Điểm báo tuần số 356 từ ngày 24/02 đến ngày 29/02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 02/03/2020, 14:20 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Thanh tra, Công lý, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (25/02) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các cấp ưu tiên, bố trí nguồn lực phòng, chống và kiểm soát ma túy theo khả năng, điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nội địa, có biện pháp mạnh triệt phá, bóc gỡ triệt để các đường dây tội phạm ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy… Các cấp, các ngành cần phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 36-CT/TW gắn với việc thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chương trình phòng, chống ma túy của Chính phủ các giai đoạn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, tránh tư tưởng khoán trắng cho lực lượng chuyên trách.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, An ninh Thủ đô, Công an TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (26/02) cho biết, Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác Công an tháng 2/2020, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2020. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị. Trong tháng 2, lực lượng Công an đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới; triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh Covid-19; tập trung triển khai các kế hoạch, phương án, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến các hoạt động của năm Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế năm Chủ tịch ASEAN 2020, các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng. Đồng thời đảm bảo các điều kiện để triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thành việc triển khai Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 100% địa bàn để bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với công tác Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở ở địa phương. 
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/02) phản ánh các nội dung buổi làm việc của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, Ban cán sự đảng TAND tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên toàn hệ thống; sắp xếp, kiện toàn tổ chức và các đầu mối bên trong, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong tòa án các cấp, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; đề ra 14 giải pháp đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử và triển khai trong toàn ngành; công tác tổ chức cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ được cơ cấu theo vị trí việc làm gắn với tinh giảm biên chế; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và công tác luân chuyển cán bộ, lãnh đạo quản lý của TAND tối cao thực hiện bài bản, khoa học kết hợp với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ, nhằm tạo nguồn cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ. Về công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, TAND tối cao và tòa án các cấp đã xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện; báo cáo tình hình nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình quy hoạch nhân sự tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với đó là đề xuất chủ trương thí điểm sáp nhập một số tòa án cấp huyện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá Ban cán sự đảng TAND tối cao đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng và tạo ra những bước phát triển mới; tích cực, vừa đóng góp và trực tiếp xây dựng thể chế các quy định về pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử; vừa tham gia xây dựng các luật về tố tụng mà Quốc hội thông qua; các luật đều thể hiện tư tưởng cải cách tư pháp mà nghị quyết của Đảng đề ra; việc tranh tụng trước tòa được bảo đảm, đó là đổi mới thật sự trong cải cách tư pháp mà Tòa án chú trọng thực hiện thời gian qua. Đồng chí đề nghị, thời gian tới ngành Tòa án phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng công tác xét xử; khắc phục những tồn tại, hạn chế để phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý. Tòa án cần chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ; nhất là cán bộ thẩm phán, bởi đây là người nhân danh Nhà nước để đưa ra phán quyết, là người cầm cán cân công lý nên có vai trò hết sức quan trọng.
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi làm việc
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (28/02) đưa tin, Ban Tổ chức Trung ương họp triển khai Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V- năm 2020. Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận làm rõ những nét cần đổi mới trong nội dung tuyên truyền về xây dựng Đảng năm nay. Đó là các tác phẩm dự thi hướng trọng tâm về phản ánh công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất về các tiêu chuẩn tham dự giải; tiêu chí bình chọn, xét giải đối với tác phẩm dự thi và các tập thể, cá nhân, nhất là các giải mới được đề xuất như: Giải cho tác phẩm xuất sắc tuyên truyền về đại hội Đảng, Giải cho tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Giải cho tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài… Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phạm Minh, Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng đề nghị cần phát huy sự thành công của năm 2019, đồng thời tạo sức lan tỏa hơn nữa, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả nhằm bảo đảm ý nghĩa thiết thực và uy tín của Giải Búa liềm vàng. Kế hoạch tổ chức giải cần được chuẩn bị chu đáo, cập nhật định hướng những nội dung mới như tập trung tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của Đảng và đất nước trong năm 2020; tuyên truyền về các thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực, trong đó nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng. Các tác phẩm báo chí phải thể hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tính phê bình, tính xây dựng và tính nhân văn. Giải cần quan tâm tôn vinh những nhà báo lão thành đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng; đồng thời vinh danh các nhân vật tiêu biểu, là chất liệu góp phần làm nên tác phẩm báo chí có chất lượng.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân, Đắk Nông (25/02) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, đã quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Thành Đạt Tây Nguyên , để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo kết quả điều tra, Công ty TNHH MTV Xây dựng và TM Thành Đạt Tây Nguyên là đơn vị thi công công trình kênh thủy lợi Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Quá trình thi công, Thành đã ký Biên bản xác nhận khối lượng thi công hoàn thành đề nghị thanh toán 4 đợt với tổng số tiền là 15 tỷ 161 triệu đồng. Trong đó đợt 3 và đợt 4 đã thực hiện thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công công trình với số tiền là hơn 6 tỷ đồng.
 
    Báo Bảo vệ pháp luật, Công lý, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Dân trí, VnExpress, TTXVN (26/02) cho biết, Tòa án nhân dân quận 5, TP. Hồ Chí Minhxét xử sơ thẩm và tuyên án đối với 4 bị cáo nguyên là cán bộ thuế Đội Thuế liên phường 3 - Chi cục thuế quận 5, phạm tội “Nhận hối lộ”. Theo kết quả điều tra, 04 bị cáo áp mức thuế năm 2019 thấp cho một số hộ kinh doanh trên địa bàn các phường 6, 12, 13, 15 do Đội Thuế liên phường 3 quản lý, qua đó nhận tiền bồi dưỡng của những hộ này. Cơ quan điều tra xác định, Phan Thị Diệu Chi, nguyên Đội trưởng Đội thuế liên phường 3, nhận hối lộ hơn 267 triệu đồng; Trần Anh Tuấn, cựu Phó Đội trưởng, nhận hối lộ 61 triệu đồng; Lâm Hữu Hậu, nguyên cán bộ thuế, nhận hối lộ 62 triệu đồng và Nguyễn Thị Bạch Hường, nguyên cán bộ thuế,  nhận hối lộ 123 triệu đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phan Thị Diệu Chi mức án 11 năm tù; Lâm Hữu Hậu mức án 7 năm tù; Trần Anh Tuấn mức án 6 năm tù và Nguyễn Thị Bạch Hường mức án 8 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”. 
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN (26/02) cho biết, Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Tú, Thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội và Lê Việt Phương, Thư ký Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây về tội “Nhận hối lộ”. Trước đó, bị can Nguyễn Văn T, trú huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng bị Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Sơn Tây truy tố về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Vụ án được giao cho Bùi Thị Tú và Lê Việt Phương thụ lý. T đã đến gặp Tú và Phương và được hai người này cho biết, để được hưởng án treo thì mức tiền “bồi dưỡng” là 55 triệu đồng. Sau đó, T đã làm đơn tố cáo sai phạm của Tú và Phương. Vụ án đang được khẩn trương hoàn tất kết luận điều tra để xử lý đối tượng vi phạm trước pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân (27/02) đưa tin, sau khi Báo Nhân Dân điện tử đã đăng bài: “Cần sớm làm rõ vụ chuyển tiền vào tài khoản cho cán bộ đoàn thanh tra ở Bạc Liêu”. Nội dung bài báo có đoạn nêu rõ: Nhiều cán bộ, người dân ở Bạc Liêu đang xôn xao, bức xúc về vụ việc có ít nhất bốn lần cán bộ, viên chức UBND xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản một thành viên của đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, tổng số tiền 134 triệu đồng, trong khi đoàn thanh tra này kết luận sai phạm của UBND xã chưa tới 25 triệu đồng. Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, sau khi Báo Nhân Dân điện tử phản ánh vụ việc nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng của tỉnh cần nhanh chóng làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, củng cố lòng tin của nhân dân.
 
    Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Gia đình và Xã hội, Nông nghiệp Việt Nam, Tuổi Trẻ, Dân trí (28/02) cho biết, Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Hoà, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và 03 đồng phạm về các tội “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Kết luận điều tra thể hiện, vào tháng 10/2015, tỉnh Phú Thọ phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B tỉnh Phú Thọ đi Hoà Bình, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 200 tỷ đồng. Nguyễn Văn Hoà không chỉ đạo nhân viên lập sổ sách kế toán theo dõi, chứng từ thu chi, giao nhiều cá nhân quản lý trái quy định rồi chỉ đạo nhân viên dưới quyền rút tiền cho mình sử dụng cá nhân, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
    
    Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, TTXVN (28/02) Tòa án nhân dân cấp cao TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm Trần Đức Minh, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Bọc ống dầu khí Việt Nam (PV Coating) và các đồng phạm. Theo hồ sơ vụ án, cuối 2013, PV Coating, được giao bọc ống chống ăn mòn và bêtông gia trọng cho dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sôn 2 - giai đoạn 1.Định mức được lập cao hơn thực tế thi công, rồi điều chỉnh hồ sơ kế toán nâng khối lượng vật tư, sau đó đem gửi ở ngoài. Các loại vật tư dư thừa này có trị giá gần 49 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Trần Đức Minh 16 năm tù, phạt bị cáo Phạm Ngọc Minh, nguyên Phó Giám đốc và Nguyễn Thị Hà Nhung, nguyên Kế toán trưởng - Trưởng phòng Tài chính kế toán cùng 11 năm tù; phạt bị cáo Bùi Nhật Vinh, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - kỹ thuật 10 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
 
    Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, An ninh Thủ đô,  Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (29/02) Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Công an nhân dân (CAND) năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020. Năm 2019, Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an, cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí trong nội bộ; công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; thanh tra đột xuất; thanh tra đặc biệt, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm... Công an các đơn vị, địa phương đã có những giải pháp, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với thực tế đơn vị, địa phương. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện nhiệm vụ công tác PCTN trong CAND, trọng tâm là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật PCTN. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh xây dựng văn hóa ứng xử, xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; chủ động nắm chắc tình hình, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết tố cáo tham nhũng, tập trung thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Thông tấn xã Việt Nam (27/02) đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (SPP) của Trung Quốc (SPP) cho biết, ông Triệu Chính Vĩnh, cựu Bí Thư tỉnh ủy Sơn Tây, cựu đại biểu Quốc hội, đã bị truy tố về tội nhận hối lộ. Ông Triệu Chính Vĩnh bị buộc tội lạm dụng các vị trí trước đây của mình để tìm kiếm lợi ích cho người khác và nhận số tiền rất lớn Trường hợp của ông Triệu Chính Vĩnh đã được SPP chuyển cho Viện kiểm sát thành phố Thiên Tân để xem xét và truy tố theo yêu cầu của SPP sau khi Ủy ban Giám sát Nhà nước đưa ra kết luận điều tra. Ông Triệu Chính Vĩnh sẽ bị xét xử tại Tòa án nhân dân phúc thẩm số 1 tại thành phố Thiên Tân.
 
    Báo Thanh tra (29/02) cho biết, Canada đã mất vị trí trong top 10 quốc gia ít tham nhũng nhất theo đánh giá Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Theo TI, các vấn đề tham nhũng đã xuất hiện ở Canada. Trước hết, Canada là nơi các đối tượng phạm tội không gặp mấy khó khăn trong việc rửa tiền. Tiếng còi báo động về rửa tiền quốc gia đã gióng lên tại tỉnh British Columbia với 2 báo cáo được nêu về mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong lĩnh vực bất động sản, casino và hàng hóa xa xỉ. Tiếp đến, Canada đã hành động không đủ để giải quyết vấn đề hối lộ ở nước ngoài và rửa tiền…
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao.
 
    - Hội nghị giao ban đánh giá tình hình, kết quả công tác Công an tháng 2/2020.
 
    - Triển khai Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V- năm 2020.
 
    - Truy tố Nguyễn Văn Hòa, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ về tội “Tham ô tài sản”.
 
    - Thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội bị khởi tố vì “Nhận hối lộ”.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.