Viện kiểm sát đề nghị mức án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh
Thứ Ba, 23/01/2018, 13:26 [GMT+7]
Ngày 22-1, phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần luận tội của công tố viên.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa theo phân công của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị các mức án đối với bị cáo.
Bị cáo Phạm Công Danh |
“Đại gia” Trầm Bê bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù
Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh bị đề nghị 20 năm tù; tổng hợp với bản án có hiệu lực trước đó, bị cáo bị đề nghị mức án 30 năm tù.
Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB bị đề nghị 13-15 năm tù; tổng hợp bản án trước đó bị đề nghị mức án 30 năm tù. Bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên Giám đốc Ngân hàng VNCB Chi nhánh Sài Gòn bị đề nghị 11-13 năm tù; tổng hợp bản án trước đó bị đề nghị 30 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 2 năm tù treo cho đến 23 năm tù.
Đáng lưu ý, “đại gia” Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương tín (Sacombank) bị đề nghị 5-6 năm tù. Liên quan đến bị cáo Trầm Bê, về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử gỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 591 An Dương Vương, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiến nghị tiếp tục điều tra lãnh đạo 4 ngân hàng
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữa nguyên quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thể hiện trong bản cáo trạng và công văn đề nghị Hội đồng xét xử điều tra công khai tại phiên tòa việc thu hồi 6.126 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng VNCB.
Công tố viên cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TPBank và Sacombak; buộc bị cáo Nguyễn Việt Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Lộc Việt phải trả lại 69 tỷ đồng thu lợi bất chính, sung công quỹ Nhà nước.
Ngoài các bị cáo bị xét xử công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra (Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi sai phạm tại các cá nhân là lãnh đạo 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng VNCB, BIDV, Sacombank và TPBank.
Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
(TTXVN)
;