Banner

Hòa Bình: Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay

Thứ Ba, 01/09/2020, 09:13 [GMT+7]
    Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (01/2/2013)  đến nay, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại các địa phương nói chung, trong đó có tỉnh Hòa Bình nói riêng. Từ những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã xác định việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là một trong những mục tiêu quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
    Công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy chính quyền trên địa bàn tỉnh rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng; tiếp tục phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú. Công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử, chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đạt được kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được quan tâm. Từ năm 2013 đến nay cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành 793 văn bản thuộc thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tiến hành 513 cuộc kiểm tra, giám sát đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng; tổ chức 3.069 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng với 225.420 lượt người tham gia; phát hành 513 cuốn sách, tài liệu có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng đồng thời đăng tải nhiều tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thông tin, tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng, chống tham nhũng qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.616 cán bộ, công chức, viên chức; có 51.193 lượt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc công khai, kê khai tài sản thu nhập đảm bảo đúng quy định, đến nay không có người bị xử lý vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; xem xét, xử lý 15 trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (trong đó có 06 người bị xử lý hình sự, 09 người bị xử lý kỷ luật). Công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình nhằm phát hiện những vi phạm trong tổ chức đảng, đảng viên được quan tâm chú trọng. Các cấp ủy đã kiểm tra đối với 1.317 đảng viên/ 1.323 tổ chức đảng; tổ chức giám sát theo chuyên đề đối với 1.429 đảng viên/ 1.361 tổ chức đảng. Thi hành kỷ luật đảng đối với 110 đảng viên/5 tổ chức đảng, phát hiện 01 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện thường xuyên, đã tiến hành 1.509 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm hơn 43 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra các cấp 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; tiếp nhận, phân loại và xử lý 6.378 lượt đơn, thư các loại, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời gian qua đã được Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Hòa Bình thực hiện đảm bảo đúng quy định, đã thực hành quyền công tố và kiểm sát 4.793/4.793 tin báo, tố giác tội phạm; các cơ quan tố tụng đã thụ lý 21/51 bị can, số tiền phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là 19,9 tỷ đồng, đã thu hồi được 12,6 tỷ (đạt 63,3%).
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn một số mặt hạn chế như công tác tuyên truyền còn thiếu tính hệ thống; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu; việc thực hiện công khai, minh bạch của một số cơ quan, đơn vị có nội dung còn mang tính hình thức; việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng của các cơ quan chuyên trách còn khiêm tốn; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, trong đó cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
    Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức, vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân, tạo được sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 3, khóa X; Kết luận số 21-KL/TW; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị; Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Gắn việc thực hiện phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
    Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phòng chống tham nhũng nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
 
    Ba là, lãnh đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử vụ án tham nhũng.
 
    Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các nhóm giải pháp lớn, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí lâu dài. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ “Về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng.
 
    Năm là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 13/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016-2020, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, Đề án và đưa ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Triển khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để kịp thời tiếp nhận, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của các cơ quan công quyền khi giải quyết công việc.
 
    Sáu là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, triệt để các kiến nghị của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, Thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương và Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường công tác phối hợp trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội theo hướng dẫn của Trung ương, kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Bảy là, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh nể nang, hình thức trong việc thực hiện kiểm tra nội bộ; thực hiện kê khai, công khai tài sản đúng quy định. Tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
 
    Tám là, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, báo chí và cộng đồng doanh nghiệp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; khuyến khích động viên mọi tầng lớp Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham  nhũng.
                                                                   
                                                            Võ Mai
(Ban Nội chính Tỉnh ủy)
.
.