Quảng Nam: Bước chuyển biến mới trong công tác cải cách tư pháp
Thứ Sáu, 10/02/2017, 09:37 [GMT+7]
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Nam tập trung xây dựng Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp tỉnh giai đoạn 2016 - 2021; tổng kết, đánh giá công tác cải cách tư pháp hàng năm và giai đoạn 2011 - 2015, đề ra nhiệm vụ trong tâm trong thời gian đến để triển khai thực hiện; xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về Cải cách tư pháp được thực hiện tích cực. Các vụ án, vụ việc phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm được rà soát, lập danh mục với 27 vụ, việc đưa vào diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay 22, vụ án, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm.
Riêng năm 2016, toàn tỉnh đã lập 45 vụ án điểm, tổ chức 65 phiên tòa rút kinh nghiệm, xét xử lưu động 228 vụ án. Cơ quan điều tra Công an thụ lý điều tra 1.320 vụ án, kết thúc điều tra 1.075 vụ; Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát 1.553 tin báo, tố giác tội phạm, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 1.176 vụ, đã giải quyết đạt 99,7%, truy tố ra Tòa án nhân dân để xét xử đạt 99,4%; Tòa án nhân dân đã giải quyết, xét xử 5.387 vụ, việc, đạt 98,7%; Cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý 9.698 việc dân sự với tổng số tiền trên 1.629 tỷ đồng, giải quyết đạt 87,9%, thi hành án thu 25,2 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, thu 495,2 tỷ đồng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Lĩnh vực bổ trợ tư pháp tập trung thực hiện tốt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020.
HĐND tỉnh tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, thực hiện nhiệm vụ công tác tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị; tăng cường giám sát chuyên đề đối với các cơ quan tố tụng để phục vụ công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết kỳ họp HĐND tỉnh liên quan đến hoạt động tư pháp và tòa án nhân dân.
Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp trong các cơ quan tiến hành tố tụng được củng cố, kiện toàn theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; triển khai thực hiện quy định về mô hình, tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ cho một số phòng, đơn vị trực thuộc Công an tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành kiểm sát đến năm 2020; thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận, xử lý Thủ tục Hành chính - Tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, tham mưu xử lý, giải quyết các loại án, đơn thư và cung cấp lý lịch tư pháp theo quy định.
Thực hiện Chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào), các cơ quan tư pháp 02 tỉnh thường xuyên tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tương trợ tư pháp về hình sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong năm 2016, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với Sở An ninh tỉnh Sê Kông trong công tác điều tra vụ án phá rừng Pơ mu xảy ra tại khu vực biên giới tại huyện Nam Giang.
Phan Văn Thu
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam)
;