Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Tiền Giang: Hội thảo chuyên đề: "Tạm đình chỉ các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục"

Thứ Tư, 17/03/2021, 06:15 [GMT+7]
    Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Tạm đình chỉ các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục”, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội thảo. Tham dự có 155 đại biểu là các đồng chí đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Bộ phận giúp việc công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp cấp huyện, Công an, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Báo cáo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phúc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trình bày thực trạng các vụ án tạm đình chỉ trên địa bàn tỉnh thống kê từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/5/2020 trong giai đoạn truy tố và xét xử chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, không đáng kể, dao động dưới 1%/năm, nhưng lại phát sinh cao trong giai đoạn điều tra, cụ thể: trong năm 2018 tỷ lệ các vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra là 40,44% (480/1.187 vụ); năm 2019 là 32,46% (536/1.651 vụ); 06 tháng đầu năm 2020 là 28,14% (311/1.105 vụ). Điều này cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vẫn còn những hạn chế nhất định, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm chưa cao, một số vụ tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra gây bức xúc dư luận xã hội, được phản ánh trên phương tiện truyền thông hoặc có đơn khiếu nại yêu cầu xử lý, giải quyết. Chính vì những lý do trên nên đồng chí đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tham luận, có ý kiến trao đổi cần tập trung làm rõ những nguyên nhân và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giải quyết án trong thời gian tới.
 
    Với 13 tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những nguyên nhân chủ yếu như: Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội được tổ chức chặt chẽ, manh động và liều lĩnh, thủ đoạn che dấu tội phạm ngày càng tinh vi và xảo quyệt; lực lượng điều tra viên, cán bộ điều tra còn thiếu, vì vậy có nơi, có lúc án chồng án, tin báo chồng tin báo nên không có thời gian để hệ thống, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn, quy luật gây án nhằm đề ra biện pháp điều tra có hiệu quả, mặt khác, trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số điều tra viên còn hạn chế. Ngoài ra, khi có sự việc thiệt hại xảy ra, người bị hại chậm thực hiện việc tố giác, dẫn đến việc điều tra thu thập chứng cứ, truy nguyên dấu vết tội phạm bị chậm trễ, gây nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra,… Từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:
 
    Thứ nhất, Cơ quan lập pháp cần nghiên cứu bổ sung căn cứ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng: “Khi không biết rõ người bị tố giác đang ở đâu và không có căn cứ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.
 
Đồng chí Võ Văn Bình Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo
Đồng chí Võ Văn Bình Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phát biểu kết luận Hội thảo
    Thứ hai, Tỉnh ủy sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành chỉ thị yêu cầu cấp ủy địa phương hàng năm có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án”.
 
    Thứ ba, Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực điều tra, khám phá tội phạm cho lực lượng điều tra các cấp.
 
    Thứ tư, Đề xuất đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến, nút giao thông trọng điểm phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời phục vụ công tác truy xét, truy tìm người, đối tượng liên quan đến các vụ án.
 
    Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhận xét, Hội thảo là dịp đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng tạm đình chỉ các vụ án hình sự, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết án và kiềm chế, kéo giảm tỷ lệ đình chỉ các vụ án hình sự trong thời gian tới, góp phần mang đến niềm tin cho dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung. Đồng chí đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng kết toàn bộ các ý kiến tham luận, đồng thời thu nhận các ý kiến đóng góp bằng văn để làm cơ sở nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện quy chế về việc phối hợp, quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự tạm đình chỉ, qua đó giúp xây dựng cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ trong các vụ án đã thụ lý, cũng như hướng dẫn một số điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến công tác giải quyết các vụ án, vụ việc bị tạm đình chỉ trong thời gian tới.
Duy Bằng 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Tiền Giang)
.