Công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022

Thứ Năm, 13/04/2023, 06:35 [GMT+7]
    Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022. Đây là kết quả của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố.
 
    PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam; thúc đẩy cải cách vì doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh ở mỗi địa phương. 
 
Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022
Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022
    Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đánh giá năm 2022, các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa -Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt đứng trong tốp đầu các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất trong bảng xếp hạng PCI. 
 
    Theo Báo cáo, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến đáng kể, cho thấy công cuộc đổi mới, vì doanh nghiệp tiếp tục lan tỏa rộng khắp và nhận được sự ghi nhận của xã hội. Có 93% ý kiến đánh giá “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”, 91% đánh giá thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 về 20% trong năm 2022. Có 89% doanh nghiệp đồng ý rằng, “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”. Gánh nặng thanh, kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm qua là 7,39%. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6,69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.
 
    Vẫn còn những bất cập, tồn tại trong cách hành xử, hỗ trợ doanh nghiệp. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
                                                                                                Văn Hiếu
.