Ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Thứ Năm, 01/04/2021, 07:34 [GMT+7]
Theo Luật PCTN năm 2018, "nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ". Biểu hiện của hành vi nhũng nhiễu phong phú, thường xảy ra ở cơ quan cung cấp dịch vụ công, nơi thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc cho doanh nghiệp, người dân. Nó chính là một dạng tham nhũng vặt, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh phục vụ của cơ quan nhà nước, tích tụ lâu ngày thành thói quen, văn hóa xấu trong ứng xử của cán bộ, công chức, gây ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tháng 6-2018, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra nhiều vấn đề, trong đó có nêu tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực hành chính công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp. Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng ngày 23-11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Tham nhũng vặt là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Đây là thói xấu cần phải lên án, phải vận động, giám sát, không để xảy ra tình trạng đến bệnh viện, trường học, đi xin việc hay việc này việc khác phải phong bì, phong bao không lành mạnh.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Trần Hải |
Thời gian qua, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn gây bức xúc. Nhiều người bị gây khó dễ, không được giải thích đầy đủ, phải đi lại nhiều lần, không được tư vấn cụ thể để giải quyết công việc, bị yêu cầu thêm giấy tờ không đúng, mất nhiều thời gian, công sức, phải dùng tới mối quan hệ hoặc chi tiền phí "bôi trơn" để giải quyết. Theo một Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai từ 32% của năm 2017 giảm xuống 30,8% năm 2018, tăng lên 36% năm 2019. Thuế, an toàn phòng chống cháy nổ, quản lý thị trường, môi trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội, đất đai, giao thông, hải quan là những lĩnh vực doanh nghiệp chịu tần suất thanh tra, kiểm tra lớn. Các báo cáo của cơ quan nhà nước (CQNN) cũng như báo chí từng phản ánh nhiều vụ việc về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức (CBCC). Đơn cử như Hội doanh nhân trẻ có ý kiến trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, theo chỉ đạo từ Tổng cục Hải quan, nhiều văn bản được đính kèm trên hệ thống VNACCS, không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản giấy nhưng các Chi cục Hải quan vẫn yêu cầu phải in và xuất trình gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ ba, ngày 23-12-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu liên tiếp về cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, ông nhận được "nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài" và yêu cầu cần phải chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp khi họ có sai sót.
Thực tế này do nhiều nguyên nhân, nổi bật là: việc ứng dụng công nghệ thông tin những năm qua còn thiếu đồng bộ, kết nối nên các dịch vụ công được giải quyết trực tuyến còn ít, người dân, doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng khi tiến hành các thủ tục trên môi trường mạng. Nhận thức của người dân và CBCC chưa tốt. Tinh thần phục vụ của một bộ phận CBCC, viên chức chưa cao, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy định để vụ lợi hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Một số đơn vị, người đứng đầu chưa đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong công tác và quản lý CBCC của mình.
Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những hành động cương quyết, chỉ đạo ngăn chặn, xử lý triệt để: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Ngoài việc yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện cải cách hành chính, rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ quá một lần, tăng cường công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, xử lý, Chỉ thị 10/CT-TTg còn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các giải pháp, xử lý hành vi nhũng nhiễu, đơn cử TP Hồ Chí Minh xử lý vụ việc người dân phản ánh cán bộ phường 2, quận 8 có thái độ tư thù, không nhận hồ sơ, không hướng dẫn người khuyết tật làm hồ sơ hưởng trợ cấp, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường (quận 12) có thái độ chưa bảo đảm quy định. Nhiều cơ quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như hệ thống một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng chữ ký số, lắp đặt thiết bị giám sát nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan cũng vận hành đường dây nóng, hộp thư điện tử, tiếp nhận và xử lý thông tin về hành vi nhũng nhiễu của CBCC. Theo Báo cáo Sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị của Thanh tra Chính phủ, cả nước có 13.901 cơ quan, đơn vị công khai đường dây nóng. TP Hồ Chí Minh là địa phương nhận, xử lý nhiều thông tin phản ánh của cá nhân và tổ chức nhiều nhất trong cả nước, với 11.629 thông tin, đã xử lý 10.319 thông tin (88,73%).
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi này cũng như khắc phục những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Người dân và doanh nghiệp còn e ngại không kiến nghị, phản ánh. Thậm chí, còn tồn tại tư tưởng cùng có lợi, muốn được giải quyết công việc của mình nên chấp nhận tiêu cực, sẵn sàng đưa tiền "bôi trơn" nên việc loại trừ hành vi này không phải điều dễ dàng. Nguồn thông tin cung cấp qua đường dây nóng thường không kèm theo hoặc không đầy đủ chứng cứ, không để lại đầu mối để liên lạc, khai thác thêm. Công tác xác minh, xử lý ở một số nơi đôi khi chưa kịp thời, không đầy đủ so với yêu cầu đặt ra. Nhiều vụ việc liên quan đến quy trình nghiệp vụ giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp đòi hỏi phải xác minh cụ thể nên kéo dài thời gian thụ lý giải quyết. Một số trường hợp người dân phản ánh thông tin không chính xác, chưa đúng với sự việc xảy ra, có trường hợp lợi dụng đường dây nóng để phản ánh thông tin giả mạo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của CQNN.
Do đó, để tiếp tục ngăn chặn và giải quyết hiệu quả, các bộ, ngành địa phương cần phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10/CT-TTg, tiếp tục khắc phục những thiếu sót, sơ hở của quy định pháp luật để CBCC không thể lợi dụng, nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến trình tinh gọn thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động thông qua việc tăng cường sự kết nối, liên thông trong ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến bảo đảm an toàn, nhanh chóng, hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với CBCC. Đặc biệt là, người đứng đầu CQNN phải gương mẫu, thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu của CBCC, nêu cao đạo đức công vụ. Chính phủ cũng cần nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế, quy định tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo qua đường dây nóng, hộp thư điện tử nhằm xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thị Thu Nga
(Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra)
Theo Báo Nhân Dân