Vĩnh Phúc: Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai

Thứ Năm, 01/07/2021, 07:25 [GMT+7]
    Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm khoa học phục vụ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, chuyên đề về chính sách, pháp luật về đất đai: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới ở Việt Nam”.
 
    Theo báo cáo đề dẫn, chính sách pháp luật về đất đai, cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013 đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác, sử dụng ngày càng nhiều, tình trạng để đất hoang hóa, lãng phí đất đã được hạn chế. Đất đai nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng đã dần trở thành công cụ để điều hành, định hướng và có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và tại các địa phương.
 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
    Từ năm 2014 đến nay, Luật đất đai cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa thực hiện tốt vai trò của Nhà nước trong việc ổn định, phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản. Việc điều tiết lợi ích giữa người có đất được Nhà nước thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước vẫn chưa thật sự tốt, địa tô chênh lệch sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phần lớn vẫn thuộc về các nhà đầu tư; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chuyển mục đích rừng còn chồng lấn giữa đất và loại rừng; khó khăn trong việc thực hiện các dự án phát sinh, các dự án trọng điểm trong bối cảnh quy hoạch sử dụng đất không được điều chỉnh cục bộ; việc xác định các tính chất, loại dự án, cơ chế thu hồi, giao đất, cơ chế thỏa thuận còn phức tạp; xác định giá đất còn nhiều vướng mắc… Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật nói chung cũng như pháp luật về đất đai chưa thật sự ổn định, đồng bộ; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai.
 
    Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất tiếp tục giữ các quan điểm về sở hữu đất đai đã quy định tại Hiến pháp năm 2013 là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện; chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; là nguồn lực để phát triển đất nước. Các đại biểu đề xuất, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo định hướng có tính ổn định, lâu dài; phân quyền và giao trách nhiệm tới các địa phương.
 
    Văn bản quy phạm pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn các quan hệ xã hội và cần đơn giản, chặt chẽ, không chồng chéo. Tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất theo khung đồng bộ, thống nhất ở các cấp hành chính, có tầm nhìn dài hạn để làm công cụ quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài. Hoàn thiện cơ chế tài chính về giá đất, thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo nguyên tắc thị trường và đặc thù hàng hóa đặc biệt.
 
    Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương, nhất là cấp tỉnh. Về quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, tỉnh cũng đề nghị bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo quỹ đất sạch để chủ động thu hút đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các khu đất có giá trị thương mại cao. Luật hóa việc xác định phạm vi và cắm mốc để quản lý chặt chẽ các vùng đất trồng lúa, đất rừng, hồ nước ngọt cần bảo vệ nghiêm ngặt không được chuyển mục đích sử dụng đất để bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường...         
                                                                                              Hồng Hà
.