Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp
Thứ Năm, 28/11/2019, 16:49 [GMT+7]
Hôm qua 27-11, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự và bế mạc sau gần một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm cao.
Ðây là kỳ họp cuối năm, diễn ra trong tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện: Tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu QH giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020.
Các đại biểu Quốc hội chào cờ bế mạc Kỳ họp 8 |
Những thành tựu nêu trên là rất quan trọng, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra… Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và hoạt động của QH.
Tuy nhiên, đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, khiến nhân dân lo lắng. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thật sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của QH. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là do thiên tai, dịch bệnh. Phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường còn những bất cập. Ðời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, đáng chú ý là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai. Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng,...
Trước tình hình đó, đòi hỏi cả nước phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, giữ vững và phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển đất nước. Chính vì vậy, kỳ họp thứ tám của QH tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tại kỳ họp này, QH tiếp tục dành nhiều thời gian để tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu QH; tập trung xem xét những vấn đề, nội dung quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu QH đã thẳng thắn chỉ ra, phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém cũng như nguy cơ, thách thức của nền kinh tế, đồng thời đề xuất những chủ trương, giải pháp và quyết sách. QH đã xem xét, thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Trong đó, có những luật quan trọng, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thực tế cuộc sống. Nhất là, việc xem xét, thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhân dân và xã hội quan tâm, bởi các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp bối cảnh mới về hội nhập; đồng thời bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động...
Các đại biểu QH đã tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trưởng ngành với nhiều vấn đề nóng của đất nước, của xã hội. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm và thẳng thắn với việc nâng cao chất lượng câu hỏi, cách chất vấn cũng như phần trả lời đã từng bước đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước. QH nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Ðông; xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Cam-pu-chia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước…
Ðáng chú ý, QH đã tiến hành xem xét, quyết định Ðề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ðây là lần đầu tiên, QH nước ta ban hành một Nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ kết quả của kỳ họp thứ tám, QH, Chính phủ thống nhất mục tiêu đề ra trong thời gian tới là: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ðẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với củng cố quốc phòng, an ninh. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Với tinh thần làm việc trách nhiệm cao trước nhân dân, kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV đã kết thúc thành công với nhiều dấu ấn tốt đẹp và kết quả quan trọng. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức nêu trên, nhiệm vụ trước mắt là rất nặng nề, đòi hỏi cả nước quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Vũ Khuyên