Thừa Thiên Huế: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân

Chủ Nhật, 07/06/2020, 06:37 [GMT+7]
    Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đã tổ chức 17 hội nghị để phổ biến, quán triệt cho hơn 850 cán bộ chủ chốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao trách nhiệm cho Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 200 đồng chí là bí thư cấp ủy cấp xã, thị trấn và cán bộ làm công tác tiếp dân nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; từ đó giúp cho các cấp tổ chức công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, bảo đảm đúng nguyên tắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
 
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiếp công dân định kỳ tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy (tháng 2/2020)
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiếp công dân định kỳ tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy (tháng 2/2020)
    Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được nâng lên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình tiếp dân định kỳ hằng tháng, thông báo các cấp ủy, chính quyền cấp dưới để phối hợp và tổ chức tiếp dân của lãnh đạo theo đúng quy định, quy chế đề ra, chuẩn bị cơ sở vật chất, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho mọi người dân, cán bộ, đảng viên có điều kiện thuận lợi để phản ánh, kiến nghị...
 
    Sau hơn một năm thực hiện Quy định 11-QĐi/TW, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tiến hành 08 lần tiếp công dân. Các ý kiến của người dân đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời cho người dân. Các huyện, thị xã, thành phố Huế đã tổ cức 75 buổi tiếp công dân; đối với những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đồng chí bí thư cấp ủy đã trực tiếp đối thoại với người dân để chỉ đạo xử lý, nhờ vậy, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế các vụ việc đều được xử lý, không để xảy ra điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.
 
    Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định 2083-QĐ/TU, ngày 18/7/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, với những quy định cụ thể, phù hợp với địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả; đồng thời, yêu cầu các cấp ủy đảng triển khai, ban hành các văn bản phù hợp để tổ chức, thực hiện ở đơn vị mình; đến nay 100% các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã có các văn bản cụ thể để triển khai, thực hiện Quy định 11 và Quy định 2083.
 
    Có thể khẳng định, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chủ động, kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; các văn bản ban hành luôn bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương, từ đó triển khai những nhiệm vụ, biện pháp phù hợp với thực tế của địa phương để tổ chức thực hiện; các văn bản ban hành đều được các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
 
    Công tác hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy tổ chức công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân được ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên đôn đốc, nhắc ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nghiêm túc, nhất là những nơi có nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện. 
 
    Trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số  tồn tại, hạn chế nhất định như: Một số cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa chưa thực sự coi trọng công tác tiếp dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định chính trị, xã hội ở địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác tiếp dân, đối thoại với dân ở một số cơ sở còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức các buổi tiếp dân, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy ở một số nơi chưa nhịp nhàng, còn chồng chéo do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để các cấp ủy đảng cơ sở tổ chức thực hiện.
 
    Qua công tác tiếp dân thời gian qua, đã kịp thời phát hiện để chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều tổ chức đảng có cách làm hay giúp cho người dân, cán bộ, đảng viên thuận lợi trong việc phản ánh, kiến nghị. Công tác tiếp công dân đã dần đi vào nền nếp; Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của dân để trực tiếp giải quyết hoặc chỉ đạo các cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phan Viết Giảng
    (Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)
.