý, Đầu tư, Lao động, Người Lao động, Đại đoàn kết, Pháp luật TP.HCM, SGGP, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (từ 10-12/10) đưa tin, tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023; Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần, kết luận của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung sẽ hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số chức danh bộ trưởng, trưởng ngành theo đề nghị của Chính phủ; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo thẩm quyền…
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (11/10) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, tuyên bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op), tuyên y án 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Trước đó, ngày 28/4, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xử sơ thẩm đã tuyên án ba bị cáo: Diệp Dũng 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”; Nguyễn Hoài Bắc, nguyên cán bộ Công an 5 năm tù; Lê Thị Phương Hồng 6 năm tù, cùng tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (12/10) cho biết, Đoàn kiểm tra số 1 do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, thông qua Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Quá trình kiểm tra, Đoàn đã đánh giá khách quan, đầy đủ những kết quả đạt được của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra một số mặt còn hạn chế, khuyết điểm của từng tổ chức đảng. Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC đã tổ chức kiểm tra đối với 16 cấp ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân, Tin tức, VietNamplus, Thanh tra, Người Lao động, Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Công thương, Giao thông, Đầu tư, Hà Nội mới, SGGP, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (12/10) phản ánh, tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC theo dõi, chỉ đạo. Điển hình, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 200 tổ chức đảng, hơn 200 đảng viên liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 12 tổ chức Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 188 tổ chức Đảng, 181 đảng viên. Qua kiểm tra, thi hành kỷ luật 12 tổ chức Đảng và 73 đảng viên, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 16 tổ chức Đảng và 28 đảng viên... Trong 3 tháng cuối năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ việc, vụ án: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và Cục Lãnh sự. 
 
    Báo VietNamNet, Dân trí, Dân Việt, Công an nhân dân, Tiền phong, VnExpress, Thanh tra (12/10) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hoàng Dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Dân có những vi phạm, khuyết điểm trong việc thống nhất hồ sơ năng lực đăng ký làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở thương mại Văn Minh do Công ty TNHH Coffee City làm chủ đầu tư, trong khi công ty không có quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Ngoài ra, trong thời gian quản lý, điều hành, thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền, ông Nguyễn Hoàng Dân chưa thể hiện hết trách nhiệm của chủ đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ, chậm lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng; ký nghiệm thu thanh toán khối lượng khi công việc chưa thực hiện. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định, ông Nguyễn Hoàng Dân đã vi phạm quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (14/10) đồng loạt đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Ban Nội chính Trung ương
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Ban Nội chính Trung ương
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/10) đưa tin, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến cụ thể về một số nội dung quan trọng của hai Đề án: “Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, “Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên” do Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và Báo cáo thực hiện “Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015” của Đảng ủy Công an Trung ương. Các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá các đề án được chuẩn bị công phu, bài bản nghiêm túc, có nghiên cứu, khảo sát thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu đầy đủ góp ý của các cơ quan hữu quan. Ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng cho thấy đây là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp…
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/10) dẫn nguồn tin từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh do liên quan đến những sai phạm trong công tác quản lý đất đai khi ông Tuân còn làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm. Trước đó, tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các đảng viên vi phạm. Trong đó, ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016-2021 bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2015-2020; 2020-2025. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ năm 2018 đến năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm các nhiệm kỳ 2015-2020; 2020-2025 đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn.
 
    VietNamnet, VnEpress (16/10) đưa tin, tại Hội nghị lần thứ 22 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, quyết định kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Phạm Đăng Nhật, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh do vi phạm quy định của Đảng. Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Phạm Đăng Nhật đã đánh giá vi phạm nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cá nhân và tổ chức đảng, phải xem xét, thi hành kỷ luật.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (11/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng nguyên là Phó Giám đốc và Phó trưởng Phòng Kế hoạch Công ty cổ phần dâu tằm tơ Mộc Châu, gồm: Đỗ Đức Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công ty (giai đoạn 2003-2009); Phạm Viết Nhuận, nguyên Phó Giám đốc Công ty (giai đoạn 2013-2018). Theo điều tra: Năm 2004, Đỗ Đức Trọng với tư cách Phó Giám đốc và Phạm Viết Nhuận là Phó trưởng Phòng Kế hoạch Công ty đã thực hiện việc giao 5.200m2 đất cho 52 cá nhân trái với quyết định của UBND tỉnh Sơn La, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và gây hậu quả kéo dài cho đến nay. Hành vi của các đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
 
    Đài THVN, Đài TNVN, Người Lao động, Dân trí (12/10) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Xuân Lưu, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên, nguyên là Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên. Căn cứ kết quả điều tra xác định, trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên, bị can Vũ Xuân Lưu có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của đại diện chủ đầu tư đối với công trình dịch chuyển đường dây điện chiếu sáng, thông tin đường vành đai IV thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, dẫn đến không phát hiện việc nhà thầu thi công sai thiết kế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền gần 02 tỷ đồng. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; khởi tố, bắt tạm giam 03 bị can để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội liên quan đến công trình xây dựng trên. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (13/10) đưa tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Ông Thiện được xác định sai phạm trong việc kê biên đấu giá tài sản ngôi nhà của vợ chồng ông Bùi Xuân Bình và Đỗ Thị Vân Hồng (ngụ 21A Nguyễn Trung Trực, phường 4, thành phố Đà Lạt), thời điểm làm nhiệm vụ chấp hành viên. Theo tài liệu, từ năm 2009, vợ chồng bà Hồng phải thi hành án dân sự, với số tiền hơn 318 triệu đồng và bà Hồng đã nộp xong. Tuy nhiên, sau khi bà Hồng nộp tiền, ông Nguyễn Ngọc Thiện, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt, vẫn tiến hành bán đấu giá nhà và đất của vợ chồng bà Hồng tại số 21A Nguyễn Trung Trực đã kê biên, để thi hành án trước đó. Sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã vào cuộc kiểm tra, xác minh. Sau 3 năm điều tra, thu thập các chứng cứ, giám định các tài liệu liên quan, ngày 10/10, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can Nguyễn Ngọc Thiện về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
 
    Báo Thanh tra (14/10) đưa tin, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về công tác PCTN, TC. Trong đó, yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC; nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác PCTN, TC; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về PCTN, TC; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; mở rộng phạm vi PCTN, TC ra khu vực ngoài Nhà nước; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, kiểm toán nội bộ; tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác đấu tranh PCTN, TC.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (14-15/10) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trần Công Thiện, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận và 8 đồng phạm liên quan sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án khu dân cư Ven Sông, quận 7. Tổng thiệt hại từ việc chuyển nhượng đất cả 2 dự án là trên là 735 tỷ đồng. Ông Tất Thành Cang thừa nhận trách nhiệm khi bút phê đồng ý chuyển nhượng dự án Phước Kiển (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng cho rằng, mức án Viện kiểm sát đề nghị là quá nặng. Bị đề nghị mức án 8-10 năm tù. Bị cáo Tất Thành Cang xin Hội đồng xét xử cho phép gia đình được làm việc với thư ký tòa án nhằm nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi tòa tuyên án để được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ.
 
    TTXVN, báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/10) đưa tin, Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, liên quan đến Vụ Công ty Việt Á, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã khởi tố 26 bị can; Công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ/63 bị can. Trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (15/10) đưa tin, theo thông tin Công an tỉnh Bắc Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Bắc Giang đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Bắc Giang về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, ngày 08/6/2022, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các đồng chí Thường trực Đảng ủy phường Hoàng Văn Thụ. Qua kiểm tra, ông Nguyễn Văn Hùng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có văn bản kiến nghị chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Giang điều tra làm rõ. Ngày 14/10/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với Nguyễn Văn Hùng. 
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (16/10) cho biết, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam vừa phê chuẩn khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Trung Văn, hiện là Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng và Lại Tuấn Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng; phê chuẩn khởi tố bị can, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Phan Thị Ngọc Thương, cán bộ địa chính UBND thị trấn Ba Sao, về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ban đầu xác định Nguyễn Trung Văn, Lại Tuấn Anh, Phan Thị Ngọc Thương đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao lập, ký hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.
 
    Báo Thanh tra (16/10) thông tin, Ban Chỉ đạo PCTN, TC của tỉnh ngay sau khi được thành lập đã tiến hành kiểm tra việc lãnh đạo công tác PCTN, TC đối với 2 ban thường vụ huyện ủy cấp huyện gồm huyện Đông Sơn, Nông Cống và hai tổ chức đảng ngành cấp tỉnh là Sở Tư pháp, Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan các cấp của Thanh Hóa đã kiểm tra giám sát xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định thông qua 1.036 cuộc thanh tra hành chính chuyên ngành. Qua đó, phát hiện sai phạm 141 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 121, tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố 26 vụ, 50 bị can về tham nhũng, chức vụ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 509 đảng viên gồm khiển trách 342, cảnh cáo 97, cách chức 10 và khai trừ 60 đảng viên. Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, sẽ kỷ luật nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân trong giải quyết công việc hằng ngày. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (12/10) cho biết, Cục Trách nhiệm Giải trình Quốc gia Pakistan (NAB) cuối tuần qua đã bắt đầu một cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng liên quan xe buýt nhanh (BRT) thành phố Peshawar. Theo thông tin, cơ quan chống tham nhũng đã triệu tập cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Peshawar Muhammad Saleem Wattoo vào ngày 17/10 để phục vụ điều tra vụ tham nhũng. Trong một thông báo, NAB cho biết, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Peshawar sẽ bị điều tra về cáo buộc tham nhũng trong dự án xe buýt nhanh. Bên cạnh đó, Saleem Wattoo, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật và Đánh giá, được cho là đã thực hiện một số thỏa thuận liên quan đến dự án. Trước đó vào năm 2021, Tòa án tối cao bác bỏ bản án của Tòa Cấp cao Peshawar, chỉ đạo NAB điều tra dự án xe buýt nhanh Peshawar. Tòa án cho rằng, quyết định của tòa cấp cao liên quan đến cuộc điều tra của NAB có sai sót về mặt pháp lý.
 
    Báo Thanh tra (14/10) phản ánh, việc “xuất khẩu tham nhũng năm 2022: Nhiều quốc gia hành động chưa đủ để ngăn cản hối lộ ở nước ngoài”. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), mặc dù có một số tiến triển đột phá, thế nhưng thực tế hiện nay, các công ty đa quốc gia hối lộ để mở đường vào thị trường nước ngoài vẫn hầu như không bị trừng phạt và việc bồi thường cho nạn nhân là rất hiếm. Các quan chức nhà nước đòi hoặc nhận hối lộ từ những công ty nước ngoài không phải là thủ phạm duy nhất của kế hoạch tham nhũng. Các công ty đa quốc gia - thường có trụ sở chính ở quốc gia có mức độ tham nhũng trong khu vực công thấp - là phần còn lại của kế hoạch, cần phải chịu trách nhiệm tương tự. Theo Báo cáo của TI có tên “Xuất khẩu tham nhũng năm 2022”, đánh giá hiệu quả hoạt động của 47 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, bao gồm 43 quốc gia là thành viên Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong việc ngăn chặn hành vi hối lộ ở nước ngoài của các công ty từ quốc gia của họ. Kết quả đánh giá cho thấy sự “đi xuống” hơn bao giờ hết. TI kêu gọi các quốc gia, bao gồm các nước ký kết Công ước Chống hối lộ các công chức nước ngoài của OECD, và các nhà xuất khẩu lớn khác trên toàn cầu, tập trung để ngăn chặn nạn hối lộ tràn lan ở nước ngoài. 
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên;
    - Chủ tịch nước chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương;
    - Bị cáo Tất Thành Cang xin nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi tòa tuyên án để được giảm nhẹ hình phạt.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.