Điểm báo tuần số 388 từ ngày 05/10 đến ngày 11/10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 12/10/2020, 14:17 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06/10) đồng loạt phản ánh nội dung Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Theo Chương trình, Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; và một số vấn đề quan trọng khác. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bám sát phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIII, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương trên các địa bàn, lĩnh vực công tác; đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nhất là ở những lĩnh vực trọng yếu, địa bàn phức tạp, trọng điểm; đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng trước mắt cũng như lâu dài. Khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng; phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ là chính nhưng cũng cần quan tâm, chú ý đến cơ cấu hợp lý, cân đối giữa các địa bàn, lĩnh vực công tác và các khối; giữa Trung ương và địa phương; cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và yếu tố vùng miền hợp lý... Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn; bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch; kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là công việc vô cùng hệ trọng. Ban Chấp hành Trung ương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ danh sách giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII để thảo luận, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này cũng như ý kiến góp ý của Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua trước khi trình Đại hội XIII của Đảng…
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Tài nguyên và Môi trường, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06/10) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sắp tới. Đây là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ có khối lượng công việc khá lớn. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tại kỳ họp này, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 72 tài liệu. Đối với các kiến nghị của cử tri chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được Văn phòng Chính phủ rà soát, phân loại báo cáo Thủ tướng giao cho các bộ, ngành liên quan trả lời xong 100%. Các ý kiến phát biểu đều nêu rõ tinh thần làm sao phục vụ kỳ họp thứ 10 thành công tốt đẹp, mang lại niềm tin của nhân dân trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để chuẩn bị cho kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động bố trí kế hoạch hoạt động công tác, bảo đảm tham dự đầy đủ các phiên thảo luận, giải trình các nội dung liên quan. Đề cao trách nhiệm cá nhân, khẩn trương chuẩn bị đầy đủ, chất lượng các tài liệu theo phân công, đúng thời hạn quy định. Hoàn thành trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội, nhất là những kiến nghị còn tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ. Chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời gặp gỡ, trao đổi, giải trình, cung cấp hồ sơ tài liệu cho các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí về những vấn đề đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành làm rõ một số vấn đề đặt ra cũng như rà lại các nội dung thuộc trách nhiệm của mình trình Quốc hội; các thành viên Chính phủ phải sẵn sàng cho công tác trả lời chất vấn. Nhất trí với các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp thực hiện công việc sẽ chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới, đặc biệt là Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp để thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật mà Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, trình Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ra một số vấn đề về công tác chuẩn bị như hồ sơ cần trình, chương trình kỳ họp, các kiến nghị cử tri, công tác thông tin tuyên truyền… cũng như thực hiện việc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/10) cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội chủ trì phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Ðoan Trang (có hộ khẩu thường trú tại quận Ðống Ða, TP Hà Nội, hiện ở phòng 6, lầu 1, 372/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh) về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Sức khỏe và Đời sống, Giao Thông, Xây Dựng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài THVN, TTXVN (08/10) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí. Cũng về mức phạt đối với vi phạm quy định về cải chính trên báo chí, Nghị định nêu rõ phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện cải chính, xin lỗi không đúng quy định về vị trí, kiểu chữ, cỡ chữ. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo việc cải chính, xin lỗi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện nội dung thông tin cải chính, xin lỗi hoặc tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi; tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ khi thông tin sai sự thật mà không có văn bản trả lời ngay cho cơ quan tổ chức, cá nhân; không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của báo điện tử, tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi; đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi mà không thể hiện đầy đủ các nội dung đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính; cải chính, xin lỗi không đúng thời điểm quy định.
 
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (09/10) đưa tin, Ðảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền miệng và nghiệp vụ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên năm 2020, giao ban báo cáo viên cấp Ðảng ủy Khối tháng 10/2020. Các đại biểu được phổ biến hai chuyên đề: "Một số kinh nghiệm, kỹ năng công tác tuyên truyền miệng"; "Phát huy ưu thế của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Hội nghị nhằm tiếp tục nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền miệng cho báo cáo viên cấp Ðảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Ðảng, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Ðảng ủy Khối đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền. Ðội ngũ báo cáo viên cấp Ðảng ủy Khối được thành lập gồm 30 đồng chí bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu hợp lý. Các đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên theo phương châm tinh gọn, hiệu quả, thiết thực; phát huy tốt vai trò "mỗi cán bộ, đảng viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên của Ðảng".
 
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Nhà báo và Công luận, Giáo dục và Thời đại, Tiền Phong, Nông nghiệp, Đài TNVN, TTXVN (06/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã bắt quả tang Nguyễn Chí Công, cán bộ công chức địa chính phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang, đang có hành vi đòi và nhận hối lộ. Nguyễn Chí Công bị bắt quả tang đang đòi và nhận số tiền 20 triệu đồng của ông H.V.M. để làm thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của đối tượng Nguyễn Chí Công và thu giữ nhiều tài liệu liên quan vụ việc.
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Giáo dục và Thời đại, An ninh Thủ đô, Dân trí, VietnamNet, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (06/10) cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố 03 bị can, gồm: Nguyễn Văn Thiệu, cựu Chủ tịch UBND xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm; Nguyễn Văn Trường, cựu Kế toán UBND xã Lệ Chi và Vũ Văn Huấn, cựu Thủ quỹ UBND xã Lệ Chi, về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2012, 03 bị can trên đã không thực hiện thu, chi ngân sách theo đúng quy định, thu tiền nhưng không làm thủ tục nộp vào tài khoản ngân sách xã tại Kho bạc Nhà nước, chi tiền không có chứng từ và không có thủ tục quyết toán, dẫn đến làm thất thoát số tiền hơn 1 tỷ đồng.
 
    Báo Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Khoa học và Đời sống, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/10) đưa tin, Liên quan vụ thất thoát gần 1.700 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dưới thời ông Trần Bắc Hà làm chủ tịch, 12 bị can gồm nhiều lãnh đạo của Ngân hàng BIDV tiếp tục bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Trong số các bị can bị truy tố, đáng chú ý có: Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh…
 
    Báo Lao Động, Công lý, Công an nhân dân, Tiền Phong, Người đưa tin, Nhà báo và Công luận, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VnExpress (09/10) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) cho biết, liên quan đến vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng 06 bị can cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, vào tháng 6/2019, C03 đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ các sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc nói trên, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Lê Quang Hào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở công trình dự án. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, hoàn thiện toàn tuyến tháng 9/2018. Tuy nhiên, không lâu sau khi khánh thành, dự án liên tiếp bị xuống cấp, xuất hiện sụt lún, ổ gà…
 
    Báo Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Người đưa tin, Tiền Phong, Giao Thông, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người lao động, Dân trí, VnExpress (09/10) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVOil) và Vũ Trọng Hải, nguyên Kế toán trưởng PVOil mỗi bị cáo 03 năm tù cùng về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, khi còn nắm giữ cương vị chức vụ tại PVOil, hai bị cáo Sơn và Hải đã mở hai tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và ký 7 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng và 10,1 triệu USD. Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận cáo buộc đã nhận 1,9 tỷ đồng, còn Vũ Trọng Hải nhận 2,1 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng từ OceanBank.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, TTXVN (10/10) dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, đã phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Tân và ông Phan Trường Giang, Kế toán xã về tội “Tham ô tài sản”. Kết quả điều tra cho thấy, ông Sô Bá Dựng và Phan Trường Giang đã chiếm dụng 233 triệu đồng tiền ký quỹ của một số doanh nghiệp với Ủy ban nhân dân xã để tu sửa đường bê tông vận chuyển cây keo nguyên liệu. Ngoài ra, ông Sô Bá Dựng còn ký duyệt để ông Phan Trường Giang rút 140 triệu đồng từ kinh phí bảo hành các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã Phước Tân để chiếm dụng, sử dụng cá nhân.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (06/10) cho biết, Cục Thống kê Tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB) vừa có báo cáo cho thấy, năm 2019, số vụ tham nhũng được ghi nhận là 4.243 vụ, tăng 114 vụ so với năm 2018. Trong đó, liên tiếp 3 năm liền (2017, 2018, 2019), bang Maharashtra dẫn đầu về số lượng vụ việc tham nhũng. Trong khi, tỷ lệ kết án lại rất thấp, chỉ đạt 15%. Dữ liệu của NCRB cho thấy, mặc dù các vụ án tham nhũng ở Maharashtra đã giảm 5% so với năm 2018, nhưng bang này vẫn chiếm 21% trong tổng số vụ tham nhũng được ghi nhận ở Ấn Độ năm 2019. Cục Chống tham nhũng Ấn Độ (ACB) cho rằng, một số bang có báo cáo ít vụ tham nhũng không đồng nghĩa với việc công chức của bang đó đều là những người trung thực…
 
    Thông tấn xã Việt Nam (09/10) đưa tin, một ủy ban tư pháp của Nam Phi đã yêu cầu cựu Tổng thống Jacob Zuma phải ra trình diện và trả lời thẩm vấn vào tháng 11/2020, liên quan đến các cáo buộc tham nhũng trong 9 năm ông này cầm quyền. Ông Zuma, lên nắm quyền năm 2009, đã buộc phải từ chức vào tháng 2/2018 liên quan đến các vụ bê bối tham nhũng xoay quanh một gia đình doanh nhân người Ấn Độ được cho là đã giành được các hợp đồng béo bở với các công ty nhà nước Nam Phi và thậm chí có thể chi phối quyết định lựa chọn các thành viên nội các. Ủy ban trên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nam Phi đứng đầu, được thành lập năm 2018 để điều tra nghi án, thẩm vấn các bộ trưởng, cựu bộ trưởng, các quan chức chính phủ và các chủ doanh nghiệp về các cáo buộc tham nhũng dưới thời ông Zuma. 
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
    - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng chủ trì Hội nghị về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
    - Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
    - Nguyên tổng giám đốc PVOil Nguyễn Xuân Sơn bị phạt 3 năm tù.
    - Truy tố 12 bị can trong vụ án tại Ngân hàng BIDV.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.