Bộ Công an: Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Ngày 31-7-2013, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Công an nhân dân. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Công an dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Công an; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ; các trường, Học viện trong CAND; thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan…
Thượng tướng Lê Quý Vương tặng Bằng khen của Bộ Công an cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc |
Sau 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành 69 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 421 Thông tư; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành 118 Thông tư liên tịch; tham gia xây dựng hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động tư pháp và hỗ trợ tư pháp. Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã tiếp nhận, quản lý, giải quyết về cơ bản các tin báo, tố giác về tội phạm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển thực hiện tốt thẩm quyền điều tra. Chất lượng hoạt động điều tra ngày càng được nâng lên, số vụ án kết thúc điều tra chiếm tỷ lệ cao (trên 80% về số vụ án và 90% về số bị can). Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố vụ án, khởi tố bị can được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Công tác quản lý giam, giữ và cải tạo, giáo dục phạm nhân đã đi vào nề nếp, điều kiện giam giữ, đời sống vật chất và tinh thần đã được cải thiện; thi hành có hiệu quả các hình phạt ngoài tù, tử hình, góp phần bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện nghiêm minh, kịp thời. Tổ chức và bộ máy cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh được chú trọng.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp ngày càng được tăng cường và mở rộng. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Công an đã chủ trì, đề xuất Chính phủ, Chủ tịch nước ký kết, gia nhập 10 điều ước quốc tế của Liên hợp quốc về chống khủng bố; 17 hiệp định song phương liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ, phòng, chống tội phạm. Thông qua hợp tác quốc tế, lực lượng An ninh, Cảnh sát Việt Nam đã điều tra, làm rõ hoặc giúp đỡ cơ quan An ninh, Cảnh sát nước bạn điều tra, làm rõ nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, nắm được tình hình tội phạm trên thế giới, tình hình tội phạm gốc Việt cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng, những tác động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trong nước để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả…
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân; Vì vậy, tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW là nhiệm vụ quan trọng, Hội nghị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, chính xác những kết quả đạt được về công tác cải cách tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân thời gian qua; làm rõ những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm; những chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp có tính phù hợp và chưa phù hợp, đề xuất phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ để tham mưu cho Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp thời gian tới.
Để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, hướng tới xây dựng một nền pháp chế theo các lộ trình, yêu cầu mà Nghị quyết số 49 đã nêu, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Bộ Công an nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng ủy Công an Trung ương đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Công an các đơn vị địa phương hoàn thành các đề án được phân công, thực hiện nghiêm túc công tác phòng ngừa xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương đã tặng Bằng khen của Bộ Công an cho 40 tập thể, 55 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong Công an nhân dân.
P.V