Nghệ An: Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"
Thứ Ba, 24/05/2022, 07:29 [GMT+7]
Thời gian quan, tỉnh Nghệ An tăng cường các hoạt động đấu tranh quyết liệt đối với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBND ngày 28/6/2019 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng thời ban hành Quyết định số 4817/QĐ-UBND ngày 28/11/2019 về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tập trung thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen”.
UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ quý 2/2022 |
Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong 03 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” cũng được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm, đẩy mạnh. Toàn tỉnh tổ chức được 7.455 buổi tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề, cuộc họp tại cơ sở; 530 lượt tuyên truyền lưu động; kẻ vẽ 3.752 khẩu hiệu, pa nô, áp phích... có nội dung vận động nhân dân phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Thường xuyên phối hợp các ngành chức năng tổ các các buổi tuyên truyền đến các thôn, xóm, bản ở các địa bàn trọng điểm về ANTT, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của “tín dụng đen”.
Các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật cũng đã được lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị, phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”, những chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp. Các cơ quan báo chí trên địa bàn đã phối hợp đăng tải 40 tin, bài về kết quả khám phá, bắt giữ các đối tượng, băng ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Đặc biệt, đã phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) xây dựng 20 phóng sự cảnh báo về hành vi lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao để nhân dân biết và nâng cao cảnh giác; 17 phóng sự chuyên sâu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Bên cạnh đó việc phối hợp xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như tổ dân phòng, tổ tự quản và nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen” cũng đã được triển khai ngay từ cơ sở. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động của 460 Ban chỉ đạo tự quản, 3.895 Ban tự quản và 38.578 tổ tự quản về an ninh trật tự với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hoà giải” ngay tại cơ sở, không để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật. Đặt 3.950 hòm thư tố giác tội phạm tại các nhà văn hóa khối, xóm và địa điểm công cộng; công khai 460/460 số điện thoại Công an phường, xã, thị trấn để quần chúng nhân dân cung cấp thông tin liên quan đến “Tín dụng đen”. Qua hình thức phát giác tội phạm, nhân dân đã cung cấp hơn 860 tin giúp lực lượng Công an các cấp giải quyết 470 vụ việc tại cơ sở, làm rõ 290 vụ, 530 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, đòi nợ, xiết nợ... liên quan đến hoạt động vay tiền, cầm cố tài sản.
Về công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong 03 năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tăng cường các giải pháp chấn chỉnh, siết chặt quản lý, cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, nhất là đối với việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, các cơ sở kinh doanh chuyển đổi từ kinh doanh dịch vụ cầm đồ sang kinh doanh dịch vụ tài chính. Thường xuyên rà soát, đối chiếu doanh thu, thuế của các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác, trên cơ sở đó xác định các cơ sở có biểu hiện hoạt động tín dụng đen” để trao đổi, phối hợp kiểm tra, xử lý.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 265 cơ sở cầm đồ, 49 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính (so với cùng kỳ năm 2019, giảm 261 cơ sở cầm đồ, giảm 72 cơ sở kinh doanh hỗ trợ tài chính). Trong 03 năm qua, Công an tỉnh Nghệ An đã thành lập 54 đoàn, kiểm tra 377 lượt, kiểm tra 408 cơ sở, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 99 cơ sở. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An triển khai 91 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, kiểm tra, đã ban hành 533 kiến nghị liên quan đến hoạt động tín dụng, 42 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn với tổng số tiền 371,1 triệu đồng...
Về công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trong 03 năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 121 vụ, 227 bị can về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý vi phạm hành chính 21 vụ, 23 đối tượng. Bên cạnh đó, đã bắt, khởi tố 05 vụ, 06 bị can về các hành vi có liên quan đến tín dụng đen như cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.
Với những kết quả nêu trên cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai quyết liệt từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã; phát huy vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp trong triển khai thực hiện công tác; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lê Thị Thủy
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An)