Điểm báo tuần số 387 từ ngày 28/9 đến ngày 04/10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 05/10/2020, 13:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật,  Công lý, Thanh tra, Giáo dục, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/9) phản ánh các nội dung Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) nhiệm kỳ 2016-2021. Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương biểu dương Ban Nội chính Trung ương, Ðảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Ðảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan liên quan đã chủ động nghiên cứu, thẩm định, tiếp thu ý kiến tại phiên họp thứ bảy để hoàn thiện những nội dung lớn, bảo đảm các đề án, kế hoạch trình tại phiên họp này bám sát các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Phó Thủ tướng đề nghị, Ðảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Ðảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp thu ý kiến tại phiên họp thứ 10, tiếp tục nghiên cứu sâu, xác định rõ hơn mục tiêu đạt được của đề án để tạo thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai, bảo đảm đạt hiệu quả cao. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước; nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng. Về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 84, Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tham mưu chiến lược, đề xuất những nội dung cải cách lớn cần triển khai nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách tư pháp thời gian tới.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/9) đưa tin về Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác công an quý III/2020 kết hợp tổng kết cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm và sơ kết sáu tháng thực hiện Kế hoạch số 105/KH-BCA về tổng kiểm tra, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, do Bộ Công an tổ chức. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị, công an các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động và tăng cường phối hợp nắm chắc, dự báo kịp thời tình hình thế giới, khu vực; tập trung bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; trọng tâm là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Hội nghị lần thứ XIII Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII; Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, các hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021... Tiếp tục mở đợt cao điểm tiến công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021... Công an các địa phương tổ chức rà soát, quản lý chặt chẽ người nước ngoài, nhất là lao động người nước ngoài, bảo đảm thực hiện đúng quy định cách ly y tế khi nhập cảnh. Tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, kế hoạch của Bộ từ Trung ương đến cơ sở để thống nhất nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất cấp, quản lý căn cước công dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính phủ điện tử trong Công an nhân dân và xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong ngành công an... 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Khoa học và Đời sống, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Dân Sinh, Người lao động, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/9) đăng tải các nội dung Phiên họp toàn thể thứ 18 để chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, lĩnh vực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phụ trách rất rộng, tác động trực tiếp hầu hết các nhóm dân cư, các đối tượng trong xã hội, liên quan nhiều bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, có tính chính trị rất cao; một số vấn đề cụ thể khá nhạy cảm, được dư luận xã hội thường xuyên quan tâm. Ðể chuẩn bị kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sắp tới và cũng chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, với khối lượng công việc lớn gần 20 nội dung cả về xây dựng pháp luật, giám sát, các vấn đề về tổng kết năm, tổng kết nhiệm kỳ và sơ bộ về định hướng xây dựng pháp luật... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung để thảo luận, thống nhất các nội dung lớn của các dự án Luật, các đồng chí bộ trưởng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo với Ủy ban các nội dung quan trọng nhất, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự đồng thuận cao nhất khi trình Quốc hội... Ðối với các lĩnh vực thuộc Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện đã có các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư (về tiền lương và bảo hiểm xã hội, y tế và dân số trong tình hình mới, người có công, phòng chống ma túy…)... Phiên họp toàn thể của Ủy ban tập trung vào một số nội dung chính, như: Thẩm tra dự án một số luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Công đoàn; Luật Phòng, chống ma túy...; cho ý kiến về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách 2021, giai đoạn 2021- 2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách...
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đầu tư, Giao Thông, Tuổi Trẻ, VnExpress, Đài THVN, TTXVN (02/10) cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với 10 bộ, cơ quan ngang bộ về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật (nợ đọng) và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 9 tháng năm 2020. Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt vấn đề xây dựng thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định hoàn thiện thể chế là then chốt, là khâu đột phá, chiến lược để đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực và ưu tiên hàng đầu cho công tác hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ, ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đề xuất, xử lý, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan phải quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật trước khi diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, không làm ảnh hưởng kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ. Chậm nhất đến ngày 15/10/2020, các bộ, cơ quan hoàn thành 18 văn bản nợ đọng, còn 49 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, đề nghị thời gian ban hành chậm nhất là 15/11/2020…
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Thanh tra, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Xây Dựng, Giáo dục, Hà Nội mới, Đài TNVN, TTXVN (02/10) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có văn bản yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện việc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế; trong đó cần chú ý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao tính gương mẫu, thường xuyên kiểm tra, rà soát, phòng ngừa, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng. Ðồng thời, Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất hướng dẫn về cơ chế, quy định tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo qua đường dây nóng, hộp thư điện tử nhằm xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… tiếp tục tăng cường việc giám sát thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, nhất là giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Đời sống và Pháp luật, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tuổi Trẻ, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (28/9) thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Phú Yên cho biết, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở với: Nguyễn Văn Tuyến, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Yên và Lê Tấn Ðức, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro, hiện là Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1 BIDV Phú Yên. Cả hai bị can đều bị khởi tố, điều tra tội “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”. Liên quan vụ án, ngày 26/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 03 bị can gồm: Nguyễn Công, nguyên Giám đốc BIDV Phú Yên; Nguyễn Phú Phong, nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1; Võ Hồng Phong, nguyên cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng 1, hiện là Giám đốc Phòng giao dịch BIDV huyện Sông Hinh. Công an tỉnh đang tập trung lực lượng, khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra, thu thập chứng cứ làm rõ hành vi vi phạm của các bị can và những người liên quan trong vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (01/10) cho biết, Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt tạm giam Mai Thanh Sang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Mê Kông chi nhánh Bến Tre để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”  và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Sang đã dùng nhiều thủ đoạn như tự ý lập các hóa đơn đặt hàng, yêu cầu khách hàng của Công ty Dầu khí Mê Kông thanh toán tiền công nợ qua tài khoản cá nhân hoặc đưa tiền mặt cho Sang… Tổng số tiền Sang chiếm đoạt của Công ty Dầu khí Mê Kông lên tới hơn 4,7 tỷ đồng. Công an tỉnh Bến Tre đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
 
    Báo Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Dân trí, TTXVN (29/9) phản ánh kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh. Theo nội dung bản án, bị cáo Trần Văn Tâm lợi dụng chức vụ là Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh đã thực hiện hành vi tham ô số tiền 5,17 tỷ đồng của Vinafood 2; chỉ đạo lập khống các báo cáo tài chính từ lỗ sang có lãi, gây thiệt hại 127 tỷ đồng. Trong số 16 bị cáo bị kết án, Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tâm, 30 năm tù; Nguyễn Tấn Vinh, cựu Kế toán trưởng Công ty Lương thực Trà Vinh, 22 năm tù; Phan Văn Hiệp, cựu Giám đốc Xí nghiệp chế biến Cầu Kè, 14 năm tù; Nguyễn Nhất Thống, cựu Trưởng phân xưởng chế biến lương thực An Luông, 12 năm tù; Cao Minh Chiểu, cựu Kế toán Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè, 16 năm tù... Các bị cáo còn lại nhận mức từ 02 năm tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam. Ngoài chấp hành bản án, các bị cáo phải bồi thường cho Vinafood 2 số tiền 132,2 tỷ đồng…
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đời sống và Pháp luật, Nhà báo và Công luận, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN, TTXVN (30/9) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Trung Thành, Kế toán trưởng của Công ty TNHH Pilmico Việt Nam (tọa lạc Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2017 đến tháng 4/2020, Nguyễn Trung Thành đã lập khống nội dung ủy nhiệm chi để rút tiền nhiều lần với số tiền hơn 200 tỷ đồng của Công ty Pilmico Việt Nam rồi chiếm đoạt. Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Nguyễn Trung Thành 04 tháng để điều tra, làm rõ.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Thời báo Tài chính, Hà Nội mới, An ninh Thủ đô, Dân trí, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (30/9) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án phạt 3 bị cáo về tội “Lập quỹ trái phép” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gồm: Trần Khắc Hiệp, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn và Lê Xuân Hoàng, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán cùng lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Tấn, nguyên nhân viên Phòng Tài chính kế toán, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn lĩnh 2 năm tù. Theo cáo trạng, các bị cáo đã bàn bạc, thống nhất sử dụng tổng số 1.600 tỷ đồng nguồn tiền thanh toán Hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn và 50 tỷ đồng từ nguồn do PVN cấp để gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Thanh Hóa và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Thanh Hóa lấy chênh lệch lãi suất hơn 20 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.
 
    Báo Long An, Đại đoàn kết, Công lý, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Tuổi Trẻ, Dân trí, Đài TNVN (01/10) dẫn nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Long An cho hay, đã đề nghị truy tố ông Lê Thanh Liêm, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo nội dung vụ án, khi còn đương chức, ông Liêm được UBND tỉnh Long An giao làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, ông Liêm biết các thiết bị được nhà thầu là Công ty Đông Nam Á nhập về đã bị thay đổi về xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng, nhưng không chỉ đạo thực hiện tham khảo lại giá, không phê duyệt điều chỉnh lại dự toán gây thất thoát 871 triệu đồng; thanh toán thừa khối lượng dây cáp mạng và ổ cứng lưu trữ so với thực tế thi công 40 triệu đồng. 
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (01/10) đưa tin, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phước, 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Phước giữ chức vụ Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Châu Đốc, trực thuộc Công ty xăng dầu An Giang. Trong thời gian quản lý Cửa hàng xăng dầu Châu Đốc, Phước lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, đã giữ lại tiền bán hàng được trong ngày, mỗi lần từ 20 triệu đến 50 triệu đồng để tiêu xài cá nhân, không nộp về Công ty. Tổng số tiền Phức đã chiếm đoạt của Công ty xăng dầu An Giang là gần 1,7 tỷ đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (29/8) đưa tin, ông Shehbaz Sharif, lãnh đạo phe đối lập và là Chủ tịch Đảng đối lập Pakistan đã bị bắt tại trụ sở của Tòa án Tối cao ở thành phố Lahore, ngay sau khi Tòa án bác đơn xin tại ngoại của ông trong một vụ rửa tiền, với cáo buộc tham nhũng. Đây là vụ bắt giữ cấp cao mới nhất do Chính phủ của Thủ tướng Imran Khan thực hiện. Ông Shahbaz Sharif là em trai của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, người đã bị bãi nhiệm khỏi văn phòng bởi Tòa án Tối cao vào năm 2017 do các cáo buộc tham nhũng. Ông Shahbaz Sharif đã phủ nhận toàn bộ cáo buộc và cho rằng, sự việc lần này nhắm tới ông có động cơ chính trị đứng đằng sau.
 
    Đài Tiếng nói Việt Nam (02/10) dẫn thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CDDI), qua điều tra về ông Trương Chí Nam, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, đã có hàng loạt các biểu hiện sai phạm nghiêm trọng trong thời gian đương chức như: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi cho bản thân và người nhà, lối sống sa đọa đồi bại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản công, nhận hối lộ bằng tiền và hiện vật với số lượng lớn. Căn cứ vào các điều luật và quy định hiện hành, nguyên Phó tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến đã bị khai trừ đảng tịch, cách chức và chuyển giao cho cơ quan kiểm sát thẩm tra khởi tố. Trương Chí Nam là "hổ lớn" đầu tiên bị CDDI thông báo điều tra, cũng là quan chức cấp tỉnh đầu tiên của Phúc Kiến bị “ngã ngựa” kể từ Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay.
   
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
    - Phiên họp thứ 10, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, nhiệm kỳ 2016-2021.
    - Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác công an quý III/2020.
    - Bị cáo Trần Văn Tâm, cựu Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh bị tuyên phạt 30 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
    - Bắt giam nguyên Giám đốc BIDV Phú Yên cùng nhiều thuộc cấp.
    - Truy tố bị can Lê Thanh Liêm, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An.
    - Tuyên phạt bị cáo Trần Khắc Hiệp, cựu Trưởng Ban quản lý dự án công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, 04 năm tù.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.