Tăng cường cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Thứ Sáu, 06/03/2020, 10:51 [GMT+7]
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính có chiều hướng gia tăng; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh cùng việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế và tham nhũng lớn.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội luôn tích cực, chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong năm 2019, Tòa án nhân dân hai cấp TP Hà Nội đã giải quyết 32.606 vụ án các loại, tăng 2.605 vụ, bằng 8,68% so với cùng kỳ năm 2018, đạt tỷ lệ 91%; trong đó có một số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi. Ðiển hình như các vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Liên doanh Vietsovpetro, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", và gần đây nhất là đại án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được đưa ra xét xử từ ngày 16/12/2019 đến 28/12/2019; và vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan các bị cáo nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ UBND thành phố Ðà Nẵng...
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân |
Các vụ án nêu trên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, là những thiệt hại tính toán được bằng con số, mà còn gây ra những thiệt hại không thể định lượng được, đó là sự suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước. Tất cả các vụ án đều được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp các cơ quan tố tụng của Trung ương và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời, phán quyết của Hội đồng xét xử được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, nhất là việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Tại phiên tòa, việc tranh tụng được bảo đảm, Hội đồng xét xử không hạn chế thời gian tranh tụng, kiểm sát viên thực hiện việc đối đáp đến cùng, tạo sự dân chủ, công khai, khách quan, bảo đảm quyền con người; chính nhờ quá trình tranh tụng công khai đã giúp các bị cáo nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội của mình, một số vụ án, lúc đầu bị cáo không nhận tội, nhưng sau quá trình tranh tụng đã thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời động viên gia đình khắc phục toàn bộ số tiền bị cáo đã chiếm hưởng. Bên cạnh đó, còn giúp nhân dân hiểu rõ về hành vi phạm tội của từng bị cáo và đồng tình, ủng hộ phán quyết của Hội đồng xét xử, có tác dụng giáo dục, tuyên truyền pháp luật.
Ðiển hình như tại phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ, Ðưa hối lộ" tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lúc đầu không thừa nhận hành vi nhận hối lộ đã thực hiện, nhưng sau khi được Hội đồng xét xử công bố lời khai của các bị cáo khác đã khai liên quan đến hành vi đưa hối lộ cho Nguyễn Bắc Son và công bố một phần bức thư mà bị cáo đã viết gửi vợ trong quá trình điều tra, bị cáo đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Qua quá trình tranh tụng công khai, bị cáo nhận thức rõ và thừa nhận sai phạm, gửi lời xin lỗi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; xin lỗi Ðảng; Nhà nước và nhân dân, đồng thời động viên gia đình khắc phục xong toàn bộ số tiền bị cáo đã chiếm hưởng từ việc nhận hối lộ của Phạm Nhật Vũ hơn 66 tỷ đồng. Các bị cáo trong vụ án đều gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tư pháp đã bảo đảm điều kiện để các bị cáo được trình bày, bảo đảm quyền con người, quyền dân chủ. Ðây là vụ án mà các bị cáo đã gây ra thiệt hại rất lớn cho Nhà nước, hơn 6.590,356 tỷ đồng, số tiền đưa và nhận hối lộ cũng rất lớn, hơn sáu triệu USD; nhưng sau khi kết thúc quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị thiệt hại cùng các chi phí liên quan, tiền đưa và nhận hối lộ.
Phán quyết của Hội đồng xét xử được đưa ra dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và không bó hẹp trong phạm vi cáo trạng truy tố; trong một số vụ án, Hội đồng xét xử đã chủ động kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Ðiển hình như tại phiên tòa xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được tổ chức từ ngày 28/01/2019 đến 30/01/2019, Hội đồng xét xử đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi cấp đất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại TP Hồ Chí Minh và TP Ðà Nẵng, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế, đến nay đã có bị cáo là cựu chủ tịch, phó chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, nguyên giám đốc một số sở, ngành của TP Ðà Nẵng đã bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội từ ngày 02/01/2020 đến 16/01/2020.
Qua các phiên tòa này, càng chứng minh tính đúng đắn của việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào nền tư pháp, đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Bên cạnh việc làm tốt công tác xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn rất chú trọng đến thực hiện các giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức giải quyết tranh chấp giữa công dân. Là một trong số các địa phương được Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn để triển khai thực hiện thí điểm tăng cường đổi mới hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng rất chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện thí điểm. Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện những giải pháp mới trong việc tăng cường cải cách tư pháp trong hoạt động tòa án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
Hữu Chính
(Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội)