Giai đoạn 2 vụ DAB: Truy tố nguyên tổng giám đốc Trần Phương Bình

Thứ Năm, 06/02/2020, 05:36 [GMT+7]
    Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB) Trần Phương Bình và 11 bị can trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại ngân hàng này.
 
    Trong đó, bị can Trần Phương Bình và 11 bị can gồm Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1968, nguyên Giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Nguyễn Tăng Ngọc Linh (sinh năm 1972, nguyên Phó Giám đốc DAB Chi nhánh quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Chí Thiện (sinh năm 1981, nguyên cán bộ tín dụng DAB Chi nhánh quận 10), Nguyễn Chí Công (sinh năm 1979, nguyên Phó phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp thuộc DAB Sở giao dịch), Phạm Huy Luận (sinh năm 1972, nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Đức Dũng (sinh năm 1967, nguyên Phó Giám đốc DAB Chi nhánh quận 4), Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1971, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp DAB Chi nhánh quận 4), Nguyễn Quang Thọ (sinh năm 1979, nguyên Phó Giám đốc DAB Chi nhánh quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Chiến Quốc (sinh năm 1979, nguyên Phó phòng khách hàng doanh nghiệp thuộc DAB Chi nhánh quận 9) và Phùng Ngọc Khánh (sinh năm 1963, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định phạm vào tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại Điều 206 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 22/4/2019
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 22/4/2019
    Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 7 - Bộ luật Hình sự năm 2015, Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, thì hành vi của bị can Trần Phương Bình và 11 bị can nêu trên bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
 
    Riêng bị can Trần Phương Bình còn bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
    Trước đó, trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại ngân hàng này, Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ cùng 24 bị cáo khác đã bị đưa ra xét xử về hành vi gây thiệt hại 3.600 tỷ đồng.
 
    Trong giai đoạn 1, Trần Phương Bình đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt tù chung thân, Phan Văn Anh Vũ bị tuyên phạt 25 năm tù.
 
    Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013, với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị can trong vụ án cùng các đối tượng liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
 
    Trong đó, hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” cho 4 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) đã gây thiệt hại cho cho DAB số tiền gần 8.752 tỷ đồng.
 
    Đầu tư thua lỗ vẫn cho vay tiền để đảo nợ
 
    Đối với hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng,” Trần Phương Bình và đồng phạm đã gây thiệt hại gây thiệt hại cho DAB hơn 3.139 tỷ đồng trong việc cho Nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phú Gia và một số công ty liên quan), Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (TTC) vay tiền.
 
    Cụ thể, ngày 8/12/2007, TTC ký hợp đồng nhận đầu tư 100 triệu USD của VinaCapital (VIHL, VNL) thời hạn 12 tháng để mua cổ phần hoặc vốn góp tại các công ty mục tiêu (gồm: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nhật Quang, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Lâm Viên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phú Gia…); TTC cầm cố toàn bộ cổ phần, vốn góp của TTC tại các công ty mục tiêu cho DAB; DAB ký hợp đồng ủy thác và quản lý tài khoản với VNL và VIHL bảo đảm cho TTC về khả năng hoàn trả 100 triệu USD tiền tài trợ và lãi tương ứng khi chấm dứt hợp đồng.
 
    Đến năm 2008, VinaCapital không gia hạn hợp đồng và yêu cầu TTC hoàn trả 100 triệu USD. Do các dự án mà TTC đã đầu tư bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho VinaCapital; để tránh VinaCapital khởi kiện TTC và DAB, Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên tại DAB cho các công ty và cá nhân vay 11 khoản, tổng số 1.820 tỷ đồng và xuất quỹ chi hơn 77 tỷ đồng để sử dụng mua lại 5 tài sản của Nhóm TTC, mục đích là để DAB quản lý tài sản, thu hồi số tiền DAB cho TTC vay và để TTC trả nợ cho VinaCapital.
 
    Trong khoảng thời gian từ ngày 28/1/2008 đến ngày 6/12/2010, Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo DAB cho Nhóm TTC vay 4 khoản với tổng số 904 tỷ đồng để TTC sử dụng hoàn trả cho VNL và VIHL và để TTC sử dụng cho mục đích khác.
 
    Đến hạn thanh toán, do Nhóm TTC không có khả năng trả nợ cho DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo DAB cho Nhóm TTC vay tiền để đảo nợ, lập hợp đồng vay với mục đích vay khống, nâng khống tài sản bảo đảm...
 
    Tính đến ngày 24/12/2018, Nhóm TTC còn dư nợ 6 khoản vay với tổng số tiền hơn 3.139 tỷ đồng; thuộc nợ nhóm 5, khách hàng không có khả năng trả nợ.
 
    Tương tự, Nhóm khách hàng M&C (Công ty M&C và một số công ty, cá nhân có liên quan) không có khả năng trả nợ cho DAB khi đến hạn thanh toán, Trần Phương Bình đã chỉ đạo nhân viên DAB cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng M&C vay tiền để đảo nợ và nhận tài sản đảm bảo là Dự án Sài Gòn - Ba Son để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay tại DAB.
 
    Trong khi đó, quyền khai thác kinh doanh hình thành trong tương lai thuộc Dự án Sài Gòn - Ba Son, được DAB nhận làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay, khi sử dụng làm tài sản thế chấp cho DAB dự án chưa có văn bản chấp thuận đầu tư của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng; khi thế chấp cho các khoản vay tại DAB không được sự đồng ý của chủ đầu tư là Công ty Ba Son; tài sản đảm bảo DAB không thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.
 
    Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại DAB là Dự án Sài Gòn-Ba Son đã bị Trần Phương Bình và đồng phạm chỉ đạo các đối tượng liên quan lập khống thế chấp cho các khoản vay tại DAB để lấy tiền đảo nợ các khoản vay của Nhóm khách hàng M&C tại DAB, hiện các khoản vay này không có tài sản bảo đảm, gây thiệt hại cho DAB gần 3.950 tỷ đồng.
 
    Bất chấp quy định, cho vay không đúng đối tượng
 
    Trong Nhóm khách hàng Đồng Tiến (gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thép Đồng Tiến và Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư TBTP), Trần Phương Bình và các đồng phạm đã cho vay tín chấp không đúng quy định, gây thiệt hại cho DAB hơn 393 tỷ đồng.  
 
    Cụ thể, từ ngày 25/5/2013 đến 13/9/2013, Trần Phương Bình đã phê duyệt, chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài để Vân, Tài chỉ đạo các nhân viên Sở giao dịch lập hồ sơ cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng Đồng Tiến vay vốn tín dụng (10 khoản vay tín chấp) không đúng đối tượng cho vay, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, của DAB, dẫn đến các khoản vay đều quá hạn thanh toán, hiện không thu hồi được nợ vay, gây thiệt hại tài sản cho DAB.
 
    Đến ngày 24/12/2018, 10 hợp đồng cho vay tín chấp nêu trên còn dư nợ hơn 393 tỷ đồng (gồm gần 223 tỷ đồng nợ gốc và 170 tỷ đồng nợ lãi), Hiện các khoản vay này không có tài sản đảm bảo để xử lý nợ vay.
 
    Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, hành vi của bị can Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài và các nhân viên DAB cấp tín dụng cho cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng Đồng Tiến vay 10 khoản vay tín chấp không đúng đối tượng cho vay; cấp tín dụng trong điều kiện các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ liên tục, không có tài sản để thế chấp, cầm cố, không đủ điều kiện để cho vay; không tiến hành thẩm định thực tế hiệu quả phương án kinh doanh, khả năng tài chính của doanh nghiệp và khả năng thu hồi nợ, dẫn đến các khoản vay đã quá hạn thanh toán, có dư nợ lớn, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, không có khả năng trả nợ, không có tài sản để xử lý nợ vay… đã vi phạm pháp luật và gây thiệt hại lớn cho DAB.
 
    Ngoài ra, Trần Phương Bình còn ra chủ trương và chỉ đạo DAB Chi nhánh quận 10 chuyển dư nợ các khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và Doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền về DAB Sở giao dịch để cơ cấu. Nhằm tránh nợ xấu cho ngân hàng, Trần Phương Bình chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên tại DAB Sở giao dịch cơ cấu các khoản vay vàng đến hạn thành dư nợ VNĐ và cho vay 2 khoản vay mới không có tài sản đảm bảo; tiếp tục cơ cấu thành 3 khoản vay của Công ty Tân Vạn Hưng và 1 khoản vay của Doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền; trong khi tờ trình tái cơ cấu nợ trước đó xác định khách hàng không đủ khả năng tài chính trả nợ, các hợp đồng được tái cơ cấu đều quá hạn trả nợ hơn 1 năm. Viện Kiểm sát xác định việc DAB cơ cấu nợ các khoản vay ngắn hạn thành các khoản vay trung hạn là không phù hợp với mục đích vay vốn và che giấu nợ xấu… Những hành vi này đã gây thiệt hại thêm cho DAB hơn 1.269 tỷ đồng.
 
    Trần Phương Bình lạm dụng chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng
 
    Để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân và trả lãi cho các khoản vay của một số người mà trước đó Trần Phương Bình đã nhờ những người này đứng tên vay tại DAB, Trần Phương Bình đã chỉ đạo Phạm Văn Tân, Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Hùng, Nguyễn Đức Vinh và Đỗ Thanh Hùng lập chứng từ thu, nộp khống chiếm đoạt của DAB tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng. Trần Phương Bình bị xác định là có hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và phải có trách nhiệm bồi thường số tiền này cho DAB.
 
    Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, hành vi nêu trên của các bị can là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
                                                                                             TTXVN 
.